Nỗi đau Bình Hòa

01:12, 07/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân Bình Hòa (Bình Sơn) gọi ngày 6 tháng 12 hằng năm là ngày giỗ làng, ngày kinh hoàng mà 48 năm về trước, lính đã tàn sát, cướp đi mạng sống 430 người dân vô tội nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Quá khứ đau thương

 

Tại các địa điểm xảy ra thảm sát tập thể, bia tưởng niệm vẫn chưa được khắc chữ.
Tại các địa điểm xảy ra thảm sát tập thể, bia tưởng niệm vẫn chưa được khắc chữ.

Là xã đồng bằng ven biển thuộc trung tâm khu đông huyện Bình Sơn, Bình Hòa có vị trí trọng điểm, nối liền nhiều trục đường chính của huyện. Trong chiến tranh, nơi đây ghi dấu tinh thần chiến đấu bất khuất, ngoan cường cùng nhiều chiến công hiển hách của đồng bào ta. Những năm 1965- 1967, đế quốc Mỹ đã lấy 2 xã Bình Hòa và Bình Hải làm trọng điểm đánh phá, nhằm tiêu diệt tận gốc cơ sở cách mạng vùng đông bắc Quảng Ngãi.
 
Tháng 10 năm 1966, Mỹ đưa tiểu đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên (Đại Hàn) đến đóng quân tại các đồi Châu Rê, Núi Dâu, Đồng Tranh (xã Bình Hòa). Tháng 12 năm 1966, trong 3 ngày liên tiếp, lính Đại Hàn đã gây ra 5 vụ thảm sát tập thể thường dân vô tội tại 5 địa điểm: Buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, dốc Rừng, đồng Chồi Giữa và đám ruộng giếng xóm Cầu, giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ, 174 thiếu nhi và 15 trẻ sơ sinh.

Ông Trần Thái (62 tuổi) ở xóm An Phước có 5 người trong gia đình bị giết chết ngày hôm ấy, vẫn còn nhớ như in: “Khoảng 10 giờ ngày 6.12.1966, khi tôi đang thả bò ngoài đồng thì thấy  lính Đại Hàn tiến vào xóm An Phước. Trèo lên cây, nhìn về xóm thì thấy lính dồn hết dân xuống một đám ruộng. Mọi lần chúng cũng dồn dân lại, nhưng rồi thả ra. Không ngờ lần này, chúng điên cuồng nả súng và pháo vào dân, hết lượt này đến lượt khác. Tất cả, không một ai có vũ khí, lần lượt ngả rạp, chất chồng lên nhau”.

Ngày hôm đó, tại xóm An Phước, lính Đại Hàn đã tập trung dân đến 3 địa điểm dốc Rừng, Chồi Giữa và Ruộng Giếng, giết chết 256 người. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót. Trong tiết trời lâm râm mưa phùn, dòng nước cánh đồng Chồi Giữa nhuộm đỏ máu những người dân vô tội. Cả xóm An Phước bị lửa thiêu rụi, chỉ còn lác đác vài mái nhà và vài chục người ra đồng, may mắn sống sót. Bà Trịnh Thị Huyền- Hội trưởng hội Phụ nữ xã thời điểm đó, đến nay đã 83 tuổi, nhớ lại: “Mình phải nhờ du kích các xã Bình Phú, Bình Hải đến giúp, chặt bẹ chuối bó xác, cột vô cây tre mà khiêng đi chôn dưới những hầm tập thể. Hai ngày hai đêm mới hết xác bà con. Cả xã Bình Hòa ngày ấy, chìm trong tang thương…”.

Bà Trịnh Thị Huyền kể lại vụ thảm sát Bình Hòa.
Bà Trịnh Thị Huyền kể lại vụ thảm sát Bình Hòa.
Đôi điều trăn trở

Sau ngày thảm sát, ngọn lửa căm hờn bùng lên khắp nơi. Trong màu trắng khăn tang, toàn dân Bình Hòa hô to khẩu hiệu “Xé xác Rồng Xanh, phanh thây mãnh hổ”. Bà Huyền cùng một số người tập trung, kêu gọi bộ đội Tiểu đoàn 83 và Tiểu đoàn 48, cùng cắt máu ăn thề, quyết chí trả thù cho đồng bào bị giặc sát hại.

Rất nhiều người dân Bình Hòa mất đi người thân trong vụ thảm sát, đã xung phong ra trận. Trong đó có ông Lương Văn Đê, có 1 vợ và 2 con đều chết trong ngày 6.12 ở xóm An Phước. Ông Đê sau đó cũng hy sinh anh dũng trong trận đánh ở Bình Hiệp, năm 1967. Đến nay, hương khói gia đình ông và nhiều gia đình người dân Bình Hòa đã chết hết trong vụ thảm sát, được bà con và chính quyền nơi đây chăm lo. Từ nỗi đau tang thương chiến tranh gây ra, người dân Bình Hòa nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đã biến thành sức mạnh dân tộc. Và sức mạnh ấy, đã mang lại hòa bình của ngày hôm nay.

48 năm lặng lẽ trôi qua, cỏ cây đã vươn lên, phủ xanh hố bom Truông Đình. Trên  tấm bia khắc tên 430 người dân, những vệt chữ đã mờ theo năm tháng. Vụ thảm sát Bình Hòa diễn ra bất ngờ, đến nay hầu như không có tư liệu nào về hình ảnh, hiện vật được lưu giữ. Câu chuyện đau thương, chỉ còn trong kí ức những người dân Bình Hòa may mắn sống sót qua chiến tranh.

Năm 1991, di tích vụ thảm sát Bình Hòa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia và được dựng bia tưởng niệm. Theo ông Bùi Việt Khoa- Bí thư Đảng uỷ xã Bình Hòa: Mỗi năm, xã đón từ 3-4 đoàn du khách Hàn Quốc, chủ yếu là sinh viên, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử… Họ trở lại Bình Hòa với mong ước chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều năm nay di tích vụ thảm sát Bình Hòa vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo hoàn tất.

Hiện nay, nhiều đoạn đường dẫn vào di tích chưa được sửa chữa, đi lại rất khó khăn, mùa mưa trở nên lầy lội. Tại 5 địa điểm xảy ra các vụ thảm sát tập thể, bia tưởng niệm được dựng lên từ đầu năm 2014, nhưng chỉ có bia tưởng niệm tại hố bom Truông Đình được khắc chữ. Những phần mộ chung, quá trình tôn tạo đã xây tường bao quanh, mưa xuống không thoát nước, khiến thân nhân người chết thêm trăn trở. Di tích vụ thảm sát Bình Hòa đang rất cần được trùng tu, tôn tạo, để giáo dục cho thế hệ hôm nay về những mất mát lớn lao mà dân tộc ta đã phải trải qua.

Bài, ảnh: Hà Xuyên


 


CÁC TIN KHÁC
.