Tạo dấu ấn văn hóa trong xây dựng cổng làng, cổng chào

10:08, 31/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cổng làng xưa là nét văn hóa phổ biến ở Bắc bộ và một số tỉnh Bắc Trung Bộ, còn các tỉnh từ Trung Bộ trở vào Nam thì ít có cổng làng. Cổng làng gắn liền với nền văn minh lúa nước, nơi lưu giữ những nét văn hóa rất có giá trị, nếu biết quan tâm phát huy đúng mức...

TIN LIÊN QUAN

Làng nông nghiệp thường được hình thành trên phần đất cao, xung quanh là đồng ruộng, lũy tre xanh bao bọc vừa chống gió bão, vừa ngăn nước lũ chảy xiết, cũng vừa làm tường thành bảo vệ. Cổng làng có vai trò phòng thủ, nơi canh giữ làng khi có người ngoài vào. Quần thể cổng làng xưa gồm: Cổng làng xây bằng gạch kiểu kiến trúc cổ, hai bên cổng phía ngoài làng có cây đa to, nhiều nơi có miếu thờ thần.

Gốc đa là nơi nghỉ chân, trú nắng của dân làng khi làm đồng về, nhiều chỗ có quán bán nước chè xanh, thuốc lá... Những làng giàu có cổng làng xây cao, kiến trúc tầng kiểu mái đình cổ, còn những làng trung bình thì làm đơn giản hơn.

Cổng chào Tổ dân phố văn hóa Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ảnh: Phú Đức
Cổng chào Tổ dân phố văn hóa Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ảnh: Phú Đức


Hiện nay, nhiều nơi ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn còn làng cổ, cổng làng cổ, trở thành điểm đến tham quan, du lịch cho du khách trong và ngoài nước. Còn phổ biến khắp mọi miền là cổng chào vào làng, thôn, tổ dân phố, xã phường (tỉnh thành, huyện cũng có cổng chào trên trục lộ chính). Kiến trúc cổng chào thường hai trụ xây đúc kiên cố ở hai bên ngoài lề đường và một tấm bảng bê tông gắn ngang qua có mái che, thẩm mỹ, ghi địa danh nơi ấy kèm với danh hiệu thi đua như thôn văn hóa, xã nông thôn mới... hoặc chỉ ghi tên thôn xóm...

Cũng có nhiều nơi người ta ghi những câu mang tính giá trị đạo đức nhân sinh như làng An Mô, thuộc xã Đức Lợi (Mộ Đức) ghi câu: “Ái bổn căn” (yêu gốc rễ)... Những thôn, xã có cổng làng, cổng chào thường là nơi có phong trào toàn dân đoàn kết tương đối tốt, có nhiều người học vấn đỗ đạt cao hay thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Về khía cạnh văn hóa, nhìn toàn thể cổng chào vẫn mang nét cổng làng, nhưng nếu chỉ cấu trúc đơn điệu gồm trụ, bảng tên làng, thôn thì giá trị tinh thần trong đời sống cộng đồng dân cư không cao, không đáp ứng yêu cầu nhắc nhở, giáo dục người dân nơi ấy, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống quê hương, về tôn chỉ, mong muốn của cộng đồng.

Để cổng chào mang giá trị văn hóa cao, thì ngoài việc xây dựng kiên cố, hai bên cổng cần có một không gian nhỏ, một bên trồng cây cảnh cỡ vừa (có thể cỡ lớn tùy diện tích đất có được), loại cây tuổi thọ cao, chịu được mưa nắng ít tốn công chăm sóc, một bên có bản ghi đủ các nội dung về: Giá trị của cộng đồng, tầm nhìn, hành động thiết thực của mỗi người, mỗi gia đình.

Chẳng hạn như, giá trị cộng đồng là “Yêu gốc rễ”. Tầm nhìn chiến lược là “Đạt, duy trì và phát triển thôn văn hóa”. Hành động cụ thể là “Tất cả các gia đình đều đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ  công dân, nghĩa vụ xây dựng quê hương; không có hộ nghèo; phổ cập giáo dục THCS, thanh niên có trình độ học vấn THPT và có nghề nghiệp đảm bảo”. Bộ giá trị, tầm nhìn và hành động đó là tổng quát, nhưng cũng tùy theo mỗi cộng đồng dân cư thôn, tổ, xã, phường mà tiến hành xây dựng theo thực tế nơi ấy.

Với những làng cổ, cổng làng cổ thì cần gìn giữ, bổ sung đổi mới cho phù hợp, còn nơi chưa có thì khi xây dựng cổng làng, cổng chào mới thì phải gắn liền với bộ giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, không nên rập khuôn. Để làm được việc đó cần có sự chỉ đạo của ngành văn hóa và chính quyền địa phương, để vẻ đẹp quê hương luôn là hình ảnh đẹp cho mỗi con người Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


BÙI VĂN TẠO


 


.