Mấy ý kiến nhỏ trước một sự kiện lớn

08:04, 02/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐBHĐND) các cấp đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc. Từ sau năm 1975 đến nay, cứ 5 năm một lần cả nước lại tổ chức bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 3 cấp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nó thể hiện rất rõ một chính quyền của dân, do dân và vì dân...

TIN LIÊN QUAN

LTS: Nhằm tăng tính tương tác với bạn đọc, kể từ tháng 4.2016, Báo Quảng Ngãi mở mục Tòa soạn&Bạn đọc. Đây là trang để bạn đọc của báo có những ý kiến trao đổi về những vấn đề thời sự, những mặt còn tồn tại của địa phương, đồng thời làm cầu nối với các cơ quan, ban, ngành, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của bạn đọc. Những ý kiến đóng góp và tin, bài của bạn đọc xin gửi về địa chỉ Email: baoquangngai402@gmail.com hoặc số 02 Cao Bá Quát, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; điện thoại 055.3826494.

Trong số này, Báo Quảng Ngãi đăng ý kiến của ông Vũ Tùng Vi-Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới.


Năm nay, nhân dân cả nước sẽ tiến hành bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ XIV, cùng với đó tỉnh Quảng Ngãi sẽ bầu cử ĐBHĐND lần thứ XII, nhiệm kỳ 2016-2021 và HĐND huyện, thành phố cùng các xã, phường, thị trấn... Cả tỉnh đang  khẩn trương chuẩn bị lấy ý kiến những người ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp ở nơi cư trú. Dịp này, tôi xin gửi một số đề xuất, những suy nghĩ nhỏ.

Trước hết, trong lựa chọn người ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp phải thực hiện chỉ đạo của Trung ương là phải chọn người đủ đức, tài, có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân và phải trong sạch... Những tiêu chuẩn này không mới trong các kỳ bầu cử, tuy nhiên khi lựa chọn, đề cử có lúc cơ quan tham mưu đã lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, của địa phương. Điển hình là trong nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã phải tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An) và Châu Thị Thu Nga (đoàn thành phố Hà Nội) mà những sai lầm của hai bà này không phải xảy ra sau khi trúng cử ĐBQH...

Phải hết sức coi trọng năng lực của những người ứng cử, khi được trúng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của Trung ương, của địa phương phải có trình độ thật sự, nắm được chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước để kiểm tra, giám sát việc thực thi của các cơ quan hành pháp. Phải thảo luận, đề xuất ý kiến phù hợp với tình hình chung, tình hình địa phương tại các kỳ họp, phải thể hiện quan điểm, chính kiến của mình trước cử tri. Khác với trước đây, bây giờ cử tri giám sát rất chặt những người đại diện do họ bầu ra qua các kỳ họp mà phương tiện thông tin truyền thông đưa lên và tất nhiên không ai đồng tình với đại biểu của họ chỉ chăm chú nghe đại biểu khác phát biểu mà không có ý kiến trong nhiều cuộc họp.

Nâng cao hiệu quả giám sát là một trong những  vấn đề mà cử tri luôn mong mỏi ở đại biểu HĐND các cấp.
Nâng cao hiệu quả giám sát là một trong những vấn đề mà cử tri luôn mong mỏi ở đại biểu HĐND các cấp.


Ngoài tham gia ý kiến trong các kỳ họp còn phải thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình. Đây là một nội dung quan trọng của ĐBQH và ĐBHĐND các cấp. Muốn giám sát có hiệu quả, thì người đại biểu của dân phải là người có năng lực thực sự, tất nhiên năng lực có thể không đồng nhất, do trình độ và vị trí của mỗi người.

Chất vấn tại các kỳ họp cũng là một hình thức giám sát mà các đại biểu đại diện cho cử tri nêu lên để cơ quan, người đứng đầu cơ quan xem xét, nghiên cứu khi đề xuất chủ trương và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Muốn làm tốt được điều đó, người đại biểu phải thực sự của dân, gần dân, nắm bắt cuộc sống hằng ngày của địa phương. Muốn giải quyết có hiệu quả phải dựa vào dân, mệnh lệnh từ văn bản kết quả sẽ không cao, lòng dân là “quốc bảo”.

Đạo đức người ứng cử cũng là mối quan tâm của quần chúng, nhất là ở cơ sở. Hội đồng bầu cử và Mặt trận các cấp phải lắng nghe ý kiến của cử tri, đừng bao giờ chủ quan với danh sách đã hiệp thương. Những ý kiến phản ánh của quần chúng, kể cả đó là ý kiến thiểu số cũng phải tiếp thu để nghiên cứu, xem xét.

Về cơ cấu, theo tôi đây cũng là nội dung cần thiết, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp năng lực. Ở tỉnh ta trong điều kiện số lượng đại biểu không nhiều cả Quốc hội và HĐND thì việc cơ cấu từng địa phương, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, số lượng nữ, người dân tộc phải hết sức hài hòa và khoa học, Hội đồng bầu cử cần tính toán thật kỹ trước khi chốt danh sách chính thức.

Vũ Tùng Vi


 


.