Cần nhiều cân đối chứng tại chợ

02:04, 03/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cân gian, bán thiếu là thực trạng thường xảy ra tại các chợ, khiến người tiêu dùng phải “ngậm bồ hòn” chịu thiệt. Về phía ngành chức năng, công tác kiểm tra, xử lý vấn đề này là chuyện không dễ thực hiện. Vì vậy, sử dụng cân đối chứng tại chợ là một biện pháp vừa giúp bảo vệ người tiêu dùng, vừa giúp nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh.

Tình trạng cân thiếu, cân gian là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Với cách làm này, người bán hàng đã thu lợi bất chính, còn người tiêu dùng thì bị "móc túi" ngang nhiên. Chị Trần Thị Hiền, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) mua một ký mực cơm tại chợ Quảng Ngãi, cảm thấy ít hơn ngày thường rất nhiều, nên chị sang cửa hàng gạo gần nhà cân thử thì hóa ra chỉ còn lại chưa đầy 8 lạng.

Cân đối chứng đặt tại chợ là giải pháp giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Cân đối chứng đặt tại chợ là giải pháp giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình.


“Vật giá ngày một leo thang, mỗi bữa đi chợ chúng tôi phải thắt lưng buộc bụng. Ấy vậy mà còn bị cân thiếu, cân gian. Thử tưởng tượng nếu các mặt hàng giá cao như thịt bò, tôm biển... mà bị cân thiếu thì chúng tôi đã bị mất oan số tiền không hề nhỏ”, chị Hiền bức xúc nói.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng bức xúc sau nhiều lần đi chợ bị cân thiếu, nên tự bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách vào siêu thị mua hàng. Theo chị Thanh, dù rau củ quả, thịt, cá trong siêu thị có thể sẽ đắt hơn chợ một chút, nhưng ít ra, siêu thị luôn cân đúng, cân đủ, nên chị không lo bị “móc túi” mỗi ngày.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, tiểu thương sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng khi phương tiện đo không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường.

Đồng thời, có thể bị phạt từ 2 - 10 triệu đồng với những hành vi gian lận trong cân, đong hàng hóa có giá trị lớn hơn. Tuy luật đã có, nhưng rất khó để thực thi, bởi các ngành chức năng chỉ có thể kiểm tra định kỳ, chứ không đủ nhân lực, vật lực để ngày nào cũng túc trực tại các điểm chợ để kiểm tra, xử lý. Vì vậy, câu chuyện về việc cân đủ, cân đúng... cuối cùng cũng chỉ có thể mong chờ vào ý thức tự giác của các tiểu thương.

Trước thực trạng trên, việc đặt cân đối chứng tại các chợ để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra định lượng hàng hóa đã mua, người bán hàng cũng có cân đối chứng để so sánh, tạo thêm niềm tin lẫn nhau là việc làm hết sức cần thiết. Việc đặt cân đối chứng tại chợ đã được tỉnh bạn là Đà Nẵng triển khai thực hiện và tạo được hiệu ứng tốt. Tại chợ đầu mối Hòa Cường (TP.Đà Nẵng), cân đối chứng được lắp đặt miễn phí ngay tại khu vực trung tâm chợ để người mua hàng có thể tự kiểm tra mình có bị cân gian, cân thiếu hay không.

Chị Trịnh Thị Thương, tiểu thương kinh doanh bún tại chợ đầu mối Hòa Cường chia sẻ: “Thời buổi cạnh tranh, nếu không cân đúng, cân đủ thì khách hàng chỉ đến một lần, chứ không quay lại lần thứ hai. Hơn nữa, tại chợ này, cân đối chứng được đặt ngay cạnh quầy mình, nên nếu mình cân gian dối, khách hàng thuận tay kiểm tra lại tại cân đối chứng, thì còn uy tín đâu mà buôn bán”.

Song song với cân đối chứng, Ban Quản lý chợ có thể đưa ra những giải pháp cứng rắn hơn, như trường hợp người tiêu dùng phản ánh cân gian dối, thì tiểu thương sẽ bị cấm buôn bán trong một thời gian nhất định. Có như thế, ý thức tự giác của tiểu thương trong tuân thủ quy chuẩn đo lường mới được nâng cao và tạo được niềm tin, thu hút được người tiêu dùng về với chợ truyền thống.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.