Về Sa Huỳnh nghe tiếng nghìn xưa

11:02, 03/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sa Huỳnh! Ngày xưa ai khéo đặt tên, để bây giờ, sau bao nhiêu dời đổi của tạo vật, cát biển Sa Huỳnh vẫn vô tư mà vàng như thuở nào người xưa đến đây lập làng, lập xóm.

TIN LIÊN QUAN


Năm 1909, tại gò Ma Vương, thuộc thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), giới khảo cổ học đã khai quật trong lòng cát những ngôi mộ chum chứa nhiều vật dụng tùy táng (chôn theo người chết) thời xa xưa. Họ gọi đó là những “hộp đen” ghi lại cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh cách đây hơn 3.000 năm. Cái tên “Văn hóa Sa Huỳnh” xuất hiện từ đó. Và tên ấy không chỉ là một thuật ngữ quen thuộc trong giới khảo cổ học mà còn là cụm từ luôn nằm trong sổ tay của những người mê du lịch kết hợp du khảo.

Đường về nguồn cội

Tháng Chạp. Dọc đường qua xóm Cát để lên gò Ma Vương đã thấy những nụ tầm xuân lay lay trong gió chớm Xuân. Một chút mưa bụi rây trong nắng vàng ươm. Màu nắng ấy làm trong veo đôi mắt, làm hồng đôi môi, làm tươi đôi má của những cô gái tôi gặp trên đường đến chợ Sa Huỳnh sắm Tết.

Hoàng hôn Sa Huỳnh. Ảnh: Phạm Ngọc Đường
Hoàng hôn Sa Huỳnh. Ảnh: Phạm Ngọc Đường


Đã bỏ lại sau lưng mấy dặm cát, gò Ma Vương vẫn chưa hiện ra. Nhưng vội gì chứ? Tôi thích cái trễ tràng chiều cuối năm để kéo dài cảm giác bâng khuâng lâu rồi không gặp, thứ cảm giác thường thiếu vắng trong nhịp sống gấp gáp đời thường.

Ngồi trên thảm cát vàng, nghĩ về cái tên “Sa Huỳnh” ông cha đã đặt, bỗng dưng tôi nghe lòng mình trôi về phía thẳm xa nguồn cội. Nghìn năm trước, những bàn chân thiên lý đã dừng lại nơi này, nhỏ từng giọt mồ hôi làm nên những làng chài hình cánh buồm căng phồng bên gió biển. Xóm Cát là một cánh buồm như vậy, thấp thoáng quanh gò Ma Vương.

Đồ gốm Sa Huỳnh.                                                                            Ảnh: TCD
Đồ gốm Sa Huỳnh. Ảnh: TCD


Nhưng nơi đây từng có một quãng đời buồn, buồn như những giỏ lá dương khô trên lưng người băng qua đồi cát.

 

Cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo, nền văn hóa Sa Huỳnh góp phần tạo nên thế chân vạc trong tổng thể nền Văn hóa Việt Nam.

Những năm chiến tranh, vào xóm Cát như lạc vào xóm khói. Đó là khói nấu bếp từ lá dương khô. Dương thì bạt ngàn, nhưng lá rụng không đủ cho những bếp nghèo nấu cơm, kho cá. Giờ đời sống “ngon” rồi, nhà cửa tinh tươm với bếp điện, bếp gas. Lá dương rụng tơi bời không ai thèm nhặt. Người đi câu, đi củi, làm ruộng trong túi ít nhất cũng có cái di động “cùi bắp”. Những chiếc lá nhỏ như cây kim thôi hóa thân vào lửa. Chúng nằm yên dưới cội. Lá mùa sau rơi chồng lên lá mùa trước như thời gian ấp ủ thời gian. Như những nghìn năm ấp ủ trong lòng đất này những trang “nhật ký cuộc sống” của người Sa Huỳnh xưa.

Có lẽ chưa có địa phương nào chuyển mình từ... khảo cổ, trừ xóm Cát. Đang đìu hiu với những truông cát bịt bùng cây dại, giờ nơi này đã có đường bê tông, xe máy, xe con chạy vèo vèo. Mùa xuân rồi mùa hè, nhiều đoàn khảo cổ hết tây tới ta dập dìu thăm viếng.

Các vật dụng sinh hoạt.                                                               Ảnh: LHK
Các vật dụng sinh hoạt. Ảnh: LHK


Ông Trần Hoành, 64 tuổi, nhà dưới chân gò Ma Vương, nói với tôi với cặp mắt rất vui: “Nhà Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh to hơn cái đình, sắp xong rồi ông ơi. Cái xóm này hổng chừng vượt cấp, đổi đời, lên thị trấn “du lịch cổ” chớ chẳng chơi. Tui nói với mấy đứa cháu gái, lũ bay lo mà học tiếng Anh đi. Mấy ông Tây về làng mà tụi bay không... hế lô, ô kê được, cứ nói bằng... tay là chết với tao”. Vui lây từ ông Hoành, tôi có cảm giác con đường chừng ngắn lại. Gò Ma Vương - “cõi thiên thu” của người Sa Huỳnh cổ đã hiện ra. Không có lối mòn nào dẫn lên gò, tôi vẫn ngỡ bàn chân mình đang bồi hồi đặt lên dấu chân của người xưa.

