Vì sao người dân chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến?

10:12, 10/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn ít người dân chủ động tiếp cận với những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến đem lại.

Quen với cách làm truyền thống

 Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà từ những cán bộ công chức ở cơ quan hành chính nhà nước.

Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet. Tuy nhiên, tình trạng người dân đến bộ phận một cửa để giao dịch các loại giấy tờ hồ sơ theo cách “truyền thống” vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

 Người dân vẫn có thói quan đến cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện các TTHC.
Người dân vẫn có thói quan đến cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện các TTHC.


 Tại Bộ phận một cửa của UBND huyện Tư Nghĩa, người dân đến nộp hồ sơ làm các TTHC khá đông. Ông Nguyễn Văn Đoàn ở xã Nghĩa Thuận đến đây làm thủ tục tách thửa đất cho con, nhưng phải đi ba lần mới làm được hồ sơ và nhận kết quả. Nguyên nhân do ông Đoàn không nắm được các quy trình thủ tục làm hồ sơ như thế nào và tìm hiểu ở đâu, nên phải đi lại nhiều lần.

Ông Đoàn cho biết, ông hoàn toàn không biết có dịch vụ công trực tuyến; vả lại, nếu có biết cũng không biết sử dụng bằng cách nào. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người dân đến làm TTHC tại bộ phận một cửa. Nhiều người cho rằng, liên quan đến đất đai, nhà cửa rất phức tạp nên cứ phải đến tận nơi mới yên tâm.

 Hiện tại, trên Cổng thông tin điện tử UBND huyện Tư Nghĩa đã công khai 27 TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai để công dân, tổ chức nắm bắt trước khi đến giao dịch một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tuy vậy, người dân vẫn đến tại Bộ phận một cửa của UBND huyện để kê khai, làm các thủ tục bằng hình thức truyền thống. Việc này không chỉ tốn thời gian của tổ chức và công dân đến giao dịch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian của cán bộ, công chức làm công tác tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa.
 
Khó từ đồng bằng đến miền núi

Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành, trên địa bàn huyện hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC cho người dân cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế. Một bộ phận người dân chưa biết sử dụng CNTT, nếu có thì cũng chỉ biết sơ bộ nên e ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến, có thói quen muốn đến trực tiếp các cơ quan hành chính làm thủ tục cho yên tâm. Hơn nữa, trang thiết bị ở cấp xã, thị trấn cũng còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

 Trong khi đó, tại các huyện miền núi trong tỉnh, phần lớn người dân chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến. Công tác ứng dụng CNTT vào CCHC ở huyện Sơn Hà so với các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh được xếp vào loại khá, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến gần như bằng không. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất ít, mặc dù hiện nay cổng thông tin điện tử huyện cung cấp 6 TTHC về đất đai.
 
Cần có thời gian

 Chính thức khai trương vào tháng 9.2015, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông của tỉnh ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2017 đến ngày hết tháng 8.2017, tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của tổ chức và công dân ở mức độ 3 (nộp trực tuyến trên mạng internet) chỉ có 322 hồ sơ, trong khi đó tổng số hồ sơ được giải quyết tại Bộ phận một cửa là hơn 13.700 hồ sơ.  

 Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc cho rằng, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC để đơn giản hóa các thủ tục, thời gian của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều có lộ trình. Sở KH&ĐT là một trong 6 cơ quan của tỉnh lựa chọn thực hiện một cửa hiện đại cũng đang rất tích cực thực hiện.

Thực tế cho thấy, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Do đó, muốn mọi việc trôi chảy thì đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình và cần phải có đầu tư, tập huấn, tuyên truyền để người dân, tổ chức hiểu. “Hiện nay đã có một số sở, ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đây là điều kiện rất tốt để tỉnh đẩy mạnh CCHC trong thời gian đến. Tuy nhiên, để tăng tốc thì rất cần có sự kiên quyết trong chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành và UBND tỉnh. Nếu thực hiện chậm rãi như thời gian qua thì rất khó đạt được những mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra”, ông Lộc bày tỏ.

 Mục tiêu của tỉnh trong năm 2018 là 70% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3; triển khai và đưa vào sử dụng 10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Tuy nhiên, nếu “cung” có, mà “cầu” ít (người sử dụng quá ít) thì sẽ trở nên lãng phí.


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 

Người dân chưa thật sự sẵn sàng

Đó là nhận định của Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh khi bàn về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến các cấp độ chưa thật sự hiệu quả. Theo ông Tánh, khi các cơ quan nhà nước đã sẵn sàng, mà người dân không theo kịp xu hướng phát triển cũng sẽ dẫn đến “độ vênh” nhất định.
 
PV: Xin ông cho biết tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông TRẦN CAO TÁNH: Quảng Ngãi hiện đã có 100% các sở, ngành và 14 huyện, thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 trên website của cơ quan, đơn vị. Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã thực hiện xây dựng hoàn thành và cung cấp 7 nhóm dịch vụ tại địa chỉ http://dichvucong.quangngai.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để phục vụ cho tổ chức và công dân trong các lĩnh vực: KH&ĐT, tư pháp, LĐ-TB&XH, báo chí, xuất bản và y tế. Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận thực tế là, hồ sơ TTHC thực hiện qua mạng internet mới chỉ dừng lại ở một số ít đơn vị. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dù đã được triển khai và tổ chức cung cấp qua internet nhưng sự tham gia của tổ chức, công dân còn hạn chế...
 
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến?


Ông TRẦN CAO TÁNH: Nguyên nhân người dân chưa tiếp cận nhiều với dịch vụ công trực tuyến, nhất là ở mức độ 3, 4 thì nhiều. Nhưng trước tiên cần phải kể đến là, người dân chưa thật sự sẵn sàng sử dụng dịch vụ này. Kế đến, việc đầu tư hạ tầng CNTT của tỉnh còn “mỏng”, đầu tư dàn trải và chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong xã hội còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, có trường hợp người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị ít quan tâm đẩy mạnh giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp bằng CNTT. Tiếp theo đó là, việc phân bổ kinh phí để triển khai việc phát triển và ứng dụng CNTT của các cấp, ngành chưa đảm bảo, nên dẫn đến nhiều chương trình, kế hoạch không triển khai được hoặc triển khai thiếu đồng bộ...
 
PV: Vậy để xây dựng chính quyền điện tử, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Ông TRẦN CAO TÁNH: Điều quan trọng nhất là tỉnh ta phải tăng cường chỉ đạo, quán triệt tất cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quyết tâm chỉ đạo CB, CCVC trong việc sử dụng hệ thống CNTT đã được đầu tư như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điện tử, thư điện tử công vụ, dịch vụ công trực tuyến... để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, CCHC. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tăng cường đào tạo, phổ cập về tin học, kỹ năng sử dụng internet cho CB, CCVC và người dân, nhằm nâng cao hiệu quả mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Thời gian đến, Sở TT&TT sẽ xây dựng và triển khai tích hợp cơ sở dữ liệu từ các sở, ngành, địa phương về một đầu mối là Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh (DataCenter), để việc giải quyết TTHC của các sở, ngành, địa phương có thể liên thông được và thống nhất trên toàn tỉnh.

 HOÀNG ANH (thực hiện)

 


 


.