Gặp lại "phóng viên" của Đội Du kích Ba Tơ năm xưa

07:04, 04/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi vô cùng ấn tượng về một cụ già có dáng vẻ nhanh nhẹn, động tác linh hoạt, mái tóc bạc trắng như cước tại buổi gặp mặt các đội viên Đội Du kích Ba Tơ chiều 10.3.2015. Qua trò chuyện, cụ cởi mở nói: “Tôi là Thân Hoạt, đội viên Đội Du kích Ba Tơ. Cách đây 70 năm, khi tròn 17 tuổi, tôi vinh dự được vào Đội Du kích Ba Tơ...”

“… Trong quá trình làm du kích, các đồng chí lãnh đạo giao nhiệm vụ cho tôi phụ trách viết tin bài, in ấn xuất bản Tạp chí Xung Phong để tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho toàn đội.  cụ Hoạt tiếp tục câu chuyện.

“Tòa soạn đỉnh Cao Muôn, Nhà in Ba Đình…”

Tôi đã từng đọc một số tài liệu viết về Đội Du kích Ba Tơ, về cuộc khởi nghĩa này và cũng có biết về Tạp chí Xung Phong, nghe tên cụ Thân Hoạt. Thế nhưng hôm nay đứng trước cụ - người “phóng viên” của tờ Tạp chí Xung Phong thời ấy với tư cách là một phóng viên trò chuyện, khai thác tư liệu viết bài về cụ sao tôi cứ lúng túng.

Sự chân thực trong từng câu chuyện, khiêm nhường trong giao tiếp của cụ và cách làm “nghề” khá chuyên nghiệp của “phóng viên” Tạp chí Xung Phong kiêm kỹ thuật viên in ấn tờ tạp chí này cách đây 70 năm làm cho tôi bị cuốn hút, thú vị.
 

 

 Cụ Thân Hoạt thăm lại chiến khu xưa.
Cụ Thân Hoạt thăm lại chiến khu xưa.

Cụ Hoạt kể: “17 tuổi, tôi chỉ nghĩ đơn giản làm cách mạng là được ra trận bảo vệ chính nghĩa. Suy nghĩ thế rồi tôi nhận được lời động viên của chi bộ thôn An Thạnh (nay là thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh - nơi cụ Hoạt sinh ra và lớn lên) động viên tham gia cách mạng. Thế là tôi gác bút nghiên khoác ba lô lên đường. Khi tham gia Đội Du kích Ba Tơ, là người có trình độ trong lớp  trẻ, lại là người viết chữ đẹp, tôi được giao nhiệm vụ viết tin tuyên truyền, phục vụ xuất bản Tạp chí Xung Phong của Đội. Nghề “phóng viên” như ngày nay vẫn gọi đến thật tình cờ với cuộc đời tôi là như thế”.

Gọi là tạp chí, nhưng vì thực hiện mục tiêu tuyên tuyền cho đội viên Đội Du kích Ba Tơ nên khổ rất nhỏ, chỉ vừa vặn đút vào túi áo ngực. Cụ Hoạt nhớ lại: “Trang bìa ghi đầy đủ các thông tin về tạp chí. Trên cùng là tiêu đề “Đội Du kích Ba Tơ; dưới đề Tạp chí Xung Phong. Phía dưới cùng của trang là 2 câu: Tòa soạn đỉnh Cao Muôn, Nhà in Ba Đình xuất bản”.

Cụ Hoạt giải thích rằng: “Tòa soạn đỉnh Cao Muôn” thực ra không phải tạp chí có trụ sở hay được xuất bản ở Cao Muôn đâu mà chỉ là đề như thế nhằm động viên khí thế anh em trong đội dâng cao ngọn cờ khởi nghĩa. Còn “Nhà in Ba Đình xuất bản” không phải là in ở nhà in Ba Đình Hà Nội ngày nay, mà Ba Đình là tên của một cuộc khởi nghĩa vang dội ở Thanh Hóa. Đại ý cũng là để làm dâng cao hơn nữa tinh thần cách mạng của toàn đội”.

