Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

10:07, 31/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện nghiêm túc phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngay từ khâu hoạch định chính sách, quy hoạch dự án... mới có thể làm giảm đi khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Hiện nay, hình ảnh người dân “vác” đơn đi kiện từ ngày này qua ngày khác, từ cấp này lên cấp khác không còn là chuyện hiếm. Vậy nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của những sự việc trên là gì? Có phải là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trình độ dân trí thấp gây ra chăng?

Trước khi nhìn nhận vấn đề đó, chúng ta thử điểm qua một số vụ việc vừa xảy ra gần đây tại rất nhiều địa phương trong cả nước, chủ yếu là các vụ việc xâm phạm đến quyền lợi trực tiếp của người dân, mà trong đó những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, các vấn đề ảnh hưởng đến sinh kế, sinh hoạt của người dân trong buôn bán, đất canh tác, sản xuất, nuôi trồng, bến bãi neo đậu tàu thuyền, ô nhiễm môi trường do các nhà máy, xí nghiệp, các công trình gây ra... chiếm hầu hết. Những vụ việc nêu trên làm cho nhiều cấp, nhiều ngành tốn nhiều công sức để tập trung lo giải quyết.

Cần phải nói rằng, cũng có những vụ việc do người dân chưa hiểu cặn kẽ về chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước nên gửi đơn kiện không đúng nội dung, gửi đơn kiện vượt cấp, gửi đơn kiện khi đã được giải quyết thỏa đáng theo quy định hiện hành nhưng vẫn chưa thỏa mãn, hoặc do bị kẻ xấu lợi dụng, kích động... Tuy nhiên, sự việc đó cũng không hoàn toàn đổ lỗi cho người dân, mà chính là do hệ thống chính trị ở địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng.

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là xuất phát từ việc cán bộ công chức, đặc biệt là một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý xa rời dân, tệ quan liêu, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, thực hiện dân chủ hình thức theo kiểu hô khẩu hiệu, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng thực chất là làm không đến nơi, đến chốn.

Vì sao trong quá trình làm quy hoạch dự án, hoạch định chính sách không xin ý kiến trực tiếp của người dân và các tổ chức đại diện của họ, xem thử họ có thống nhất hay có ý kiến góp ý gì không, nhằm tạo sự đồng thuận cao và kịp thời điều chỉnh những thiếu sót sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà doanh nghiệp.

Mà trong đó phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tiếp đến là lợi ích của Nhà nước (mà thực chất cũng là lợi ích của dân, vì một lẽ Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân). Giải quyết kịp thời những vấn đề băn khoăn, thắc mắc của người dân, để giúp người dân thấu hiểu, chia sẻ và cùng tham gia với Nhà nước, làm tròn “bổn phận công dân”, thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án... thiết thực, hiệu quả.

Cái gốc của vấn đề là hãy đặt lợi ích của người dân lên trên hết thảy các lợi ích khác, mỗi cán bộ công chức phải thật sự là những người “đầy tớ” của nhân dân, hãy coi nhân dân là “khách hàng VIP” phải phục vụ. Trên hết là cần phải thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” và thực hiện bằng được phương châm vàng: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
                                           

NGỌC THÀNH
 


.