Báo động tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên

01:11, 23/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê của Công an tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 444/805 vụ án do các đối tượng trong lứa tuổi chưa thành niên gây ra, chiếm tỷ lệ hơn 55%. Bên cạnh đó, số lượng người gây án có dấu hiệu ngày càng “trẻ hóa”. Nguyên nhân vì đâu?

TIN LIÊN QUAN

Những vụ án đau lòng

Trong số những vụ án hình sự do thanh thiếu niên gây ra, điều khiến nhiều người phải suy nghĩ là tội “giao cấu với trẻ em”. Người phạm tội có lúc không ý thức hết được hành động nguy hiểm của mình. Bởi theo lý lẽ của đối tượng, làm như thế là thể hiện tình yêu. Như trong vụ án Hồ Văn Nông (sinh năm 1996), ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bị TAND tỉnh tuyên phạt 24 tháng tù. Theo cáo trạng, bị cáo Nông và K.A có quan hệ tình cảm, nên trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1.2015 - 3.2015, Nông đã quan hệ tình dục với K.A nhiều lần (có lần K.A tự nguyện), trong khi K.A mới 15 tuổi 4 tháng. Hay như mới đây, một vụ án mạng gây chấn động là vụ đâm chết người tại quán karaoke Cường Phát (TP. Quảng Ngãi) vào đêm 14.11. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà Liên Quốc Cường (SN 1990), ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đã dùng dao đâm chết Phạm Thế Hải.

Thanh thiếu niên rất cần những sân chơi bổ ích để tham gia.                                                                   Ảnh: PV
Thanh thiếu niên rất cần những sân chơi bổ ích để tham gia. Ảnh: PV

 

Phải làm cho người trẻ thật sự "bận rộn"


Theo đại tá Võ Văn Dương, giải pháp tối ưu để hạn chế người trẻ phạm tội là họ phải thật sự “bận rộn”. Khi những người trẻ được học hành hoặc có việc làm thì thời gian để  làm những việc không có ích, những việc bất lợi cho xã hội sẽ không có, hoặc hiếm hơn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này là không phải dễ. Vậy nên, vấn đề ở đây chính là cách giáo dục và quản lý con em của từng gia đình. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: Gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, gia đình, đặc biệt là cha mẹ, là những người quyết định trực tiếp đến sự trưởng thành và nên người của các em.

 Điều đáng ngại là hiện nay, các đối tượng buôn bán ma túy, gieo “cái chết trắng” cho nhiều người lại là những thanh thiếu niên còn rất trẻ. Họ tuổi đời chỉ có 20-26 nhưng tỏ ra rất liều lĩnh và việc làm của họ để lại rất nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Các bị cáo Nguyễn Hải Tuấn (SN 1994), Trương Thái Thanh Tuấn (SN 1989), Nguyễn Anh Tú (SN 1991) cùng trú tại phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi và bị cáo Lê Xuân Quyền (SN 1994) ở phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi vừa bị TAND TP.Quảng Ngãi đưa ra xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” là một minh chứng. Tại Cơ quan Điều tra, các đối tượng khai nhận đã nhiều lần mua ma túy từ TP. Hồ Chí Minh để về bán lại cho các con nghiện trên địa bàn tỉnh.

Điểm qua những vụ án trên cho thấy, đối tượng phạm tội hình sự đều còn rất trẻ, mà động cơ đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Theo thống kê của Phòng CSHS Công an tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 444/805 vụ án (chiếm trên 55%) do người chưa thành niên gây ra, với 694/1215 đối tượng (gần 60%) chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, giết người có 6 vụ, cướp tài sản 36 vụ, hiếp dâm, cưỡng dâm 10 vụ…

Nguyên nhân do đâu?

Đại tá Võ Văn Dương - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, cho rằng, người trẻ, chưa thành niên gây án có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc lớp trẻ hiện đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều thứ văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung không lành mạnh. Internet, games online có nội dung bạo lực tràn ngập. Ở độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, khi tiếp cận với quá nhiều thứ giải trí bạo lực sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động.

