Hát karaoke di động: Có quản lý được không?

10:03, 25/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi loại hình giải trí bằng“karaoke di động” đang trở thành vấn đề khá bức xúc đối với nhiều người, thì cơ quan chức năng lại đang lúng túng trong  câu chuyện quản lý, xử lý hiện tượng này. Đây là câu chuyện về văn hóa ứng xử với cộng đồng cần có chế tài điều chỉnh kịp thời.

TIN LIÊN QUAN

Khốn khổ vì tiếng ồn

Hiện nay, khi nhắc đến karaoke di động, nhiều người lắc đầu ngao ngán. Bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Việc sử dụng dàn âm thanh có công suất lớn của loại hình giải trí này đã gây không ít phiền lụy cho cộng đồng

Hát karaoke di động đang trở thành nỗi “ám ảnh” đối với nhiều người.
Hát karaoke di động đang trở thành nỗi “ám ảnh” đối với nhiều người.


Karaoke di động đã không còn là việc giải trí đơn thuần của từng nhóm người nữa, mà đã thành vấn nạn trong cộng đồng dân cư. Từ những chiếc loa kéo dùng để bán kẹo ở các quán nhậu, giờ đây nhiều người đã đầu tư những dàn loa công suất lớn để cho thuê tại các đám tiệc. Karaoke di động phát triển nhanh chóng và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những âm thanh quá ngưỡng đó là người già yếu, trẻ em, học sinh.
 

Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định: Việc gây ra âm thanh vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép thì có thể bị  xử phạt. Cụ thể, nếu tiếng ồn từ dưới 5dBA đến trên 40bBA, thì tùy trường hợp người vi phạm có thể bị phạt từ 1 - 160 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng, tùy trường hợp và bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách giảm tiếng ồn.

Còn Thông tư 39/2010 của Bộ Tài nguyên - Môi trường có ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo đó giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70dBA (từ 6-21 giờ) và 55dBA (từ 21-6 giờ).

Người Việt Nam chúng ta rất quý trọng tình làng nghĩa xóm, nhưng với những cuộc vui của hàng xóm bằng âm thanh chát chúa diễn ra liên miên, không kể giờ giấc, khiến cho nghĩa xóm tình làng dễ bị sứt mẻ, mất an ninh trật tự trong thôn, xóm. Thậm chí, đã có án mạng giữa những người láng giềng, chỉ vì nhà bên cạnh hát quá to trong giờ nghỉ.

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, giao thông và trật tự đô thị. Trong đó nêu rõ, thời gian qua, đường dây nóng của UBND tỉnh liên tục nhận nhiều kiến nghị của người dân về tình trạng tổ chức liên hoan, sinh hoạt sử dụng dàn karaoke di động có công suất, âm lượng lớn hoạt động liên tục, kéo dài đến đêm khuya, gây ô nhiễm tiếng ồn cho khu vực dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của học sinh và sự nghỉ ngơi của người dân. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ.

Lúng túng trong việc xử lý

Câu chuyện sinh hoạt của cộng đồng bằng hình thức karaoke di động trở nên phổ biến khắp nơi và càng ngày càng trở nên nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Tuy nhiên, cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý vấn nạn này.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cao Văn Chư cho rằng, hiện nay trong các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm với mô hình giải trí mới xuất hiện này. Do vậy, không thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Sở VH-TT&DL cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh gửi kiến nghị tới Bộ VH-TT&DL, nhưng cấp Trung ương cũng gặp khó khăn trong xử lý vấn đề này.

Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL Đặng Tấn Khôi cho biết: "Với chức năng quản lý văn hóa, chúng tôi chỉ thực hiện quản lý bản quyền, tác quyền âm nhạc, về biểu diễn nghệ thuật... và tất nhiên là những hoạt động văn hóa kinh doanh có điều kiện. Còn loại hình karaoke di động hiện nay thì không xử lý được".

