Sa Huỳnh: Thiên nhiên, di tích và du lịch

02:12, 23/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sa Huỳnh (Sa Huỳnh môn) vốn là tên gọi một cửa biển. Địa danh này dần về sau còn dùng để chỉ một vùng đất, một khu vực địa lý nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận 2 xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 60km.
 

Độc đáo Sa Huỳnh...

Sa Huỳnh là một vùng thiên nhiên ký thú và độc đáo. Đây là nơi khép lại của dãi đồng bằng ven biển Nam Ngãi, chạy dọc và đứt đoạn liên tục từ chân rặng Hải Vân phía bắc đến chân núi Đá Đen – đèo Cung Quăng ở phía Nam.

Chính tại Sa Huỳnh, những nhánh rẽ của hệ núi Trường Sơn Nam nhoài ra biển, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, để trở thành những mũi đá (mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng), cù lao (hòn Đụn, hòn Châu Me, hòn Dù, hòn Son,...) đồng thời kết hợp và chịu tác động với các yếu tố khác về địa hình, khí hậu, thuỷ văn (sóng, gió, cát biển, dòng suối nhỏ, thuỷ triều,…) để tạo ra các đầm nước, bàu nước (đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Lâm Bình, bàu Nú), đặc biệt là những động cát ven biển, nơi mà vào năm 1909, một nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp, vốn là nhân viên thuế quan, tên là M.Vinet, đã tìm thấy những mộ chum, mở đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh.
 

 

Gốm Long Thạnh (Sa Huỳnh)
Gốm Long Thạnh (Sa Huỳnh)


Bãi cát mịn, óng ả một màu vàng, chạy dài gần 6 km, liền bên ngoài là một vùng biển xanh biếc, bên trong là những hàng dương vi vút gió, những làng chài núp dưới bóng dừa; xa hơn là lác đác sơn thôn nằm trên lưng chừng những ngọn núi thấp như núi La Vân, núi Gò Chùa, núi Đá Đen, núi Diên Trường… là những gì mà chúng ta có thể miêu tả một cách đơn giản nhất về khung cảnh Sa Huỳnh.

Thêm vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó là cánh đồng ruộng muối, với những đụn muối trắng phau, những ô ruộng vuông vức, phẳng lỳ... Có thể nói rằng, tạo hoá và con người đã cùng góp bàn tay tạo tác để Sa Huỳnh trở thành một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam.

Chưa hết, biển hào phóng còn ban tặng cho Sa Huỳnh những sản vật độc đáo như tôm hùm, nhum (cầu gai), cua huỳnh đế, nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực truyền thống riêng biệt và thú vị của cư dân nơi nầy. Đặc biệt, con nhum khi chế biến thành mắm (mắm nhum) từng là một trong những tiến vật mà người Quảng Ngãi dâng lên các vua nhà Nguyễn hàng năm, từ thời Minh Mạng (1830 – 1841), theo như ghi chép của Sử quán trong sách Đại Nam nhất thống chí.

Dĩ nhiên, nhắc đến Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học và không chỉ các nhà khảo cổ học, sẽ nhanh chóng liên hệ đến các địa danh gắn chặt với văn hoá Sa Huỳnh, đó là Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức. 


Một địa điểm khác, liên quan đến các di tích văn hóa Sa Huỳnh mà các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà khảo cổ học và đông đảo dân chúng không thể không đề cập đến, đó là Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Cần phải khẳng định rằng: Phòng trưng bày về văn hóa Sa Huỳnh thuộc Bảo tàng tổng hợp Tỉnh là một trong số không nhiều những phòng trưng bày trong nước về trên thế giới, có những sưu tập hiện vật khái quát được  diện mạo văn hóa Sa Huỳnh trong dòng chảy chung của sự hiện diện, lan tỏa và giao thoa của văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa Đông Sơn, Ốc Eo và các nền văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á.