Ngồi với cát nghe những nghìn năm

Trong tâm thức về nguồn, tôi quên bẵng những tất bật cuối năm, thanh thản lên đây để nghe trong lòng cát vọng về tiếng nghìn xưa, để được nối “kênh” cảm xúc của mình với tâm hồn của “những người muôn năm cũ”.

Khuyên tai bằng đá được tìm thấy trong mộ chum.    Ảnh: TCD
Khuyên tai bằng đá được tìm thấy trong mộ chum. Ảnh: TCD


 Cái tên “gò Ma Vương” xuất phát từ tên một loại cây có gai, lá nhỏ nhắn, mọc thành từng mảng trên gò: Cây ma vương. Cát cằn khô thế mà lá xanh đến ngỡ ngàng. Gò cao và rộng, mênh mông những cát là cát, nằm giữa một bên là biển, một bên là rừng dương xanh thẫm và đầm nước ngọt trong veo. Khi chọn nơi này để kết thúc đường đi cho hạt cát đời mình, người Sa Huỳnh cổ hẳn là “phong thủy” lắm. Hàng trăm ngôi mộ chum và những vật dụng tùy táng được tìm thấy trong nhiều lần khai quật đã vén mở lịch sử của cư dân Sa Huỳnh thuở sơ khai.

Nắng lao xao trong những cành dương. Gió trên gò như thổi về từ miền cổ tích. Tôi trầm ngâm cùng cát trong suy tưởng. Dẫu biết từ ba nghìn năm trước đến bây giờ là trùng trùng những cuộc bể dâu, biển tiến - thoái bao lần, gò Ma Vương ngày ấy - bây giờ cũng lở bồi mấy cuộc. Nhưng tôi vẫn xác tín một điều: Người Sa Huỳnh xưa và nay đều có cùng khát vọng vươn khơi, cùng một tầm nhìn hướng biển. Trong tưởng tượng quay ngược về cõi xưa, tôi nghe mông lung triều lên, vỗ vào mạn thuyền dập dềnh dưới bến. Những chàng trai ngực trần vồng lên hình ngọn sóng, khắp người xăm hình thủy quái, xách từng xâu cá đi về phía những túp lều. Lửa bập bùng soi bóng những cô gái đội nước ven bờ đầm. Tiếng tù và trầm đục gọi trăng, phả lên làng chài bàng bạc màu huyền sử.

Rìu đá.                                                                                                         Ảnh: TCD
Rìu đá. Ảnh: TCD


Khá nhiều di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đang nằm trong lồng kính của nhà bảo tàng. Chúng bắt đầu một cuộc sống khác sau ba thiên niên kỷ ẩn mình trong mộ chum. Những nét hoa văn trên từng vật dụng gốm là những chấm phá tài hoa của người xưa. Tôi nghe trong rìu đá tiếng đẵn cây dựng chòi, đóng thuyền cho những cuộc hải hành chinh phục biển khơi; nghe trong lưỡi câu bằng đá tiếng cá quẫy và tiếng sóng Biển Đông vang vọng. Đó là thứ “ngôn ngữ” góc cạnh, khỏe khoắn bật lên từ những ngư phủ đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Sa Huỳnh. Còn một thứ “ngôn ngữ” khác - ngôn ngữ của cái đẹp uyển chuyển - được “ghi” trên đồ trang sức làm từ đá, ngà voi, vỏ ốc...

Đó là những “ký tự” thể hiện hồn cốt người xưa. Hình ảnh mây, sóng, cỏ, hoa, nước, lửa, mặt trời... được chạm khắc sống động trên những chiếc nhẫn, vòng cổ, khuyên tai, vòng đeo tay... Hẳn người Sa Huỳnh xưa đã yêu đến tận cùng cái đẹp, biết làm đẹp, và trả giá cho cái đẹp bằng lòng kiên nhẫn qua ròng rã tháng năm mới có thể tạo dáng nét thanh nhã cho những sản phẩm trang sức ấy. Từ hơn ba nghìn năm trước bước ra, cái đẹp cổ điển của những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh trong lòng gò Ma Vương đã gây không ít bất ngờ cho các nhà khảo cổ học và mỹ học đương đại.

Ánh nắng vàng hanh của buổi chiều một ngày cuối năm gợi những suy cảm về thời gian. Gò Ma Vương, khu Mộ Chum lại thêm một tuổi. Người thêm một tuổi có thể chưa thấy cũ càng, nhưng nền văn hóa Sa Huỳnh thêm một tuổi đã thấy thêm một chút màu phôi pha năm tháng. Chợt nhớ dòng tin nhắn của cô bạn đang là sinh viên Đại học Văn hóa ở TP.Hồ Chí Minh: “Quê ông có gì để du khảo hôn? Tết, tui và nhóm bạn bay ra”. Tôi vào inbox viết: “Bạn về Sa Huỳnh đi, về để nghe... tiếng xưa, tiếng của những nghìn năm. Hay lắm đó”.

Trần Cao Duyên

 


CÁC TIN KHÁC
.