Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ ngày 8.10.1930: Nhiều bài học ý nghĩa

08:10, 07/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, chấp hành sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã lãnh đạo nhân dân các địa phương liên tục nổi dậy với nhiều hình thức phong phú, quyết liệt và Quảng Ngãi đã trở thành một trung tâm của các cao trào cách mạng ở Trung Kỳ năm 1930 – 1931, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình chiếm huyện đường của 5.000 nông dân huyện Đức Phổ ngày 8.10.1930.

TIN LIÊN QUAN

Đây là trận mở đầu của nhân dân Quảng Ngãi tấn công vào chế độ cai trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, phối hợp và chia lửa với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong lược thảo phong trào Cộng sản Đông Dương viết năm 1933 khi phản ánh về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã viết “Ngoài những tỉnh đỏ ra (tức Nghệ An – Hà Tĩnh) phong trào cách mạng còn phát triển mạnh mẽ tại miền Trung và miền Nam Trung Bộ như tại Quảng Ngãi chẳng hạn, nông dân đã chiếm cứ công đường huyện trong mấy giờ”…

Phù điêu cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ năm 1930.
Phù điêu cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ năm 1930.


PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia  Hồ Chí Minh kiểm định: Nếu ở Nghệ An – Hà Tĩnh phong trào phát triển tới đỉnh cao là thành lập chính quyền cách mạng ở địa phương, cơ sở thì ở Quảng Ngãi có cuộc đấu tranh của nhân dân chiếm huyện đường Đức Phổ ngày 8.10.1930 và các cuộc biểu tình, đấu tranh đó đã làm tan rã chính quyền địch.
 

Bài học về sự nhạy bén, kiên quyết, táo bạo

Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi mới thành lập. Đó là sự sáng suốt, nhạy bén, kiên quyết, táo bạo, nắm vững đường lối của Đảng. Đó là lòng tin tuyệt đối vào Đảng Cộng sản của quần chúng, dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân đã tạo nên sức mạnh cho phong trào. Đây là bài học xuyên suốt của Đảng ta 85 năm qua.

PGS.TS Trịnh Mưu - Viện Quan hệ quốc tế khẳng định: Tiếp theo các cuộc biểu tình có hàng vạn quần chúng tham gia ở quy mô cấp huyện của Nghệ An- Hà Tĩnh là các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân Quảng Ngãi trong tháng 10 -11.1930. Sau cuộc biểu tình của hơn 5.000 nông dân Đức Phổ ngày 8.10.1930 là các cuộc biểu tình bùng phát mạnh mẽ ở các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức, Trà Bồng, Ba Tơ… bất chấp sự khủng bố trắng dã man của thực dân Pháp. Các cuộc biểu tình đều quán triệt rõ nhiệm vụ chính trị là lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, tôn trọng quyền tự quyết.

Cao trào cách mạng năm 1930 – 1931 diễn ra sôi nổi, rộng khắp Bắc – Trung – Nam, hàng nghìn cuộc đấu tranh đã nổ ra. Tuy nhiên, cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ, làm chủ huyện lỵ là một trong những cuộc đấu tranh có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng bộ địa phương… Do đó, có thể nói cuộc đấu tranh đêm ngày 7 rạng ngày 8.10.1930 là cuộc đấu tranh thành công nhất về mọi mặt, nhất là bảo toàn lực lượng, hiệp đồng đấu tranh, thực hiện mục tiêu đấu tranh. Việc chọn đúng địa bàn, tổ chức và lãnh đạo của cuộc đấu tranh là thành công của Đảng bộ. Thắng lợi của phong trào ở huyện Đức Phổ có ý nghĩa mở đầu cao trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh những năm 1930 – 1931.

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhận xét: Cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ ngày 8.10.1930 là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho nhân dân Quảng Ngãi tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn trong các giai đoạn cách mạng về sau. Đây là cuộc biểu tình được Tỉnh ủy Quảng Ngãi mà trực tiếp là Huyện ủy Đức Phổ chuẩn bị hết sức chu đáo về mọi mặt, cuộc biểu tình phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, là sự khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi ngay từ khi mới ra đời.

Không những thế, thành công của cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ và những cuộc đấu tranh sau đó về phương pháp, nghệ thuật lãnh đạo, bảo vệ phong trào, bảo toàn lực lượng trong những năm đầu thành lập Đảng, trong điều kiện thế địch còn mạnh để lại nhiều bài học có giá trị lịch sử to lớn, thực tiễn rất quan trọng. Nó cũng đã để lại kinh nghiệm quý về nghệ thuật nắm bắt tình thế cách mạng. Thành công của cuộc biểu tình ngày 8.10.1930 ở Đức Phổ là thắng lợi bước đầu, toàn diện, quần chúng được phát động, xây dựng được niềm tin của quần chúng vào Đảng, kẻ thù bị trấn áp tinh thần nên hoang mang, lúng túng, run sợ.

Phong trào này là sự “chia lửa” với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã tác động không chỉ trong phạm vi tỉnh mà còn đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Vì thế, sự kiện này cũng như nhiều sự kiện khác do Đảng lãnh đạo từ năm 1930 – 1945 cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu một cách toàn diện hơn, đầy đủ, sâu sắc hơn, góp phần làm phong phú kho tàng lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc trên quê hương Quảng Ngãi.
                          

VŨ TÙNG VI


 


CÁC TIN KHÁC
.