Trưởng phòng VHTT TP.Quảng Ngãi Phạm Thị Phương Nhung cho hay: Để xử lý vấn đề karaoke di động hiện nay rất khó khăn. Vì với việc phản ánh của người dân bị ảnh hưởng về tiếng ồn lại liên quan đến lĩnh vực môi trường. Mặt khác, để xác định được ngưỡng tiếng ồn vượt mức như thế nào, thì phải có thiết bị đo âm thanh. Khi có kết quả thì phải mất nhiều ngày mới có căn cứ để xử lý...

“Tôi cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị từ cơ sở để tuyên truyền cho người dân về cách ứng xử với nhau trong cộng đồng, để mỗi người dân nhìn nhận và ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Không vì cuộc vui của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác. Đó là cách giải quyết mấu chốt của vấn đề’, bà Phạm Thị Phương Nhung đề xuất.

 

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN


 

Cần phải có chế tài để quản lý

 Ông Cao Văn Chư.
Ông Cao Văn Chư.

Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cao Văn Chư về nạn karaoke di động hiện nay. Theo ông Cao Văn Chư, đây là vấn đề mới phát sinh, luật chưa điều chỉnh kịp. Để chấm dứt tình trạng hát hò ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội như hiện nay, Bộ VHTT&DL nên sớm có văn bản dưới luật để chấn chỉnh kịp thời vấn đề này, trước khi luật liên quan được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh những phát sinh trong thực tế.

PV: Thưa ông, dưới góc độ văn hóa, ông nhìn nhận vấn nạn karaoke di động hiện nay như thế nào?

Ông CAO VĂN CHƯ: Nhu cầu giải trí của người dân bằng hình thức ca nhạc là chính đáng. Tuy nhiên, với việc vui chơi của một nhóm người, mà ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đến chính những người hàng xóm của mình lại là câu chuyện khác. Có thể nói rằng, vấn đề ứng xử trong cộng đồng hiện nay đang có vấn đề. Trước đây, khi trẻ con gây ồn ào không đúng nơi, đúng lúc thì người lớn trách mắng ngay. Còn bây giờ thì người lớn lại mặc sức "tra tấn" những người xung quanh bằng âm thanh khủng không giờ, không giấc. Đây là câu chuyện đáng để suy ngẫm.

Thực ra, những người hát hò đều biết sẽ ảnh hưởng đến  cuộc sống người khác, nhưng họ vẫn cứ làm, mặc cho ai nói gì cũng kệ. Đây là lối sống ích kỷ, chỉ biết mình mà không quan tâm đến thái độ của những người xung quanh. Rồi nữa, họ hát hò cả trong kỵ giỗ của gia đình. Đây là lối sống không tốt trong cộng đồng của chúng ta hiện nay, mà vấn nạn karaoke di động là điển hình.

PV: Là cơ quan quản lý về lĩnh vực văn hóa, theo ông thì giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này?

Ông CAO VĂN CHƯ:  Tôi cho rằng, trước mắt, Bộ VHTT&DL cần có văn bản dưới luật, cấm việc hát hò với dàn âm thanh công suất lớn ở nơi công cộng, trong các khu dân cư. Còn nếu cứ để tiếp diễn tràn lan như hiện nay, đến khi luật liên quan được điều chỉnh, bổ sung thì rất khó xử lý.

Nói về ý thức của người dân, thì biện pháp tuyên truyền là cần thiết. Nhưng tôi cho rằng, hầu như những người tổ chức hát hò bằng karaok, di động đều biết là sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Nhưng họ vẫn cố tình làm vậy, bởi lối sống ích kỷ. Theo tôi, cần phải tạo dư luận, gây sức ép để những người làm ảnh hưởng đến cộng đồng cảm thấy lạc lõng, xấu hổ với những người còn lại, thì mới tạo được ý thức tôn trọng người khác. Để từ đó họ thay đổi hành vi, cách nghĩ của mình.


X.T (thực hiện)

 


.