Ưu tiên nào để Quảng Ngãi tiến nhanh hơn?

07:05, 08/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh 2011-2020 đã sang năm thứ 7, nhìn ra các tỉnh bạn trong toàn quốc, không thể yên lòng khi hết nơi này đến nơi khác nổi lên những hình mẫu mà xét cho cùng, cũng có cái chúng ta có thể và có khả năng làm, nhưng tại sao chúng ta không làm, hoặc làm mà kết quả chưa cao?

Xin thử nêu một số nhiệm vụ, nói đúng hơn là khâu đột phá để cùng suy nghĩ:

Ưu tiên trước nhất là tổ chức khai thác triệt để tài nguyên sáu huyện miền núi, biến vùng đất này thành một trong các vùng động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Miền núi Quảng Ngãi đất đai rộng lớn. Tài nguyên rừng, khoáng sản (kể cả nước) khá phong phú, đất đai chưa được khai thác bao nhiêu... Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói tại Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (vòng 2): "Quảng Ngãi cần tiến quân lên khai phá trung du, miền núi. Miền núi Quảng Ngãi đất đai lớn hơn đồng bằng, nếu khai thác tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế không kém hơn so với đồng bằng" (Văn kiện ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIV (vòng 2)).

Mô hình sản xuất lúa nước được chuyển giao cho đồng bào Ba Tơ.                 ẢNH: HOÀNG HÀ
Mô hình sản xuất lúa nước được chuyển giao cho đồng bào Ba Tơ. ẢNH: HOÀNG HÀ


Từ ngày tái hợp tỉnh đến nay, trong tất cả các Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh đều có nội dung phát triển KT-XH miền núi. Thực hiện các nghị quyết đó, miền núi Quảng Ngãi đã có những đổi thay về hạ tầng giao thông, thủy lợi và trong một chừng mực nhất định đã phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, miền núi Quảng Ngãi vẫn chưa có đổi thay lớn, đời sống nhân dân còn gian khó về cả vật chất lẫn tinh thần.

Với mục tiêu của Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với quyết tâm thực hiện Nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng, Quảng Ngãi có thể hạ quyết tâm đầu tư xây dựng 6 huyện miền núi trở thành địa bàn KT-XH phát triển, tạo một hình mẫu phát triển KT-XH miền núi ở dải đất miền Trung được không? Muốn vậy, cần tập trung nguồn lực cả về tài chính lẫn nhân lực, khoa học và công nghệ, kể cả việc mời chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm về khai thác tài nguyên miền núi. Bố trí một bộ phận cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và một đội quân tình nguyện chuyên lo công tác này.

Ưu tiên thứ hai nên chọn, đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện Đức Phổ, toàn bộ khu vực tỉnh đã quy hoạch và đang xây dựng thành một thị xã ở vùng đất cực nam của tỉnh. Hội tụ các đầu mối giao thông: Đường bộ, đường thủy, đường sắt, có khả năng mở rộng cảng biển và hoàn thiện tuyến đường từ biển lên Tây Nguyên để đến Lào, Campuchia, Thái Lan. Đây cũng là vùng đất có tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú cả về lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, là đầu mối nối các tour du lịch đi Bình Định, Tây Nguyên, Lào. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch tại đây sẽ góp phần tạo nên một bản đồ kinh tế Quảng Ngãi thật cân đối từ Dốc Sỏi (Bình Sơn) qua Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi đi Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ.

Vấn đề hiện nay là, nhanh chóng tạo sự lan tỏa của thành tựu phát triển KT-XH từ các trung tâm ở phía bắc (với KKT Dung Quất, khu VSIP) và TP.Quảng Ngãi đến với Đức Phổ. Đã đến lúc cần tập trung cho Đức Phổ phát triển nhanh, vượt bậc.

Ưu tiên thứ ba, phát triển huyện đảo Lý Sơn. Vấn đề là ở chỗ, cần có quy hoạch phát triển KT-XH cho đúng và trúng. Cần lo nguồn lực, cần có tầm nhìn vừa xa, vừa rộng, quyết không nóng vội mà làm đảo lộn mọi ý tưởng, cần vào cuộc một cách bình tĩnh, trí tuệ, thật sự khoa học.

Thử nêu ba ưu tiên trên đây để cùng suy nghĩ, lựa chọn. Tất nhiên, những chương trình, dự án quan trọng đang làm vẫn cứ tiếp tục làm theo kế hoạch. Từ ý tưởng trên xin đề nghị: Lãnh đạo tỉnh nghiên cứu quyết định một số nhiệm vụ chính, thật sự mang tính đột phá để tập trung sức lực, trí tuệ của người Quảng Ngãi trong và ngoài tỉnh và cả ở nước ngoài, để Quảng Ngãi có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ như mong đợi.

TRỊNH QUANG HẠO


 


.