Thu hồi đất, nhưng chưa bồi thường, hỗ trợ

10:05, 20/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chính quyền chưa ban hành quyết định, nhưng vẫn thu hồi đất của người dân đang canh tác để làm chợ và dự án khu dân cư, rồi cấp đất cho người khác. Bức xúc trước việc này, người dân nhiều lần gửi đơn lên chính quyền các cấp khiếu nại.
 
[links()]
 
Không bồi thường vì cho rằng đất xã quản lý
 
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Võ Văn Thương, ở thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) cho biết, gia đình tôi có thửa đất rẫy diện tích 995m2 ở khu vực núi Sừng Trâu, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông. Đây là đất ông bà của tôi khai hoang trước năm 1975 để trồng lang, mì. Sau năm 1975, ông bà để lại cho cha mẹ tôi tiếp tục sử dụng. Đến năm 2005 thì cha mẹ giao lại cho tôi. Thửa đất nói trên gia đình tôi có đăng ký kê khai, nhưng không rõ vì sao xã không ghi trong hồ sơ địa chính.
 
Một phần đất của ông Võ Văn Thương, ở thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), đã bị lấn chiếm.
Một phần đất của ông Võ Văn Thương, ở thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), đã bị lấn chiếm.
Năm 2005, UBND xã Tịnh Ấn Đông san lấp mặt bằng để làm chợ, có một phần đất của ông Thương, nhưng không bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng đây là đất hoang. Gia đình ông Thương kiến nghị lên xã, nhưng không được giải quyết. Sau khi san ủi, thấy xã không làm chợ mà để đất trống, gia đình ông Thương tiếp tục trồng keo, bạch đàn trên diện tích đất này. “Năm 2011, xã lấy phần đất của tôi và những hộ khác làm khu dân cư, nhưng không niêm yết, không họp dân. Hơn nữa, do gia đình tôi đi làm ăn xa không biết nên không thể khiếu nại. Phần đất của tôi mà ông Bùi Cao Lâm lấn chiếm, gia đình tôi nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết”, ông Thương cho biết.
 
Năm 2016, Công ty 706 khai thác đất đồi Gò Da và núi Bờ Chè có mở đường đi trên thửa đất của ông Thương, nhưng ông không đồng ý và đến UBND xã Tịnh Ấn Đông yêu cầu giải quyết. Tại buổi làm việc, Công ty 706 đồng ý hỗ trợ cho ông Thương 12 triệu đồng. Phần diện tích còn lại ông tiếp tục sử dụng. Sau khi Công ty 706 ngừng thi công, nhưng không phục hồi nguyên trạng đất nên ông Thương khiếu nại lên UBND xã Tịnh Ấn Đông.
 
Thụ lý đơn khiếu nại của ông Thương, UBND xã Tịnh Ấn Đông ban hành Thông báo số 54/TB-UBND ngày 10/6/2020 bác đơn khiếu nại của ông Thương và cho rằng, đất ông Thương yêu cầu giải quyết quyền lợi đã được UBND huyện Sơn Tịnh (thời điểm xã Tịnh Ấn Đông còn thuộc huyện Sơn Tịnh) phê duyệt phương án đền bù tại Quyết định số 2930/QĐ-UBND ngày 13/8/2013 và là đất UBND xã quản lý.
 
Không đồng ý với cách giải quyết của UBND xã Tịnh Ấn Đông, ông Thương tiếp tục có đơn khiếu nại. Ngày 16/3/2021, UBND xã Tịnh Ấn Đông ban hành Quyết định số 46 tiếp tục khẳng định đây là đất UBND xã quản lý và căn cứ vào Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 cho rằng, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng... nên không giải quyết. Không đồng ý với cách giải quyết của UBND xã, ông Thương tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.
 
Tìm cơ chế giải quyết
 
Tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo Quảng Ngãi được biết, nguồn gốc thửa đất mà ông Thương đang canh tác là do ông bà của ông khai hoang trước năm 1975 để lại. Ông Đặng Duy Hiền, người có đất rẫy gần đất của ông Thương cho biết, khu vực này là đất đồi núi, nhiều đá nên UBND xã Tịnh Ấn Đông không giao khoán cho hộ gia đình nào sản xuất. Do đó, các hộ dân khai hoang được phần đất nào thì sử dụng, trong đó có hộ ông Võ Văn Thương, Phan Hữu Thương, Đặng Duy Hiền, Hồ Minh Long...
 
Năm 2005, UBND xã Tịnh Ấn Đông xây dựng chợ trên thửa đất liền kề thửa đất của ông Thương. Còn trên thửa đất ông Thương canh tác xã có đào một hố chứa rác thải của chợ. Năm 2011, UBND xã Tịnh Ấn Đông thực hiện điểm dân cư nông thôn phía đông núi Cấm, thì một phần thửa đất của ông Thương (nơi đào hố rác) được quy hoạch khu dân cư.
 
“Việc UBND xã xác định đất này là đất do UBND xã quản lý vì căn cứ theo bản đồ đo vẽ là đất hoang, gia đình ông Thương không sản xuất nên không bồi thường, hỗ trợ... là không đúng thực tế. Bởi thửa đất này, gia đình ông Thương quản lý, sử dụng liên tục từ trước năm 1975 đến nay”, ông Võ Trưng, người có rẫy gần đất ông Thương, cho biết.
 
Theo bản đồ đo vẽ năm 2017, thửa đất của ông Thương sử dụng biến động thành một phần thuộc điểm dân cư Tịnh Ấn Đông với diện tích khoảng 337m2; một phần thuộc đường đi, một phần đất ông Bùi Cao Lâm đang sử dụng. Điều đáng nói là, bản đồ này được đo vẽ có sự tham gia của UBND xã Tịnh Ấn Đông. Trong quá trình đo đạc, ký xác nhận trước khi trình Sở TN&MT thẩm định, thì thửa đất ông Thương sử dụng không có diện tích nào ghi là đất UBND xã.
 
Trao đổi về những vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông Đào Dương Minh cho rằng, thời điểm làm chợ, khu dân cư, tôi không rõ các bước thực hiện như thế nào. Nay qua khảo sát, xã thấy một phần thửa đất của ông Thương được lấy làm khu dân cư đã giao cho 3 hộ dân. Trong đó, có hộ đã làm nhà ở, có hộ đang xây dựng và một hộ chưa làm nhà. Một phần thửa đất ông Thương canh tác nay do ông Bùi Cao Lâm sử dụng và một phần mở đường đi. Để giải quyết vụ việc, xã kiến nghị UBND TP.Quảng Ngãi cho cơ chế giải quyết theo hướng vận động ông Bùi Cao Lâm trả lại khoảng 300m2 là phần đất lấn của ông Thương; hoán đổi đất chỗ khác cho ông Thương, vì khoảng 337m2 làm khu dân cư đã cấp cho người khác và diện tích đất mở đường nay đã thành đường đi, nên không thể thu hồi.
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN
 
 
 

.