Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cơ hội và thách thức

02:01, 15/01/2019
.
 
(Báo Quảng Ngãi)- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (SXNNHC) đang có nhiều cơ hội phát triển, vì sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, SXNNHC hiện vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ; nông dân còn nặng với phương thức sản xuất truyền thống, ngại đổi mới...
Toàn tỉnh hiện có 12 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, với tổng vốn đăng ký trên 2 nghìn tỷ đồng. Song, việc tiếp cận, vận dụng, tổ chức thực hiện SXNNHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn lúng túng, chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
 
Theo các nhà khoa học, sản xuất nôn nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh chỉ nên áp dụng giới hạn đối với một số đối tượng
Theo các nhà khoa học, sản xuất nôn nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh chỉ nên áp dụng giới hạn đối với một số đối tượng "không vỏ", như rau ăn lá.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất nhiều loại cây trồng cao trên thế giới. Nhưng “mặt trái” của việc này là làm giảm chất lượng nông sản, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người...

 
 
Thạc sĩ Vũ Văn Khuê, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (ASISOV): “Tập trung đầu tư SXNNHC truyền thống, thí điểm SXNNHC hiện đại”.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có 2 phương thức (truyền thống và hiện đại). Phương thức SXNNHC truyền thống áp dụng đối với các huyện miền núi và khu vực ven biển. Đây là những khu vực có diện tích đất và nguồn nước tương đối “sạch”, có lợi thế về sản phẩm đặc thù, người dân chưa, hoặc ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất.
 
Sản phẩm định hướng đến thị trường là “Nông nghiệp du lịch, sinh thái”. Thực hiện phương thức này, tỉnh cần đảm nhận vai trò kết nối giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN lữ hành. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ khuyến nông địa phương và người dân về SXNNHC, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý...

Phương thức SXNNHC hiện đại triển khai ở các huyện đồng bằng và TP.Quảng Ngãi, do ít có lợi thế về điều kiện đất đai, thiếu hụt lao động. Vì vậy, nên phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, với hai hình thức là canh tác ngoài đồng ruộng và canh tác trong điều kiện có mái che (nhà lưới, nhà màng, nhà kính). Sản phẩm của phương thức này định hướng đến thị trường là “Siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, khách sạn, nhà hàng cao cấp và xuất khẩu”.
 
Đối với phương thức này, tỉnh cần đầu tư khu mô hình mẫu về SXNNHC ứng dụng công nghệ cao, triển khai thử nghiệm ở quy mô nhỏ để xác định các đối tượng cây trồng, vật nuôi, công nghệ áp dụng phù hợp, thị trường... Từ đó, hoàn thiện quy trình canh tác SXNNHC cho từng đối tượng cây trồng và vật nuôi, trong điều kiện nhà có mái che, hay ngoài đồng ruộng.
 
 
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn: “Cái khó hiện nay là ở khâu quản trị và duy trì”

Doanh nghiệp có vốn, nông dân có đất và công, nhà khoa học có kỹ thuật. Để “3 nhà” này liên kết chặt chẽ, thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm kết nối, xác định đối tượng cây trồng, hướng sản xuất cũng như quản trị quá trình thực hiện.
 
Kết quả khảo sát từ phía các hộ nông dân trên địa bàn huyện cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết “4 nhà” thiếu chặt chẽ là do chưa xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Điều này dẫn đến các “nhà” không tuân thủ cam kết, thiếu cơ sở để giải quyết những tranh chấp trong quá trình thực hiện.

Do vậy, nội dung liên kết cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các bên tham gia, tự chịu trách nhiệm về mảng công việc mà mình phụ trách. Để hoàn thiện vấn đề này, cần phải thực hiện liên kết ngang (hình thành HTX, tổ hợp tác cùng ngành hàng nông sản theo tinh thần tự nguyện, chia sẻ rủi ro) và liên kết dọc (tuân thủ hợp đồng kinh tế của các chủ thể tham gia theo tinh thần thiết lập mối quan hệ tin cậy)...

Hơn nữa, SXNNHC không phải là phong trào, nên không thể phát động thực hiện một cách rộng rãi, mà phải lựa chọn địa điểm và đối tượng sản xuất phù hợp. Trước hết, có thể tổ chức thí điểm mô hình nhỏ, được quản trị bài bản, từ sản xuất đến tiêu dùng. Khi tham gia vào việc SXNNHC, “4 nhà” phải chấp nhận mọi yêu cầu và quy trình sản xuất, cũng như chấp nhận và chia sẻ rủi ro trong quá trình thực hiện.

 
 
Trưởng Phòng Kế hoạch -Tài chính (Sở NN&PTNT) Phạm Văn Sơn: “Trước mắt nên tập trung sản xuất nông nghiệp an toàn"

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có dân số đông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân thấp, nên áp lực về nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ là rất lớn. Trong khi đó, ngoài những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, quy trình sản xuất, SXNNHC cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, giá thành cao, năng suất thấp, nên sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.
 
Đó là chưa kể, do áp dụng sản xuất nông nghiệp hóa học trong thời gian dài, nên nhiều vùng đất canh tác, nguồn nước trên địa bàn tỉnh hiện đã bị ô nhiễm, không đủ điều kiện để thực hiện SXNNHC. Bên cạnh đó, nông dân không dễ thay đổi ý thức và thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, để chuyển sang SXNNHC.

Vì vậy, trước mắt chỉ nên phát triển SXNNHC ở các vùng hội đủ điều kiện, ưu tiên cho các cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, như hành, tỏi Lý Sơn; quế Trà Bồng; chè Minh Long; trái cây Nghĩa Hành; cau Sơn Tây; heo ky, nấm, cây dược liệu dưới tán rừng… gắn với xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm thông qua phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái trên từng vùng.
 
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thay vì chạy theo các tiêu chí khắt khe, phức tạp của SXNNHC.

 
 
Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung, Tiến sĩ Trần Văn Mạnh: “Chỉ áp dụng đối với số ít đối tượng cây trồng”

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ phì nhiêu của đất. Với ưu việt này, Chính phủ đã phê duyệt và giao thực hiện “dự án Nông nghiệp hữu cơ”, tại 9 tỉnh, thành phố, với các sản phẩm rau các loại, cá nước ngọt, cam sành và vải thiều. Đến nay, đã xây dựng được 3 mô hình SXNNHC, diện tích 25ha, với 88 nhóm nông dân tham gia.

Tuy nhiên, SXNNHC chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển SXNNHC chưa nhiều, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nông dân chưa được chứng nhận để đưa ra thị trường đúng với chất lượng; chưa có hệ thống kiểm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ; chưa có tổ chức trong nước đứng ra cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và của cộng đồng về SXNNHC, cũng như công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về SXNNHC và các sản phẩm hữu cơ còn hạn chế, nên khó tiếp cận thị trường...
 
Chính sách hỗ trợ hấp dẫn
Theo Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, phân tích các điều kiện... trong quá trình triển khai thực hiện SXNNHC; hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ (1 lần)... Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, tập huấn sản xuất, giống, phân bón...
 
MỸ HOA
(thực hiện)
 

.