Đừng để trẻ em "nghiện" công nghệ số

10:04, 10/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với nhiều thiết bị kết nối Internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi... đã tạo cơ hội để mọi người tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng trẻ em "nghiện" công nghệ số.

Ảnh hưởng của Internet và mạng xã hội không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc, mà nguy hiểm hơn là những nội dung thông tin, hình ảnh không lành mạnh đã gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, đạo đức, hành vi của trẻ.

Trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Trẻ em được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Năm 2018, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận trên 6.350 lượt trẻ em đến điều trị các bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần như rối loạn hành vi, nhận thức, ngôn ngữ, mất ngủ, đau đầu, lo âu, trầm cảm (chiếm khoảng 7% trong tổng số bệnh nhân). Trong số đó có những ca rất nặng buộc phải nhập viện, nhiều trường hợp trẻ thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trẻ sử dụng các thiết bị di động sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ: Làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ...


 

Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh: "Gia đình cần kiểm soát việc sử dụng công nghệ của trẻ"

Không thể cấm hoàn toàn việc trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ số, vì không khả thi và đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới. Internet và mạng xã hội có nhiều mặt tích cực phục vụ cho con người, trong đó có việc học của trẻ.

Muốn trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ số một cách an toàn, thì trước tiên phụ huynh phải định hướng cho con, tránh để trẻ sử dụng quá thời gian, khai thác những nội dung không phù hợp với lứa tuổi và nhất là không được sử dụng nhiều đến mức độ nghiện. Hiện nay, có một số thiết bị, phụ huynh có thể kiểm soát được tổng thời gian trẻ dùng mỗi ngày, địa chỉ website, mạng xã hội...

Công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong khi công cụ quản lý có lúc chưa theo kịp. Vì thế, ngoài việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng về lĩnh vực công nghệ thông tin, thì gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, theo dõi, định hướng giúp trẻ có sự phát triển thể chất, tinh thần lành mạnh, tránh để ảnh hưởng công nghệ quá mức.
 

Trưởng Khoa Tâm căn -Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), Bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Trà: "Trẻ “nghiện” công nghệ bị sa sút thể chất và tinh thần"

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vì điều kiện mưu sinh ít có thời gian ở bên con, thường cho con sử dụng điện thoại, ipad, xem đó là phương tiện để dụ dỗ trẻ lúc ăn, lúc quấy khóc... Thói quen này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng máy tính, ipad, điện thoại hay tivi sẽ làm ảnh hưởng đến não và làm rối loạn nhận thức, vận động, rối loạn khả năng chú ý, ảnh hưởng chất lượng học tập của trẻ... Về lâu dài, trẻ sẽ bị “nghiện” công nghệ, xuất hiện triệu chứng rối loạn như: Mất ngủ kéo dài, ăn uống kém, lười biếng trong sinh hoạt, học tập, ngại tiếp xúc, dễ cáu gắt... rất khó điều trị.

Để tránh tình trạng trẻ em "nghiện" công nghệ, các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp xúc, nuôi dạy con cái theo phương pháp đúng đắn; đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh, giúp trẻ có được trải nghiệm tuổi thơ bổ ích...
 

Cử nhân tâm lý Trần Thị Phong Hậu: "Cha mẹ phải làm gương cho con"

Có nhiều bậc cha mẹ cũng "nghiện" mạng xã hội, thường xuyên dán mắt vào điện thoại, khiến trẻ bắt chước làm theo. Muốn con không bị "nghiện" công nghệ số, thì trước hết cha mẹ phải làm gương, dành thời gian tiếp xúc với con nhiều hơn.
 
Cần định hướng cho con tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, để trẻ có cơ hội giao tiếp, trải nghiệm, qua đó hoàn thiện các kỹ năng. Cha mẹ gần gũi với con cái sẽ tạo không khí gia đình ấm áp, con trẻ không còn cảm giác cô đơn để tìm đến mạng xã hội như một cách để tìm kiếm các mối quan hệ hay giải trí thiếu lành mạnh.


Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mắt tỉnh, Bác sĩ CK II Nguyễn Cao Cường: "Trẻ em sử dụng công nghệ nhiều sẽ ảnh hưởng đến các bệnh về mắt"

Trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá lâu, mắt điều tiết liên tục sẽ dẫn đến mỏi mắt, khô mắt và mắc các tật khúc xạ... Hiện nay, trẻ em bị các bệnh lý về mắt gia tăng. Mới đây, Trung tâm Mắt tỉnh đã tiến hành cuộc khảo sát ở TP.Quảng Ngãi, kết quả tỷ lệ học sinh mắc bệnh tật khúc xạ, cận thị, loạn thị... chiếm 9% trong tổng số học sinh kiểm tra. Một trong những nguyên nhân chính là do trẻ tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, điện thoại thông minh... Do vậy, cha mẹ cần giám sát việc tiếp cận công nghệ của trẻ, nếu ứng dụng trong việc học tập, nên giãn thời gian hợp lý khoảng 15-20 phút/lần, để đảm bảo an toàn cho mắt.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, xã Đức Chánh (Mộ Đức): "Không dám lắp đặt wifi vì sợ con ảnh hưởng"

Tôi rất lo lắng trước những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội.Sợ nhất là những hình ảnh phản cảm, những hướng dẫn tiêu cực trên mạng có thể khiến con bắt chước làm theo.
 
Con gái út tôi năm nay học lớp 1, tôi có trang bị máy vi tính cho con học, nhưng không dám lắp đặt wifi, vì sợ con mê các trò chơi điện tử, trong khi mình không rành công nghệ để kiểm soát con.
 
Ngoài ra, tôi cũng hạn chế cho con tiếp xúc nhiều với điện thoại, tivi, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

 
Trẻ em tham gia chương trình Cua-rơ nhí 2018 tại Trung tâm thể thao Trần Phú. Ảnh: TL
Trẻ em tham gia chương trình Cua-rơ nhí 2018 tại Trung tâm thể thao Trần Phú. Ảnh: TL


KIM NGÂN
(thực hiện)
 


.