Lập Đồ án quy hoạch tổng thể Lý Sơn: Yêu cầu cấp thiết

03:05, 13/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn hiện nay không những là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mà còn là điểm "dừng chân" lý tưởng của rất nhiều nhà đầu tư. Đây là tín hiệu vui, song do chưa thực hiện xong Đồ án quy hoạch (QH) tổng thể, nên sự phát triển quá nóng trên đã làm cho Lý Sơn có nguy cơ trở thành khối bê tông giữa biển, mất dần vẻ “đẹp hoang sơ” của hòn đảo giàu tiềm năng này.

TIN LIÊN QUAN

Lý Sơn bây giờ không chỉ là nơi sinh sống của hơn 21 nghìn dân mà còn là cửa ngõ ra Biển Đông; đối với nước ta, Lý Sơn là đảo tiền tiêu có tầm chiến lược quan trọng. Còn đối với bạn bè quốc tế, Lý Sơn là một kho tàng về địa chất núi lửa, văn hóa lịch sử và hệ sinh thái biển đảo quan trọng. Do đó, việc lập Đồ án QH tổng thể để xây dựng, phát triển bền vững Lý Sơn đang là vấn đề cấp thiết.
 

Cả Lý Sơn hiện nay như một đại công trường.
Cả Lý Sơn hiện nay như một đại công trường.

Du khách đến Lý Sơn ngày càng tăng

Thống kê của huyện Lý Sơn, năm 2015, du khách trong nước và quốc tế đến hòn đảo tiền tiêu này tham quan đạt gần 100 nghìn lượt, tăng hơn 63 nghìn lượt du khách so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến nay có hơn 62 nghìn lượt du khách đến huyện đảo du lịch, dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 
Mới quy hoạch “vùng lõi” 150ha

Đến thời điểm này, Đồ án QH phân khu trung tâm huyện lỵ Lý Sơn đã được phê duyệt với quy mô 150ha. Trong Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 cũng đã định hướng phát triển đô thị khu vực trung tâm huyện lỵ Lý Sơn. Theo ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện, diện tích 150ha khu vực trung tâm được xem là “vùng lõi” của huyện, vì thế huyện quản lý chặt chẽ việc xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn. Còn các khu vực khác, địa phương đang cố gắng quản lý để giữ nguyên hiện trạng, tránh gây phá vỡ kiến trúc cảnh quan. “Muốn phát triển Lý Sơn bền vững, hài hòa, có bản sắc, thì rất cần một QH tổng thể mang tầm vóc khu vực. Thế nhưng, hiện nay tỉnh vẫn chưa có QH tổng thể, nên huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý xây dựng”, ông Thanh nói.
 
Trên huyện đảo hiện có 3 khách sạn, 27 nhà nghỉ và 38 cơ sở hoạt động du lịch cộng đồng (homestay), cùng lúc có thể đón hơn 2 nghìn du khách. Và hiện nay có rất nhiều người dân địa phương cũng đang có ý định xây dựng khách sạn hoặc nhà nghỉ. Việc người dân ồ ạt đua nhau xây dựng các cơ sở lưu trú đã và đang làm cho Lý Sơn như một đại công trường. Điều đáng nói là, hầu hết các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú được người dân “nâng cấp” từ các cơ sở cũ, hoặc tự ý xây mới, nên không theo bất cứ kiểu kiến trúc nào. Nhiều hộ nông nghiệp chuyển sang xây nhà nghỉ, khách sạn kinh doanh du lịch khó tránh khỏi phá vỡ kiến trúc cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Do đó, trước khi có QH tổng thể, Lý Sơn cần hạn chế xây dựng công trình cao tầng, bê tông cốt thép, phát huy mô hình du lịch cộng đồng homestay, nhằm bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên trên đảo.
 

 

Du khách đến với Lý Sơn vì vẻ đẹp đậm nét hoang sơ.
Du khách đến với Lý Sơn vì vẻ đẹp đậm nét hoang sơ.

