Khúc tráng ca ở ngã ba Đồng Lộc

08:05, 02/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tất cả chúng tôi đều không kiềm được những giọt nước mắt, những cảm xúc trào dâng khi nghe cô hướng dẫn viên Lương Thị Thuỷ thuật lại câu chuyện bi hùng về sự hy sinh của mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Chiến tranh  lùi xa đã 39 năm, nhưng câu chuyện về sự hy sinh của các cô đã trở thành huyền thoại và mỗi lần kể lại không ai cầm được nước mắt...

Mới đây, tôi có dịp cùng đoàn công tác của báo Quảng Ngãi và báo Quảng Nam về thăm Khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Chúng tôi đã dâng hương tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc, mười nữ anh hùng liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc và được nghe câu chuyện hy sinh bi tráng của mười cô gái TNXP ở đây. Quá xúc động, hầu như ai cũng bật khóc.

Con đường huyết mạch

Ấy là con đường 15A qua ngã ba Đồng Lộc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngã ba Đồng Lộc được gọi là yết hầu, là huyết mạch giao thông, đường 15A là con đường độc đạo để chúng ta chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đế quốc Mỹ bằng mọi giá đã đánh phá ngã ba Đồng Lộc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Phục vụ chiến đấu ở chiến trường Đồng Lộc lúc đó có rất nhiều lực lượng như bộ đội, công an, công nhân giao thông, dân quân, lực lượng ngành y tế, bưu điện, lái xe, thông tin... Nhưng đông đảo nhất, hùng hậu nhất chính là lực lượng TNXP. Số lượng người có mặt đông nhất tại chiến trường Đồng Lộc có lúc lên tới 16 ngàn người.

Những quả bom còn sót lại ở chiến trường Đồng Lộc được gắn lại thành hình một chiếc máy bay lao từ trên bầu trời xuống.
Những quả bom còn sót lại ở chiến trường Đồng Lộc được gắn lại thành hình một chiếc máy bay lao từ trên bầu trời xuống.


Họ sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Họ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngã ba Đồng Lộc quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Máu của hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống ngã ba trận địa… Nhưng câu chuyện bi hùng nhất phải kể đến ngày hôm ấy: Ngày 24.7.1968, ngã ba Đồng Lộc mới thật sự hóa thành bất tử. Sự hy sinh cao cả, anh dũng của 10 cô gái TNXP trong cùng một thời điểm, một khoảnh khắc đã dựng lên một kỳ đài biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam, của những người phụ nữ Việt Nam một thời đánh giặc.

Sự hy sinh anh dũng của mười cô gái

Mười cô gái TNXP ở ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Các chị có một đặc điểm chung là đều sinh ra, lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh và tuổi đời đang còn rất trẻ. Người nhỏ tuổi nhất là chị Võ Thị Hà, sinh năm 1951, lúc hy sinh mới tròn 17 tuổi. Ba người chị cả lớn tuổi nhất của tiểu đội là Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó và Nguyễn Thị Nhỏ, đội viên. Cả ba chị cùng sinh năm 1944, lúc hy sinh là 24 tuổi. Ở cái tuổi ấy các cô suốt ngày đêm bám mặt đường, chịu đựng bom đạn, giữ vững huyết mạch giao thông ở một điểm nút vô cùng quan trọng: Ngã ba Đồng Lộc.

Chiến trường Đồng Lộc suốt buổi sáng 24.7.1968, máy bay của đế quốc Mỹ kéo đến trinh sát và dội bom dữ dội. Mặt đường 15A đã nham nhở các hố bom. Nhận được lệnh của đại đội, đúng 12 giờ trưa, 10 cô gái TNXP do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng chưa kịp ăn cơm, vội chia nhau nắm mỳ luộc, rồi trên tay cuốc xẻng, họ vừa cười vừa í ới gọi nhau ra mặt đường san lấp hố bom. Trong suốt thời gian các chị làm việc, biết bao lần tiểu đội bị bom vùi. Nhưng các chị lại rũ đất đứng dậy, người đào, người xúc… bằng bất cứ giá nào để tuyến đường 15A phải được thông suốt trong đêm ấy. Để cho đoàn xe chi viện đặc biệt cho chiến trường miền Nam đi qua chiến trường Đồng Lộc được an toàn.

Đoàn công tác Báo Quảng Ngãi, Báo Quảng Nam bên mộ của một trong 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP ở ngã ba Đồng Lộc.
Đoàn công tác Báo Quảng Ngãi, Báo Quảng Nam bên mộ của một trong 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP ở ngã ba Đồng Lộc.


