Thương hiệu nông sản: Được công nhận vẫn lao đao

09:10, 03/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tỏi Lý Sơn, muối Sa Huỳnh là hai nông sản của Quảng Ngãi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận thương hiệu độc quyền. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các thương hiệu này chưa phát huy hết hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Nổi tiếng... cũng khổ

Huyện Lý Sơn có hơn 300ha đất canh tác hành, tỏi. Từ chỗ cây tỏi chỉ được biết ở thị trường nhỏ trong nội địa, thì sau khi được công nhận thương hiệu,  sản phẩm này được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhờ vậy, dù giá tỏi của Lý Sơn lúc nào cũng cao hơn tỏi ở các nơi khác khi bán ngoài thị trường, nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng, chọn lựa.

Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã công nhận việc đăng ký nhãn hiệu hành, tỏi Lý Sơn tập thể cho 50 hộ dân thuộc ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình khi mua bán tỏi, hành (bao gồm tỏi, hành đã qua chế biến hoặc sản phẩm củ tỏi, củ hành tươi). Việc đăng ký nhãn sản phẩm là chỉ dẫn tốt nhất cho người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm này. Thế nhưng, vì quá nổi tiếng nên tỏi Lý Sơn lại bị “nhái” rất nhiều.

Vụ tỏi đông xuân 2015 vừa qua, nông dân Lý Sơn bị thiệt hại nặng do mất mùa, sản lượng đạt chưa đến 900 tấn, giảm 70% so năm trước, khiến cho mặt hàng tỏi Lý Sơn khan hiếm, giá cao. Và đây là cơ hội cho một số người tranh thủ đưa các loại tỏi từ trong đất liền ra đảo để bán với “mác” tỏi Lý Sơn. Sắp bước vào vụ tỏi mới, tức là thời điểm khan hiếm của tỏi Lý Sơn, nhưng hiện nay không khó nhận thấy, tại các địa điểm tham quan trên đảo, tỏi vẫn được bày bán khá nhiều.

Diêm dân Sa Huỳnh vẫn lao đao vì giá muối thấp.
Diêm dân Sa Huỳnh vẫn lao đao vì giá muối thấp.


Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh hành, tỏi Lý Sơn, Giám đốc Công ty THHH MTV Hải đảo Lý Sơn, cho biết: Qua khảo sát, tôi khẳng định rằng, phần lớn các loại tỏi được bày bán ở các địa điểm phục vụ khách du lịch trên đảo hiện nay không phải là tỏi được trồng ở Lý Sơn, bởi năm nay mất mùa nặng, sản lượng không nhiều. Ngoài một phần nông dân để giống cho vụ mùa tới thì hầu như tỏi Lý Sơn không còn để bán. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này, vì với chất lượng tỏi không bằng tỏi Lý Sơn, nhưng được bán với giá cao, khiến cho thương hiệu tỏi Lý Sơn ngày càng bị xâm hại.

Để khắc phục tình trạng “nhái” tỏi Lý Sơn, chính quyền huyện Lý Sơn cũng đã có nhiều biện pháp. Trong đó từ năm 2013 đến nay, huyện trích kinh phí hỗ trợ cho mỗi tàu cao tốc chở khách và tàu vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn mỗi tàu 6 triệu đồng/năm để họ cam kết không vận chuyển các loại tỏi từ đất liền ra đảo cho thương lái. Nếu họ vi phạm cam kết thì yêu cầu cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động của tàu.

Bằng phương án này, số lượng tỏi từ đất liền ra đảo đã hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cũng thừa nhận, việc vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo vẫn còn diễn ra và rất khó xử lý. Nếu trước đây, thương lái vận chuyển với số lượng lớn bằng tàu khách và tàu vận tải, thì nay họ vận chuyển theo kiểu “xách tay”, mỗi lần một ít, rất khó kiểm soát.

Thực tế, việc xử lý người dân vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo để bán bình thường là không khả thi, vì như vậy là vi phạm quyền tự do kinh doanh, buôn bán được pháp luật quy định của công dân. Thế nhưng, nó đã bị biến tướng, vì họ tìm cách gắn cho “tỏi lạ” này cái mác là tỏi Lý Sơn. Điều đáng buồn là, chính một bộ phận người dân Lý Sơn vì lợi ích trước mắt đã vô hình chung làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và thương hiệu tỏi của chính địa phương mình về lâu dài.

Thương hiệu muối Sa Huỳnh liệu có còn?