Cụ Hoạt cho biết, tờ tạp chí này in ấn ra đời tại xã Đức Tân (Mộ Đức). “Công nghệ in” hết sức thủ công. Nhiều người cùng tham gia tờ tạp chí này, trong đó có  đồng chí Nguyễn Đôn và Nguyễn Chánh. Chính đồng chí Nguyễn Đôn là người hướng dẫn cách in cho cụ Thân Hoạt.

“Cụ ơi, ngày ấy Tạp chí Xung Phong viết gì thế ạ?” Tôi hỏi. Cụ Hoạt nói: “Ngày xưa làm tạp chí dễ hiểu, dễ nhớ lắm! Nội dung tạp chí phản ánh kinh nghiệm đánh giặc; tuyên truyền phẩm chất, tinh thần, kỷ luật, kỷ cương của Đội Du kích Ba Tơ. Giấy mực kém, viết không có bàn, khi thì viết trên chiếu, lúc lại viết trên tảng đá, nên khi in ra được một cuốn tạp chí thì mừng ghê lắm…”. Cụ còn bảo rằng, khi ấy mới 17 tuổi nên hăng say vô cùng. Viết tuyên truyền chính trị mà cứ như trong máu thịt tuôn ra, câu từ sắc bén. Viết từ nào chuẩn từ ấy, chẳng phải viết đi viết lại, in lại in đi nhiều lần...

Người thư ký tận tụy của nhiều vị tướng quân đội

Chính vì những đức tính trên mà đồng chí Nguyễn Đôn, Nguyễn Chánh rất quý “người đội viên đàn em” Thân Hoạt.

Sau khởi nghĩa thành công, tờ Tạp chí Xung Phong chấm dứt sứ mệnh. Đồng chí Nguyễn Đôn tuyển cụ Thân Hoạt làm thư ký cho mình. Sau đó cụ Hoạt được điều sang làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Chánh.

“Nói là tướng lĩnh quân đội nhưng hai đồng chí Nguyễn Đôn, Nguyễn Chánh sống tình cảm lắm! Tôi thường được ngủ chung giường với đồng chí Đôn. Nửa đêm anh ấy nhớ ra điều gì cần huấn thị sâu sắc liền bảo tôi lấy bút ghi chép lại để khi cần thì dùng”, cụ Hoạt kể.

Vị tướng thứ ba mà cụ Thân Hoạt được chọn làm thư ký là Đại tướng Hoàng Văn Thái và vị tướng thứ tư ông vinh dự được chọn làm thư ký là Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Vẫn một lòng với nghề “cầm bút”

Cả một đời phục vụ quân ngũ, nhưng cụ Thân Hoạt luôn có duyên với nghề “cầm bút”. Khi mới vào đội du kích, cụ cầm bút phục vụ xuất bản Tạp chí Xung Phong. Khi tờ tạp chí này hoàn thành sứ mệnh, cụ lại được chọn về làm thư ký cho 4 vị tướng lĩnh của quân đội. Và chính cái nghề cầm bút này đã buộc cụ phải đọc, phải học và phải không ngừng rèn luyện để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ chỉnh chu từ cách dùng từ, phát ngôn; nhớ logic các vấn đề, sắp xếp chúng theo trình tự trước sau.

Cụ Thân Hoạt hỏi lại tôi: “Theo cháu, bài báo như thế nào là bài báo hay ?”. Khi tôi vẫn còn bối rối thì cụ Hoạt nói ngay: “Bài báo hay là bài báo có hồn. Muốn có hồn thì người viết phải có tâm. Mà cái tâm là làm theo sự mách bảo của trái tim người cầm bút. Dù văn chương bay bổng đến mấy, nhưng trong đó không có hồn thì chưa thể gọi là bài báo hay được”.

Dù tuổi cao, nhưng từ ngày về hưu đến nay cụ Hoạt vẫn cộng tác với nhiều tạp chí, nhiều tờ báo. Bài viết của cụ chân thực như thể con người cụ, nhưng chỉnh chu chứ không hề xuê xoa, dễ dãi.  Trong một số sách lịch sử của Quảng Ngãi, cụ có nhiều bài viết ký tên Thân Hoạt được người đọc đón nhận, trân trọng bởi một lẽ như thế…

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

CÁC TIN KHÁC
.