Khai thác du lịch

Từ cách đây hơn mười năm, được sự hỗ trợ của Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Sa Huỳnh thành một khu du lịch hoàn chỉnh, bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng, điện, đường, xây dựng khách sạn, siêu thị, khu vui chơi, nghỉ dưỡng và tắm biển… Hiện Sa Huỳnh Resort đã đi vào hoạt động với đầy đủ dịch vụ và với mức giá cả hợp lý.
 
Từ một làng chài, Sa Huỳnh nay đã thành một thị tứ xinh đẹp, hòa minh trong thiên nhiên cây xanh, cát vàng, biển biếc. Du khách đến đây còn có dịp tham dự vào những lễ hội dân gian như lễ nhúng nước lưới của ngư dân, được đắm mình trong không gian văn hóa với những cuộc diễn xướng bả trạo, hát ống, hát múa sắc bùa...

 

 Đầm nước ngọt An Khê
Đầm nước ngọt An Khê.


Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch Sa Huỳnh nói chung, những nỗ lực nhằm tạo điều kiện để du khách đến thăm thú các điểm di tích văn hóa Sa Huỳnh nói riêng, vẫn chưa được như mong muốn. Công tác giới thiệu cho du khách về giá trị, ý nghĩa của các di tích văn hóa Sa Huỳnh trong tổng thể các di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Quảng Ngãi chưa  được chú ý đúng mức. Có rất ít công ty lữ hành đưa các điểm di tích Văn hóa Sa Huỳnh vào các tuyến du lịch; vì vậy du khách vẫn còn gặp lúng túng khi muốn tham quan những địa điểm gò Ma Vương, cồn cát Long Thạnh, làng ven biển Thạnh Đức...

Môi trường cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Như các ngành kinh doanh khác, kinh doanh trên lĩnh vực du lịch ắt nhằm đến mục tiêu có lãi. Vấn đề là, cũng như các ngành kinh tế khác, khai thác du lịch cần chú trọng phương châm phát triển hài hòa, bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà ngành du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng ở Quảng Ngãi chưa thực sự phát triển, có vẻ như các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch ở tỉnh nhà chưa thực sự quan tâm đến tác động tiêu cực của việc khai thác du lịch đối với các di tích, môi trường sống và các quan hệ xã hội.

Trong khi nhiều nước trên thế giới, nhiều địa phương trong cả nước đang hoạch định những chính sách cụ thể nhằm ngăn chặn, khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của hoạt động du lịch đối với thiên nhiên và đời sống, thì có cảm tưởng ở Quảng Ngãi chúng ta đang nhìn mối quan hệ giữa môi trường sống, môi trường xã hội với sự phát triển du lịch chỉ toàn màu hồng, và mặc nhiên không có những toan lo thiết thực để khống chế mầm mống những tác hại tiêu cực sẽ ngày càng lớn hơn một khi kinh tế du lịch phát triển.

 Bình minh đồng muối
Bình minh đồng muối.


Du lịch là một ngành kinh tế mà trong đó các thành phần kinh tế đều có quyền tham gia, theo quy định của pháp luật, một cách bình đẳng. Vì vậy kinh doanh du lịch trong đó có du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa nói chung, văn hóa Sa Huỳnh nói riêng, hiển nhiên là một ngành hoạt động toàn xã hội. Và như thế ở đây không cần thiết phải đưa ra khẩu hiệu xã hội hóa. Vấn đề là phải xã hội hóa việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác các di tích, hiện vật, làm cho các di tích, hiện vật đó có thể phát huy được giá trị thật tốt, thật hiệu quả trong đời sống xã hội, trong đó có giá trị khai thác du lịch.

Các di tích về văn hoá Sa Huỳnh trên khắp tỉnh Quảng Ngãi nói chung, tại khu vực Sa Huỳnh nói riêng đã và đang được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước dày công phát hiện, nghiên cứu. Những người làm du lịch không thể chậm chân hơn nữa trong việc khai thác những ưu thế mà chỉ có thể có ở nơi này.
 

Bài và ảnh: Lê Hồng Khánh


 


CÁC TIN KHÁC
.