Mỏi mòn đợi tái định cư

04:05, 18/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giai đoạn 2013 – 2019, kết quả thực hiện việc bố trí dân cư và tái định cư (TĐC) cho người dân vùng sạt lở núi, ven sông, ven biển và khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân?

TIN LIÊN QUAN

Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020 đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành cơ bản việc bố trí TĐC và ổn định tại chỗ cho 11.325 hộ dân ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong đó, TĐC tập trung vào 76 khu TĐC cho khoảng 3.995 hộ; TĐC xen ghép 2.218 hộ và sắp xếp ổn định tại chỗ 5.112 hộ dân. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 793 tỷ đồng.

Còn Dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020 đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành cơ bản việc bố trí TĐC cho 1.301 hộ vào 31 khu TĐC tập trung và di dân xen ghép cho 1.590 hộ vào các điểm dân cư hiện có, cho các đối tượng ở vùng đặc biệt khó khăn do thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước sản xuất và những khu vực bị ô nhiễm. Tổng kinh phí thực hiện trên 386 tỷ đồng.

Sạt lở ven biển ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản người dân.      (Ảnh chụp cuối năm 2017)
Sạt lở ven biển ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản người dân. (Ảnh chụp cuối năm 2017)


Tuy nhiên, giai đoạn 2013 – 2019, toàn tỉnh chỉ thực hiện 4/76 khu TĐC, để TĐC tập trung cho 171/3.995 hộ dân và bố trí ổn định cho 775/5.112 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Tổng kinh phí thực hiện 43,7 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu thực hiện về số hộ di dời, xây dựng các điểm TĐC đều chưa đạt so với mục tiêu quy hoạch của 2 dự án và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.  

 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Lê Văn Dương: “Cần rà soát, bổ sung thực hiện bố trí ổn định dân cư và TĐC”

Do tác động của điều kiện tự nhiên, nên hiện nay có sự biến động về vị trí, địa điểm và mức độ sạt lở. Một số vị trí, địa điểm thuộc quy hoạch bố trí dân cư và TĐC đã ổn định, không còn xảy ra tình trạng sạt lở, nên người dân không có nhu cầu TĐC. Trong khi đó, nhiều vị trí, khu vực không thuộc quy hoạch lại xảy ra tình trạng sạt lở nặng, người dân cần được di dời và TĐC.

Sau khi rà soát, kiểm tra, Chi cục xác định giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai là 8.443 hộ; trong đó TĐC tập trung vào 42 khu TĐC, với khoảng 2.215 hộ. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, có 1.301 hộ cần bố trí TĐC tại 31 khu TĐC tập trung và 1.590 hộ di dân xen ghép. Tổng nguồn vốn đầu tư 632 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn cũng tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí 92,8 tỷ đồng, để thực hiện 7 dự án bố trí dân cư thiên tai cấp bách năm 2019 – 2020, đảm bảo TĐC tập trung cho 207 hộ dân và di dời, ổn định 500 hộ dân. Bên cạnh đó, chi cục cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi, kiểm tra, rà soát và đánh giá cụ thể mức độ sạt lở của các vị trí, địa điểm trong và ngoài quy hoạch, nhất là các khu vực có nguy cơ cao, để kịp thời và chủ động ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

 

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình NN&PTNT Từ Văn Tám: “Ưu tiên vốn thực hiện các dự án ổn định dân cư và TĐC khẩn cấp”

Thực hiện Dự án di dân khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đề xuất 10 dự án, để di dời 302 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí thực hiện 128,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1 dự án được thực hiện, 9 dự án còn lại phải... đợi vốn!

