Cần khắc phục những bất cập trong công tác tiếp công dân

10:02, 09/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, một số đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân. Có lúc, có nơi còn “khoán trắng” cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân.

Phát hiện sai sót ở cơ sở qua việc tiếp dân

Ngày 15.1.2018, tại buổi tiếp công dân của UBND tỉnh, các ông, bà: Huỳnh Bảy, Nguyễn Tiến Khôi, Lê Quang Diệu, Trần Ngọc Lăng, Phạm Thị Thạch, Phan Dương đều ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) đã phản ánh với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ  nhiều nội dung. Trong đó, nhiều công dân cho biết UBND huyện Nghĩa Hành chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chưa thu hồi đất rừng 388.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh tháng 1.2018.                                                                                                           Ảnh: NG.TRIỀU
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh tháng 1.2018. Ảnh: NG.TRIỀU


Trước sự việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kết luận, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, nhưng Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành chưa nghiêm túc triển khai thực hiện dứt điểm, để công dân đi lại nhiều lần, gây phiền hà, bức xúc. UBND tỉnh phê bình UBND huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành. Đồng thời, yêu cầu trong thời gian đến, UBND huyện Nghĩa Hành và Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành phải tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến đất rừng Hành Dũng.
 

Theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần; người đứng đầu các cơ quan hành chính trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình và Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan hành chính phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp theo quy định trong Luật Tiếp công dân năm 2013.

Cũng tại một buổi tiếp công dân của UBND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hoàng và bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) phản ánh việc UBND huyện Ba Tơ chưa tổ chức thực hiện các nội dung kết luận của Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ theo công văn của Thanh tra tỉnh. Về vấn đề này, UBND tỉnh hoan nghênh việc ông Hoàng, bà Oanh phát hiện và phản ánh sai phạm trong quá trình quản lý nhà nước của cơ quan chức năng huyện Ba Tơ liên quan đến công trình kè chống sạt lở suối Tài Năng, thị trấn Ba Tơ. UBND huyện Ba Tơ đã xử lý bước đầu đối với những cá nhân sai phạm, nhưng chưa triệt để, nghiêm túc. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ba Tơ phải thông tin đầy đủ kết quả xử lý sai phạm đến ông Hoàng, bà Oanh và công khai tại khu dân cư để nhân dân biết, giám sát vụ việc này.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc mà thông qua việc tiếp công dân, UBND tỉnh phát hiện UBND cấp huyện, xã chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tiếp 4.385 lượt, với 4.734 người, giảm 7,7% về số lượt so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 30 lượt đoàn đông người của 11 vụ việc phát sinh đến nơi tiếp công dân của các cấp, ngành, giảm 14% về số đoàn và 42% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016.

UBND tỉnh đánh giá, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ đã công bố; chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở nhiều địa phương vẫn còn thấp. Một số địa phương đã chỉ đạo xử lý và giải quyết trực tiếp, kết thúc trên thực tế được nhiều vụ việc, nhưng thống kê chưa đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến phản ánh không sát đúng với tình hình.

Né tránh trách nhiệm

Trên thực tế, một số cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở, chưa quan tâm đầy đủ, chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân. Có nơi, có lúc còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan hành chính trong tỉnh chưa tuân thủ lịch tiếp công dân định kỳ đã ban hành. Có trường hợp còn ủy quyền cho cấp phó, cá biệt ủy quyền cho chánh thanh tra chủ trì tiếp công dân nhiều lần trong năm. Hầu hết các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện chưa tổ chức thực hiện việc tiếp công dân theo đúng quy định của UBND tỉnh. Việc mở sổ tiếp công dân chưa bảo đảm theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Hiệu quả công tác tiếp công dân ở cấp huyện, cấp xã chưa cao, chưa gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, việc kết luận, giải quyết trực tiếp qua tiếp công dân còn hạn chế. Công tác đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm cấp dưới đã được quan tâm thực hiện, nhưng chưa chủ động và thường xuyên, do thiếu chế tài xử lý trách nhiệm, nên việc kiểm tra, chấn chỉnh chưa phát huy hiệu quả. Nhiều cán bộ tiếp công dân ở cấp tỉnh, cấp huyện thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức pháp luật, trong khi thủ trưởng không quan tâm bố trí con người đủ tiêu chuẩn, năng lực làm công tác tiếp công dân.


NG.TRIỀU - X.THIÊN

 

Cán bộ, công chức phải kiên trì đối thoại với công dân

 

Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Chí Phương khi bàn về công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo ông Phương, cán bộ tiếp công dân phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách, pháp luật của Nhà nước, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng.

PV: Thưa ông, việc tiếp công dân được quy định như thế nào?

Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Theo quy định tại Luật Tiếp công dân năm 2013, thì tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân được tổ chức thường xuyên, định kỳ và đột xuất.

Luật không quy định việc ủy quyền trong tiếp công dân mà quy định hình thức tiếp công dân để xác định người thực hiện tiếp công dân. Theo đó, đối với việc tiếp công dân thường xuyên thì cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân phải phân công một cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Đối với trường hợp tiếp công dân định kỳ 1 tháng 1 lần và tiếp công dân đột xuất, thì người đứng đầu cơ quan phải trực tiếp thực hiện theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân, luật không quy định ủy quyền trong trường hợp này.

PV: Trong tiếp công dân thì đối thoại có ý nghĩa như thế nào?

Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Mặc dù Luật Tiếp công dân không đề cập đến vấn đề đối thoại, tuy nhiên trong quá trình tiếp công dân, đối thoại là biện pháp được người tiếp công dân thường xuyên sử dụng và mang lại kết quả cao. Thực tế cho thấy, đa phần người dân tìm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là để khiếu nại, phản ánh, kiến nghị liên quan đến những chủ trương, chính sách, chế độ, quyết định hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ. Khi tiến hành tiếp công dân, người dân và đại diện cơ quan nhà nước có thể trực tiếp ngồi lại với nhau để làm rõ những nội dung vướng mắc, bất đồng hoặc những vấn đề mà người dân chưa hiểu, chưa thỏa mãn trong các chế độ, chính sách, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó đưa ra những giải pháp hoặc hướng dẫn giải thích theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Khi người dân thấy quyền, lợi ích của mình được đảm bảo hoặc những vướng mắc của mình được giải đáp thì họ sẽ tự rút đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Có nhiều vụ việc đã được giải quyết triệt để từ phương pháp đối thoại trong tiếp công dân.

PV: Ông có thể cho biết quy định của pháp luật về xử lý cán bộ, công chức vi phạm trong hoạt động tiếp công dân?

Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Luật Tiếp công dân quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân... Trong quá trình tiếp công dân, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân hoặc người có thẩm quyền tiếp công dân vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.


N.T - X.T (thực hiện)

 


 


.