Làm gì để khắc phục hạn chế trong ứng dụng CNTT?

02:08, 14/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 (PAR INDEX 2017) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ công bố, Quảng Ngãi là đơn vị có thứ hạng thấp nhất (đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố). Trong đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh đứng ở vị trí 62/63.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay mặc dù hạ tầng CNTT đã tăng lên mức khá của cả nước, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các đơn vị cấp tỉnh, huyện. Đối với cấp xã, hạ tầng còn rất yếu, không đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng CNTT mở rộng từ tỉnh xuống huyện, xã. Nhiều sở, ban, ngành chưa chủ động xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành để nâng cao năng lực quản lý và phục vụ công tác chuyên môn. Tại cấp xã, đa số vẫn chưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp.

Anh Phạm Văn Thanh, phụ trách Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả (Trung tâm Hành chính công tỉnh) giới thiệu những tiện ích của hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Anh Phạm Văn Thanh, phụ trách Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả (Trung tâm Hành chính công tỉnh) giới thiệu những tiện ích của hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mặc dù đã được triển khai và tổ chức cung cấp trên mạng Internet, tuy nhiên sự tham gia của công dân, tổ chức còn hạn chế.
 
Hiện nay, hầu hết cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh đã được cấp địa chỉ thư điện tử, với hơn 7.000 địa chỉ thư điện tử; tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công tác đạt khoảng trên 70%. Đến cuối năm 2017, tỉnh đã triển khai liên thông văn bản 4 cấp; 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2 được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin của các cơ quan, đơn vị. Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã thực hiện khoảng gần 200 TTHC...
So với mặt bằng chung cả nước, Quảng Ngãi hiện đang xếp hạng ở mức thấp về triển khai ứng dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông điện tử hiện đại và hiệu quả. Hơn nữa, việc phân bổ kinh phí để triển khai không đảm bảo cho việc phát triển và ứng dụng CNTT của các cấp, các ngành, dẫn đến nhiều chương trình, kế hoạch không triển khai thực hiện được hoặc triển khai không đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác ứng dụng CNTT.

Vì thế, để khắc phục những hạn chế trong việc ứng dụng CNTT còn nhiều việc cần phải làm và việc triển khai phải thật sự đồng bộ.



 
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Sơn: "Tập trung xây dựng chính quyền điện tử"

Hiện nay, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2018 - 2022”. Đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa định hướng và lộ trình triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng mô hình hoàn chỉnh về hệ thống chính quyền điện tử cấp tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện các hệ thống thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước gắn với quá trình CCHC để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

Xin ông cho biết đâu là nền tảng để tin rằng, Quảng Ngãi sẽ xây dựng thành công chính quyền điện tử?

-Tư duy và nhận thức về CNTT, về xây dựng chính quyền điện tử của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển và ứng dụng CNTT đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Hầu hết CBCC đã khai thác, ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Hệ thống một cửa hiện đại, dịch vụ công trực tuyến đã chính thức đi vào hoạt động tại một số đơn vị, giúp giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính (TTHC) cho các tổ chức, cá nhân, tạo tiền đề để thực hiện xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới.

Chính quyền điện tử của tỉnh sẽ hướng đến mục tiêu cụ thể gì, thưa ông?

-Việc xây dựng chính quyền điện tử có nhiều mục tiêu để hướng đến, trong đó phải kể đến hai mục tiêu chính:
 
Thứ nhất, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành (eOffice) trong cơ quan nhà nước các cấp; 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; triển khai và ứng dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử trong 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện; phấn đấu đạt 80% cơ quan nhà nước cấp xã.

Thứ hai, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp với mục đích cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; đạt 80% huyện, thành phố, tối thiểu 40% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình “Bộ phận một cửa hiện đại”; 50% TTHC công được cung cấp trực tuyến mức độ 3; 40 dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 8 dịch vụ hành chính công cấp huyện và 5 dịch vụ hành chính công cấp xã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; 100% các TTHC liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành liên quan đến đầu tư kinh doanh được thực hiện trực tuyến mức độ 4; trên 95% hồ sơ khai thuế qua mạng Internet; 20% các gói thầu của các cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống đấu thầu điện tử...

Quá trình thực hiện đề án được triển khai như thế nào?

- Việc tổ chức thực hiện đề án được thống nhất từ cấp tỉnh đến các địa phương. Theo đó, cấp tỉnh sẽ có Ban Chỉ đạo về ứng dụng CNTT và cấp huyện cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có một cán bộ lãnh đạo CNTT và tối thiểu 1 - 2 cán bộ chuyên trách về CNTT để tổ chức việc triển khai, vận hành, khai thác, ứng dụng các hệ thống thông tin, các nội dung trong đề án. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia triển khai, sử dụng các dịch vụ công, giao dịch điện tử...

*Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng: "Cần quyết tâm của người đứng đầu"

Những năm qua, hoạt động ứng dụng CNTT đã được đẩy mạnh tại các cơ quan, đơn vị của TP.Quảng Ngãi. Trong năm 2017, chỉ số CCHC của thành phố dẫn đầu toàn tỉnh. Để việc ứng dụng CNTT vào các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt, thì người đứng đầu phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt; đồng thời gương mẫu, trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành trên môi trường mạng. Hơn nữa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố cần xác định ứng dụng CNTT là “chìa khóa” CCHC và người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

*Phó Chánh văn phòng HĐND&UBND huyện Bình Sơn Tống Văn Tuấn: “Rào cản” từ người dân

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm giải quyết TTHC được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại cho người dân. Tuy nhiên, nhiều khi chính người dân lại chưa “hưởng ứng” tiện ích này. Nguyên nhân là họ chưa có thói quen giao dịch hành chính qua Internet. Bên cạnh đó, hệ thống mạng, thiết bị tin học tại một số địa phương còn yếu, nhất là ở nông thôn, miền núi. Vì vậy, các cấp, ngành cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

*Anh Phạm Văn Thanh, Phụ trách Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả (Trung tâm Hành chính công tỉnh): "Hướng đến sự công khai, minh bạch"

Hiện nay, tất cả hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC của trung tâm đều được công khai trên hệ thống thông tin một cửa điện tử (http://motcua.quangngai.gov.vn). Trung tâm đã đưa vào ứng dụng các tiện ích để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức như: Tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ nhanh qua mạng Zalo; gửi tin nhắn SMS; nhắn tin thông báo tự động khi có kết quả giải quyết trước hạn hoặc xin lỗi khi quá hạn, đề nghị bổ sung hồ sơ và đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với kết quả giải quyết TTHC. Điều đó cho thấy, việc ứng dụng CNTT không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, mà quan trọng hơn là góp phần công khai, minh bạch để chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

 

NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)

 


.