Thế nhưng đến lượt ném bom thứ 15, vào lúc 16 giờ cùng ngày, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội, cứ nhằm vào mục tiêu bé nhỏ, nơi các chị đang còn làm đường ở phía dưới. Lúc đó cả 10 chị không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm chữ A, gần nhất bên đường, đợi khi máy bay Mỹ đi qua sẽ làm nốt cung đường còn lại.

Nhưng chẳng may, một trong số hàng loạt quả bom đã rơi trước cửa hầm 10 cô gái đang cùng nhau trú ẩn, đánh sập hầm và bao trùm lên tất cả các cô. Đồng đội lúc đó đứng trên đài quan sát nhìn xuống. Một phút, rồi 5 phút cứ lặng lẽ trôi qua. Vẫn không thấy một ai trong số 10 người đồng chí của mình tiếp tục rũ đất đứng dậy làm đường nữa. Mà chỉ thấy mấy chiếc nón rách bươm, nằm chơ vơ trên mặt đường 15A. Trong làn khói bom mù mịt, đồng đội của các chị đã chạy xuống hiện trường. Họ tìm kiếm và gọi mãi tên từng chị: Tần... ơi! Xuân... ơi! Nhỏ ở mô rồi? Họ gọi mãi vẫn không thấy ai trả lời. Cả trận địa lặng đi và òa lên trong tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào của những người đồng đội.

Những bông hoa bất tử

Suốt đêm hôm đó, rồi đến hai ngày hôm sau, đồng đội đã lần lượt tìm thấy thi thể của 9 chị. Riêng chị Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó), quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đồng đội tìm mãi nhưng không thấy. Mười chiếc quan tài xếp thành một hàng ngang như vậy. Đồng đội hiểu rằng, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn nào cũng phải an táng 10 chị cùng một lúc khi các chị hy sinh. Bởi cuộc đời của các chị, tuổi trẻ của các chị đã gắn bó bên nhau, yêu thương nhau như chị em ruột thịt một nhà, không thể nào an táng 9 chị trước được.

Sống chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc lúc này có anh Nguyễn Thanh Bính, nguyên là cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông, mà sau này là nhà thơ Yến Thanh. Trong lúc dùng tay bới đất để tìm kiếm thi hài của người em gái, anh đã đến bên chiếc quan tài còn đang chờ chị Cúc viết lên một bài thơ để kêu gọi vong linh của người em gái. Bài thơ với tựa đề “Cúc ơi!” được coi như một lời thỉnh cầu, một lời gọi hồn: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang. Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp? Chín bạn đã quây quần đủ mặt... Chỉ thiếu mình em. Chín bỏ làm mười răng được!… Gọi em. Gào em. Khản cổ cả rồi. Cúc ơi!...”.

Và phải chăng, vì sự linh thiêng của 10 cô gái TNXP trắng trong, hay chính linh hồn của chị Hồ Thị Cúc đã thấu hiểu được nỗi lòng của đồng đội đang bới từng lớp đất nhẹ và gào khóc để tìm kiếm thi thể của chị. Thì đến chiều tối của ngày thứ ba, sau khi những vần thơ của anh Thanh Bính được cất lên, đồng đội mới tìm thấy chị cũng ở trong căn hầm đó. Lúc tìm thấy chị đang còn trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là chiếc cuốc.

Mười đầu ngón tay đã bầm tím và rớm máu hoàn toàn. Nhân chứng có mặt ở chiến trường Đồng Lộc lúc này dự đoán rằng, lúc bom nổ làm sập hầm, chị Cúc vẫn còn sống. Và chị đã dùng 10 đầu ngón tay của mình để bới đất đi ra, nhưng do hầm sâu quá, chị đã hy sinh ở trong hầm. Đêm hôm đó, 10 chiếc quan tài làm bằng gỗ đã xếp thành hàng ngang đầy đủ. Thân cây chuối được cắt ra làm bát nhang. Lễ truy điệu diễn ra trong sự uất ức, nghẹn ngào, xót thương của những người đồng đội. Chiến trường bom vẫn nổ, lóe lên những đốm sáng trên bầu trời…

Đã hơn 45 năm trôi qua, hình ảnh mảnh đất linh thiêng ngã ba Đồng Lộc quật khởi, kiên cường trong mưa bom bão đạn còn in đậm trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Huy Cận, một người con của quê hương Hà Tĩnh đã từng dặn con của mình rằng: “Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba. Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi, con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc”.

Nơi ấy, mười bông hoa trinh liệt, đã cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ mãi mãi nằm lại với con đường 15A huyền thoại, để giữ cho mạch máu giao thông của chúng ta luôn được thông suốt, để miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn được độc lập, tự do.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


CÁC TIN KHÁC
.