Thực tế, công tác bố trí, ổn định dân cư và TĐC hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do nguồn vốn đầu tư cho chương trình quá ít, chủ yếu từ ngân sách trung ương hỗ trợ, còn ngân sách tỉnh chưa bố trí. Vì vậy, nhiều khu dân cư ven biển, ven sông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng chưa thể TĐC, mà chỉ ứng phó tạm thời bằng cách di dời và sơ tán dân khi xảy ra thiên tai, nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, đối với những dự án ổn định dân cư và TĐC khẩn cấp, UBND tỉnh xem xét ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.  

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng: “Hạ tầng khu TĐC cần được đầu tư đồng bộ”

Một thực tế là hạ tầng của nhiều khu TĐC đầu tư kiểu “chắp vá”, thiếu các công trình thiết yếu, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, mới xảy ra tình trạng người dân bỏ nơi ở mới, quay về nơi cũ, gây lãng phí, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Đó là, quá trình lựa chọn vị trí TĐC cần được tính toán kỹ để vừa đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng các điều kiện về giao thông, nguồn nước... Đồng thời, khoảng cách các khu TĐC không quá xa nơi ở cũ, để không xáo trộn việc sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tại huyện Nghĩa Hành, có 2 dự án Khu TĐC Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông và Khu TĐC Gò Cách, xã Hành Thuận. Nhờ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, nên 78 hộ TĐC tập trung tại hai khu TĐC này đã ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất và không xảy ra tình trạng người dân quay trở lại nơi ở cũ. Từ thực tế trên, người dân ở các khu vực thấp trũng, vùng sạt lở ven sông... trên địa bàn huyện cũng mong muốn được TĐC, để yên tâm sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, ngoài 2 dự án trên, thì trên địa bàn huyện còn có 9 dự án khu TĐC (thuộc Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020), để TĐC tập trung cho 407 hộ dân chưa được thực hiện. Vì tổng nguồn vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Giang (Ba Tơ) Phạm Văn Trình: “Chính quyền và người dân mong mỏi được an cư”

Núi Méo bị sạt lở từ năm 2013, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 50 hộ dân Khu dân cư thôn Nước Lô và hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức UBND xã, trạm y tế xã cũng như học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học và THCS Ba Giang. Đáng lo nhất là đợt mưa lũ năm 2017 và 2018, đất đá trên núi Méo lăn xuống, gây hư hỏng hàng rào của trường học và trạm y tế, khiến nhân viên y tế và giáo viên, học sinh nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa lớn. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, núi Méo có nhiều vết nứt kéo dài trên 100m, với bề rộng từ 0,1 – 0,5m. Để tránh hiểm họa, giải pháp căn cơ là di dời toàn bộ Trung tâm cụm xã Ba Giang, gồm trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã và 50 hộ dân đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, việc di dời vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do kinh phí thực hiện quá lớn (trên 112 tỷ đồng), nên phải đợi UBND tỉnh hỗ trợ. Vì vậy, mỗi khi xảy ra mưa lớn và kéo dài, UBND xã chỉ đạo cho trạm y tế và trường học cho cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh tạm nghỉ; còn lực lượng cán bộ xã thì “vừa làm việc, vừa lo”. Để người dân được an cư; cán bộ, nhân viên và học sinh yên tâm học tập, làm việc, chúng tôi tha thiết mong UBND tỉnh sớm quan tâm xem xét, bố trí kinh phí di dời cụm Trung tâm xã Ba Giang càng sớm càng tốt.
 

Bà Đinh Thị Hiền, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà): “Nhà nước cần cấp thêm đất sản xuất ở nơi TĐC”

Nhiều năm nay, núi Lăng bị nứt, sạt lở, nên đất đá có thể đổ xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Vì vậy, mỗi khi mưa kéo dài, bà con ở đây rất lo lắng, phải tự di chuyển vào nhà người quen, để đảm bảo an toàn.
 
Mặc dù cán bộ đã mời họp và đưa tôi đến xem nơi TĐC, nhưng tôi chưa muốn đi, vì ở nơi mới chỉ có đất ở, mà không có đất sản xuất.

Mỹ Hoa
(thực hiện)


 


.