Thất thoát thuế kinh doanh vận tải: Bịt "lỗ hổng" bằng cách nào?

03:07, 27/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có trên 3.600 phương tiện vận tải tư nhân đang hoạt động. Thế nhưng hiện nay chỉ có hơn 1.700 chủ xe thực hiện kê khai và nộp thuế. Nhiều chủ xe đã thực hiện rất nhiều “chiêu trò” để trốn thuế, nên việc kiểm soát nguồn thu này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu và bịt "lỗ hổng" trên bằng cách nào, để quản lý nguồn thu này hiệu quả hơn?

TIN LIÊN QUAN

Cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải để chống thất thu thuế. Ảnh: H.Hoa
Cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải để chống thất thu thuế. Ảnh: H.Hoa

 

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện: “Còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ về quản lý nhà nước”

Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) là cơ động, sản phẩm mang tính dịch vụ, chứ không phải sản phẩm định lượng cụ thể. Vì thế, ngành thuế khó xác định con số cụ thể về doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thuế. Nhất là đối với vận tải hàng hóa, chỉ có một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận giữa phía chủ hàng và phía vận chuyển. Từ chỗ không có hóa đơn để quản lý giá, dẫn đến việc quản lý thuế khó khăn, nên thất thu thuế là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, hiện nay việc quản lý thuế vận tải chỉ quản lý tại đơn vị gốc, còn khi đưa phương tiện đi ra tỉnh ngoài tỉnh thì khó quản lý, nên các chủ phương tiện đã lợi dụng kẽ hở này để trốn thuế. Do đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) cần có cơ chế quản lý thống nhất, để việc quản lý hoạt động KDVT được tốt hơn.

Để chống thất thu thuế KDVT, Cục Thuế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp vẫn chưa chặt chẽ, dẫn đến thất thu thuế trong KDVT còn nhiều. Do đó, Cục Thuế tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường phối hợp công tác quản lý thu thuế đối với lĩnh vực KDVT, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, nhằm góp phần chống thất thu thuế KDVT.

Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Tiến Đạt: “Sẽ phối hợp xử lý các trường hợp núp bóng doanh nghiệp để trốn thuế”

Trong thời gian qua, tình trạng xe núp bóng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) diễn ra nhiều. Qua nắm bắt tình hình, Sở GTVT Quảng Ngãi đã thực hiện xác nhận tình trạng xe ô tô tham gia KDVT chuyển đến các HTX KDVT do Sở GTVT tỉnh Đồng Nai quản lý và những nơi này đã cấp phù hiệu cho 137 phương tiện, nhiều nhất là HTX vận tải Phát An và HTX dịch vụ vận tải Long Bình (Đồng Nai). Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện này đều không chuyển về đơn vị vận tải thuộc sự quản lý mà vẫn hoạt động ngay trên địa bàn Quảng Ngãi, nhằm mục đích trốn thuế. Trong khi đó, HTX nêu trên chỉ thu tiền dịch vụ làm phù hiệu mà không thực hiện quản lý hoạt động của phương tiện theo quy định.

Hiện nay, Sở GTVT Quảng Ngãi đã đề nghị Sở GTVT Đồng Nai chỉ đạo các HTX KDVT trên địa bàn thực hiện quản lý hoạt động vận tải đối với xe ô tô được Sở GTVT Quảng Ngãi chuyển đến theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện qua dữ liệu lưu trữ từ thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe của đơn vị vận tải để xử lý, thu hồi phù hiệu phương tiện không duy trì đường truyền dẫn, không lưu trữ dữ liệu... Bên cạnh đó, Sở sẽ chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông tổng kiểm tra, xử lý xe KDVT gắn phù hiệu của các địa phương khác, nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh...

Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Quảng Ngãi Nguyễn Thị Mỹ Lan: “Một mình ngành thuế không thể chống thất thu thuế kinh doanh vận tải”

Thành phố Quảng Ngãi là địa bàn có số lượng DN, HTX, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực KDVT khá lớn. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật thuế của DN và hộ KDVT trên địa bàn thành phố chưa cao, gây khó khăn rất lớn cho cơ quan thuế trong việc quản lý thu đối với phương tiện KDVT. Cụ thể, nhiều trường hợp kinh doanh nhưng không kê khai nộp thuế, mặc dù cơ quan thuế đã phối hợp với UBND các xã, phường mời đối tượng có phương tiện vận tải đến làm việc để yêu cầu kê khai, nộp thuế, nhưng những đối tượng này không chấp hành đến làm việc theo giấy mời. Nhiều trường hợp chủ phương tiện chấp hành làm việc, kê khai đăng ký thuế, nhưng không nộp thuế, dẫn đến nợ thuế kéo dài; cơ quan thuế tổ chức thu nợ đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu hết xe không hoạt động tại  nơi cư trú.

Hằng tháng, Chi cục Thuế TP.Quảng Ngãi đều gửi danh sách những chủ phương tiện chưa nộp thuế, nợ thuế cho Sở GTVT kiểm tra thông qua cấp phù hiệu để ngành thuế có cơ sở thu thuế. Tuy nhiên, công tác phối hợp lâu nay chỉ mới một chiều, nên công tác thu thuế KDVT không hiệu quả. Tính đến nay, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có 110 hộ KDVT còn nợ thuế, với số tiền gần 1 tỷ đồng và 27 DN nợ gần 2,8 tỷ đồng. Riêng số hộ, cá nhân KDVT, nhưng không chấp hành kê khai, đăng ký thuế (tính đến 31.5.2019) là 242 trường hợp.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Ngãi Trần Quốc Duy: “Cần mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm”

Hiện nay, các DN có đăng ký kinh doanh thì thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và chịu sự quản lý vận tải, quản lý giá từ các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, một số xe đứng tên cá nhân không đăng ký kinh doanh, nhưng tham gia vận chuyển hành khách tại các địa điểm như nhà ga, bệnh viện, cảng Sa Kỳ, sân bay Chu Lai... Các đối tượng này tự quyết định giá cước, hạ giá để bắt khách, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN vận tải làm ăn chân chính và gây thất thu ngân sách nhà nước.

Để siết chặt quản lý các loại xe không đăng ký kinh doanh mà tham gia kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp tổng thể và quyết liệt. Trong đó, cần nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp và tuyên truyền cho các cá nhân đăng ký kinh doanh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Riêng các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm, để góp phần chống thất thu thuế KDVT.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTV vận tải Thống Nhất Lê Sỹ Thạnh: “Yêu cầu chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế mới cấp phù hiệu”

Lâu nay tình trạng xe dù, xe chạy không đúng tuyến, chở khách trái quy định, xe chở hàng vượt quá tải trọng, chiều cao quy định... vẫn chạy khá nhiều trên đường, trong khi việc quản lý của ngành GTVT còn lỏng lẻo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng so bì giữa các đơn vị KDVT cũng như gây thất thoát thuế.
 
Theo tôi, để chống thất thu thuế KDVT và đưa hoạt động vận tải đi vào nền nếp, ngành giao thông cần phải quyết liệt vào cuộc. Trong đó, cần quy định chỉ khi nào chủ phương tiện hoặc DN, HTX có chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, thì Sở GTVT mới cấp phù hiệu.
 

HỒNG HOA 
(thực hiện)
 

 


.