 
Thế mạnh của Lý Sơn hấp dẫn du khách là bởi tính hoang sơ và cảnh quan tự nhiên. Nhưng hiện nay, dường như những cảnh quan tự nhiên quanh đảo như bị “bê tông hóa” khiến tôi không khỏi băn khoăn. Lần đầu tiên đặt chân đến Lý Sơn, trong hình dung của mình, Lý Sơn là “thiên đường biển xanh”, nhưng chưa được như thế. Máy móc, phương tiện nổ ầm ầm cả ngày đêm. Vài cung đường giáp biển bụi bay mù mịt. Không gian trên đảo cứ như một đại công trường.  Lý Sơn đang dần mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có, thay vào đó là sự phát triển quá nóng của một đô thị. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra kéo dài, tôi e một ngày, sẽ chẳng còn ai đến Lý Sơn vì nó chẳng có gì khác biệt với đô thị trên đất liền.
Anh Nguyễn Văn Dũng  Phóng viên báo Tiền Phong

Đồ án quy hoạch tổng thể: Còn chờ!

Trước những yêu cầu cấp thiết phải sớm có QH tổng thể cho Lý Sơn, tháng 6.2015, tỉnh đã phê duyệt QH phát triển du lịch huyện đảo này theo hướng trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh - điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Quy hoạch chú trọng kết hợp phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái biển với đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm vững chắc về quốc phòng - an ninh. Tiếp đó, tháng 11.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc lập đồ án QH xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho huyện đảo Lý Sơn. Theo yêu cầu của UBND tỉnh thì đến tháng 5.2016, đồ án trên phải được hoàn thành.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn Nhật Bản có đủ kinh nghiệm, năng lực để lập QH phát triển kinh tế - xã hội huyện Lý Sơn. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện việc QH nêu trên từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam - BIDV (10 tỷ đồng) và kinh phí của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Trao đổi với PV.Báo Quảng Ngãi, ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Hiện nay, sở đã hoàn thành việc thu thập số liệu, khảo sát hiện trạng để chuyển giao cho các đơn vị được UBND tỉnh giao lập Đồ án QH xây dựng tổng thể huyện Lý Sơn. Sắp đến, Sở sẽ làm việc với các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân, tư vấn Nhật Bản để thống nhất quan điểm QH huyện đảo Lý Sơn, cũng như thời gian hoàn thành đồ án. Sở yêu cầu đến hết tháng 7.2016, các đơn vị này sẽ phải lập xong đồ án để các cơ quan chức năng có cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, thông qua.

 

Chưa có quy hoạch tổng thể sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào Lý Sơn
Đó là nhận định của ông Nguyễn Đăng Lộc - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT. Theo ông Lộc, việc cấp phép các dự án đầu tư vào Lý Sơn phải tuân thủ QH khu trung tâm của huyện này, sau đó là xem xét phù hợp với định hướng phát triển huyện đảo, đồng thời xin ý kiến Quân khu 5, vì liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia.

PV: Quá trình cấp phép đầu tư vào Lý Sơn có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Lộc: Với việc có điện lưới quốc gia và được quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, Lý Sơn đã trở thành nơi thu hút khách du lịch lớn, do đó các nhà đầu tư trong nước cũng đến đây tìm cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp khó, vì chưa có quy hoạch tổng thể, khiến việc cấp phép cho những dự án khó thực hiện, chưa được nhiều. Đến nay, chỉ có Tập đoàn Mường Thanh được cấp phép đầu tư khách sạn 4 sao tại Lý Sơn. Riêng hai dự án xử lý rác thải và chế biến tỏi đen, tinh dầu tỏi đang chờ cấp phép. Hiện nay, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cũng đang tìm hiểu đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Lý Sơn. Đối với từng dự án, cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ mới có thể cấp phép được. Thực tế, huyện Lý Sơn gặp khó khăn, lúng túng trong thu hút đầu tư. Huyện đang đẩy mạnh công tác này, nhưng lại “vướng” phải vấn đề chưa có QH tổng thể.

PV: Ông có suy nghĩ gì về sự phát triển “quá nóng” của Lý Sơn?
Ông Nguyễn Đăng Lộc: Thời gian qua, người dân địa phương đã nâng cấp các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch tại cơ sở cũ trước đây. Điều này đã đáp ứng nhu cầu một lượng khách rất lớn trong thời gian qua. Với tốc độ xây dựng như vậy, nên hiện tại bộ mặt của Lý Sơn rất có nguy cơ bị bê tông hóa, kiến trúc lộn xộn. Do đó, khi chưa có QH tổng thể thì chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ việc xây dựng của người dân, kể cả các dự án đầu tư công. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch, người dân sẽ xây dựng tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí, sắp xếp QH Lý Sơn sau này.

 


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU - X.THIÊN

 


.