Nông cụ một thời...

07:11, 30/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đã giải phóng sức lao động cho nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng. Tuy vậy, những nông cụ một thời vẫn để lại ấn tượng sâu đậm về sự cần cù, nhẫn nại, cả sự khéo léo, tinh xảo của người nông dân xứ Quảng trong lao động sản xuất.

Ngày trước, những chiếc cày, bừa của nông dân tuy được làm bằng thủ công, nhưng đã cày bao thửa ruộng cho những mùa lúa tươi tốt. Ngày mùa ở những vùng quê lúc nào cũng nhộn nhịp, nhưng khá yên bình.

Thô mộc và khéo léo

Ông Nguyễn Đạt, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), bộc bạch: “Bây giờ, máy móc thay người, làm ăn có hiệu quả hơn. Nhưng tôi vẫn nhớ cái thời đó. Cứ vào ngày mùa, sớm sớm đường làng nghe tiếng bò kêu, tiếng người kéo nhau ra đồng cày ruộng. Còn bọn trẻ nhỏ, cứ sau lụt tháng mười vào vụ đông xuân là kéo nhau đi bắt cá theo đường bừa, mặt mày đen nhẻm.

Chiếc cày thủ công vậy mà đường cày khá sâu. Cày xong lại bừa dẹp tháo nước vào ruộng diệt cỏ, chứ không như bây giờ phun thuốc  diệt cỏ ô nhiễm quá. Cày bừa xong, cánh đàn bà con gái nhổ mạ, xắn quần xuống ruộng cấy lúa, nên mới có cảnh: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa...”.

Những chiếc nơm, chiếc lờ đã thể hiện sự cần cù, khéo léo nhẫn nại của nông dân một thời.
Những chiếc nơm, chiếc lờ đã thể hiện sự cần cù, khéo léo nhẫn nại của nông dân một thời.


 Ở vùng đồng gieo huyện Sơn Tịnh, vùng phía tây huyện Mộ Đức, Đức Phổ bà con cứ nhắc nhiều đến chiếc vồ đập cục thô mộc. Hồi đó, không có công trình thủy lợi nhiều như bây giờ, nên ở vùng đồng gieo sau mùa lúa tháng ba, bà con dắt trâu ra đồng cày ruộng rồi phơi ải qua tháng 8, tháng 9 trời bắt đầu có mưa giông thì bừa khô một bận, rồi đem lúa ra gieo. Đồng khô nên đất ruộng thành cục. Bà con nông dân dùng chiếc vồ đập cục thường làm bằng gỗ mít.

Những đêm trăng sáng, nhà nhà kéo nhau ra đồng đập cục, rồi gieo lúa trì trì kéo dài gần 6 tháng mới thu hoạch. Khi trời mưa lũ, cá dưới sông lên đồng đẻ trứng, rồi bầy cá rô xuất hiện nên bọn trẻ tha hồ rẽ lúa mà câu. Cá rô đồng đem kho với lá gừng, ăn với cơm nóng trong ngày mưa, trở thành món ngon mà dân dã. Ăn xong, uống bát nước chè tươi càng ấm bụng.

Nghề nông, gắn bó với sông nước, ruộng đồng. Ở Quảng Ngãi có những xóm chuyên đan lờ, làm nơm. Để có những chiếc lờ, chiếc nơm, cứ bước vào mùa hè, bà con chọn những cây tre mỡ già chắc, vàng óng, chặt ra vót thành nan, với đôi tay khéo léo, bà con đan thành chiếc nơm, chiếc lờ để những ngày mưa người người kéo nhau đi thả lờ bắt cá đồng.

Còn chiếc nơm thì chờ sau mùa gặt tháng ba rảnh rỗi, nước sông cạn, bà con kéo nhau đi úp nơm bắt cá. Riêng ở dọc sông Trà thuộc vùng Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng bà con bắt cá thài bai. Cá nhỏ bằng cọng tăm nên tấm đăng, chiếc nò đan càng tinh xảo.  

Quảng Ngãi từ lâu là xứ mía đường, nên bà con làm che ép mía. Họ thường gọi là những “ông” che. Những “ông” che bằng gỗ được những người thợ làm thật đều, khi ép mía mới đạt hiệu quả, mới nhẹ sức kéo cho đôi bò. Nước mía nấu thành đường muỗng, đường sệt đem sử dụng thật đậm đà. Mùa thu hoạch mía, nấu đường, mùi mật bay xa...

Bờ xe nước - nông cụ thành biểu tượng

Bờ xe nước không chỉ có ở Quảng Ngãi, nhưng cái độc đáo của người xứ Quảng là bờ xe nước có từ 7 đến 10 bánh. Nửa cuối thế kỷ trước, trên dòng sông Vệ và sông Trà Khúc có nhiều bờ xe nước. Bờ xe nước Quảng Ngãi là niềm tự hào của nông dân trong việc “dẫn thủy nhập điền”.

Bởi bà con nông dân chỉ làm bằng tre, bằng dây rừng và lợi dụng sức nước để quay bờ xe, đưa nước lên đồng. Để làm bờ xe nước, lệ thường quãng tháng 7, những người thợ làm bờ xe nước thường lên mạn ngược tìm mua những bụi tre già, rồi đốn chặt kết thành bè thả trôi theo dòng sông về xuôi. Họ chọn những gò đất cao để làm bờ xe. Sau lụt tháng 10 thì bắt đầu xuống sông đóng bờ cừ, rồi ghép những bờ xe.

Theo tác phẩm “Non nước xứ Quảng” của tác giả Phạm Trung Việt, trên dòng sông Vệ và sông Trà Khúc có lúc có 110 bờ xe nước đủ tưới cho 4.500 mẫu ruộng. Những bờ xe nước chậm rãi, quay đều là biểu tượng của xứ Quảng, thể hiện rõ sự khéo léo của người nông dân, trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca, âm nhạc.

Những nông cụ của nông dân xứ Quảng theo thời gian đang mất dần. Do vậy, việc bảo tồn cần được quan tâm. Bởi qua đó, thế hệ mai sau mới hiểu rõ hơn về cha ông mình nhiều đời chịu thương, chịu khó, khéo léo làm nên những công cụ thủ công đầy sáng tạo.  
           

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


CÁC TIN KHÁC
.