Đừng để điệp khúc "biết rồi, nói mãi"

10:03, 27/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hỗ trợ cây giống, vật nuôi để hộ nghèo miền núi phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Song, phần vì thời điểm cấp vật nuôi rơi vào mùa mưa, phần vì vật nuôi không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại các địa phương nên người dân được nhận hỗ trợ, nhưng lại không được lợi.

Trong Dự án này, hợp phần phát triển sinh kế bền vững là một trong những hợp phần được chú trọng triển khai với 174 tiểu dự án (TDA) thực hiện trong năm 2016. Trong đó, nếu như TDA trồng trọt với những cây lương thực gần gũi với bà con nông dân như lúa, bắp đều phát triển tốt, thì việc thực hiện TDA chăn nuôi lại không mấy khả quan khi cả 3 địa phương triển khai TDA chăn nuôi dê là Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ đều xảy ra tình trạng dê chết hàng loạt.

Giống bò Zebu hỗ trợ cho người dân Sơn Liên (Sơn Tây) gầy gò, ốm yếu vì không phù hợp với tình hình thời tiết, tập quán chăn nuôi của người dân.
Giống bò Zebu hỗ trợ cho người dân Sơn Liên (Sơn Tây) gầy gò, ốm yếu vì không phù hợp với tình hình thời tiết, tập quán chăn nuôi của người dân.


Nói về nguyên nhân dê hỗ trợ bị chết hàng loạt, ông Trần Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Ba Giang (Ba Tơ) cho biết: “Thời gian nhận con giống của xã Ba Giang rơi vào tháng 10, rồi đến tháng 12 lại có mưa kéo dài khiến dê không kịp thích nghi với tình hình thời tiết. Vì vậy, xã kiến nghị Dự án nên điều chỉnh, khảo sát lại nhu cầu, chứ không nên cấp dê hoặc các vật nuôi không phù hợp".

Cùng quan điểm với lãnh đạo xã Ba Giang, các xã khác như Ba Tô, Ba Khâm (Ba Tơ), Sơn Cao (Sơn Hà)... đều cho rằng, tuy miền núi có lợi thế về nguồn thức ăn để chăn nuôi dê, nhưng do đây là loại vật nuôi mới mẻ với người dân, lại đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn trâu, bò, nên không chỉ thời tiết mà ngay cả tập quán chăn nuôi của người dân cũng chưa phù hợp với việc nuôi dê.

Xác định nguyên nhân khiến mô hình nuôi dê không phát huy hiệu quả như kỳ vọng, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên- tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận rằng, một phần do vật nuôi được cấp muộn, một phần do dê được đơn vị thu gom từ nơi khác đến, chưa được thuần hóa nên chưa quen với thời tiết miền núi. Trong khi đó, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, giống vật nuôi phải được hỗ trợ cho các gia đình trước tháng 9 hằng năm, vì sau tháng 9 thời tiết tại các huyện miền núi thường xảy ra mưa bão, dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và nguy ra chết rất cao.

Không chỉ mô hình nuôi dê thất bại mà mới đây, sau đợt đi kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn xã Sơn Liên và Sơn Mùa (Sơn Tây) vào tháng 3 vừa qua, đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ làm trưởng đoàn cũng nhận thấy, trong khi mô hình nuôi bò sinh sản (giống bò vàng địa phương) ở xã Sơn Mùa phát triển tốt, thì việc nuôi giống bò Zebu sinh sản ở xã Sơn Liên lại phát triển kém, vì không phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán chăn nuôi của đồng bào.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu phải tính toán lại hướng hỗ trợ cho bà con. Phải tính toán, hỗ trợ vật nuôi bản địa, phù hợp với địa phương thì mới mong mô hình phát triển bền vững.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho đồng bào miền núi là hướng đi then chốt giúp người dân thoát nghèo, nguồn vốn dành cho hợp phần này cũng không phải là con số nhỏ. Vì vậy, để không lãng phí tiền của Nhà nước, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần bàn bạc, tính toán thấu đáo để hỗ trợ đúng thời gian, đúng vật nuôi, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Chứ đừng loay hoay mãi với điệp khúc hỗ trợ không phù hợp, không đúng thời điểm, khiến mô hình không đạt hiệu quả, rồi lại... rút kinh nghiệm.
 

Bài, ảnh: Ý THU

 


.