Đồng muối Sa Huỳnh (Đức Phổ) nằm ở phía đông bắc xã Phổ Thạnh, trải dài trên 3 thôn Tân Diêm, Thạnh Đức 1 và Long Thạnh 1, với diện tích sản xuất xấp xỉ 120ha, có khoảng 600 hộ, với trên 2.400 lao động chuyên làm nghề muối. Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: Sản xuất muối là nghề truyền thống, gắn bó với diêm dân Sa Huỳnh từ hàng trăm năm qua. Sản lượng muối hằng năm khoảng 9.000 tấn.

Nhằm bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối truyền thống, tháng 4.2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “muối Sa Huỳnh” cho các thành viên ở hai Hợp tác xã muối (HTX Muối 1 và HTX Muối 2). Dù giá muối lên xuống thất thường, nhưng diêm dân vẫn gắn bó với nghề mà ông bà truyền lại.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá muối lại quá rẻ trong khi lượng muối còn tồn hằng năm nhiều, nên diêm dân nản chí, bỏ hoang ruộng muối tìm nghề khác mưu sinh. Theo thống kê, vụ muối 2016, cả xã có gần 120 hộ bỏ nghề, tổng diện tích gần 30ha. Đây là năm diêm dân Sa Huỳnh bỏ hoang ruộng muối nhiều nhất từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Thành Út - Chủ nhiệm HTX Muối 1, chia sẻ: Gần 20 năm làm cán bộ hợp tác xã muối, nhưng chưa bao giờ thấy diêm dân đồng muối Sa Huỳnh rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay. Theo ông, cứ đà này chẳng bao lâu nữa, bà con diêm dân nơi đây sẽ bỏ hoang toàn bộ ruộng muối, thương hiệu “muối Sa Huỳnh” cũng chẳng còn.

“Ngay gia đình tôi có 3.800m2 ruộng muối, mỗi vụ muối quần quật suốt 6 tháng liền ngoài đồng mới được 20 tấn, đủ ăn là may lắm rồi. Năm nay giá muối thấp, vợ con dắt nhau vào Nam làm thuê. Vì thế, tôi cũng định bỏ hoang ruộng muối, nhưng nghĩ đi tính lại mình là cán bộ mà làm thế thì bà con diêm dân bỏ theo”, ông Út thổ lộ.

Theo ông Phan Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã giao Sở lập dự án quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của dự án là xác lập cụ thể quỹ đất sản xuất muối ổn định, phát triển làng nghề truyền thống, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân; tổ chức chuyển đổi phương thức sản xuất muối truyền thống sang hướng công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu muối cho tiêu dùng và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp.

“Việc lập quy hoạch chi tiết là cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất muối”, ông Hoàng nói.
  

Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN

Người dân, doanh nghiệp phải có ý thức giữ gìn thương hiệu

 

Đó là chia sẻ của bà Võ Thị Thúy Nga- Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở KHCN). Theo bà Nga, nếu đã được công nhận thương hiệu (dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý) mà không quản lý, phát triển tốt các tài sản trí tuệ đó, thì việc đăng ký được xem như chưa đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản.

-PV: Thưa bà, được công nhận thương hiệu sẽ mang lại lợi ích gì cho các mặt hàng nông sản?

Bà VÕ THỊ THÚY NGA: Các sản phẩm sau khi có thương hiệu, giá bán thường tăng lên, thị trường rộng mở thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu sẽ chặt chẽ hơn thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành viên vì lợi ích chung, góp phần tăng thu nhập cho người dân và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất mới hiệu quả hơn. Cùng với đó, khi được công nhận, các thương hiệu sẽ được hưởng các chương trình hỗ trợ của Nhà nước  như được tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất...

-PV: Việc xây dựng và bảo vệ, phát triển thương hiệu cần những yếu tố nào, thưa bà?

Bà VÕ THỊ THÚY NGA: Cái gốc của vấn đề vẫn là người dân, doanh nghiệp, HTX thông qua việc xây dựng thương hiệu, họ thật sự nhận được lợi ích như: Giá nông sản tăng, uy tín của thương hiệu cao và lợi nhuận thu về lớn. Nếu thực sự làm được việc đó, tôi nghĩ người dân sẽ thực sự tham gia vào việc phát triển nông sản địa phương. Hơn nữa, việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu là làm sao bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu như người dân, doanh nghiệp, HTX không tập trung đầu tư, hoặc đầu tư không tuân thủ theo quy trình, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, dần dần thương hiệu sẽ bị mai một.

N.T - X.T




 


.