Xét ở một góc độ khác thì vai trò giáo dục của nhà trường và xã hội đối với giới trẻ hiện nay có phần chưa làm hết trách nhiệm. Nhà trường mới tập trung vào việc dạy kiến thức hơn là dạy các em về nhân cách, về văn hóa ứng xử, về trách nhiệm công dân đối với xã hội. Một bộ phận giới trẻ sống nhạt, thờ ơ, vô trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa ứng xử xuống cấp. Ranh giới giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, trên - dưới đã không còn mực thước, khiến cho giới trẻ không có những “tấm gương” để học tập và dễ dàng bị “tổn thương”. Song, điều quan trọng nhất vẫn là sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình. Hiện nay, không ít cha mẹ rất giỏi kinh doanh và cứ nghĩ cho con tiền tiêu thoải mái là quá đủ. Nhiều bố mẹ khi con phạm tội mới biết, mình toàn cho tiền để con đi chơi, chứ không phải là đi học.

*Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh:
Để hướng người trẻ tham gia vào các hoạt động lành mạnh, tránh xa các cám dỗ như games, bia, rượu... thì vai trò của Đoàn, Hội là rất quan trọng và cần thiết. Trong nhiều năm qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi luôn  thực hiện tốt vai trò trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn, Hội. Với nhiều mô hình đoàn kết tập hợp thanh niên, trong đó đặc biệt là hình thức sinh hoạt CLB Đội, Nhóm đã được thanh thiếu niên tìm đến, với nhiều loại hình sinh hoạt đa dạng về sở thích, năng khiếu cùng nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.Qua đó góp phần ngăn ngừa tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện cũng còn một bộ phận bạn trẻ thờ ơ với các hoạt động phong trào, thiếu rèn luyện, thiếu lý tưởng. Với những trường hợp này cần có sự chung tay của cộng đồng để động viên, giúp đỡ để các bạn vượt qua hoàn cảnh, tránh xa những suy nghĩ, hành vi sai trái dẫn đến phạm tội.

*Đại tá Võ Văn Dương - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh:
Tình hình tội phạm trong trẻ vị thành niên có chiều hướng tăng về số vụ, số đối tượng và tính chất nguy hiểm. Điều này do nhiều nguyên nhân, phần lớn các em chưa thành niên phạm tội đều do gia đình thiếu quan tâm đến con cái, đi làm ăn xa, hoặc cha mẹ ly hôn… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của ngành công an, công tác quản lý các dịch vụ kinh doanh có điều kiện như các quán internet, các trò chơi cờ bạc trá hình… còn thiếu chặt chẽ. Hơn nữa, lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến các đối tượng có “vấn đề”, chứ chưa chú trọng đến công tác phòng ngừa xã hội. Do đó, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật cho lứa tuổi vị thành niên hiểu biết pháp luật, nhận thức được những hành vi lệch lạc và những hậu quả khi phạm tội.

*Th.s Nguyễn Đăng Động - Phó Trưởng khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng):
Tâm lý lứa tuổi vị thành niên có những đặc điểm phổ biến đó là, bắt chước và dễ sa ngã, trong khi môi trường xã hội ngày càng phức tạp, là những cái bẫy mà lứa tuổi này dễ sa vào nếu không có sự định hướng giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, việc giáo dục cũng phải có phương pháp, không chỉ là khoa học, mà còn là nghệ thuật nữa. Lâu nay công tác giáo dục về đạo đức, lối sống cho các em trong trường học chưa được quan tâm nhiều, chưa phù hợp với lứa tuổi, chúng ta nặng về hình thức trách, phạt chứ chưa chú ý đến việc động viên, dìu dắt. Hơn nữa, vì áp lực cuộc sống nên nhiều người lớn xử sự với nhau không tốt, cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ trong việc hình thành nhân cách. Tôi cho rằng, trong điều kiện và môi trường sống hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ.

*Anh Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống Tương lai xanh:
Tình trạng tội phạm ngày một trẻ hóa, một phần, do các bạn trẻ thiếu sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, mặt khác, các hoạt động của các tổ chức dành cho giới trẻ còn đơn điệu, ít hấp dẫn. Cũng có một bộ phận giới trẻ có lối sống ích kỷ, thiếu lý tưởng, nên rất dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp. Mục đích của CLB ngân hàng máu sống Tương lai xanh của chúng tôi là hướng các bạn trẻ tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, để các bạn có lối sống tích cực. Chúng tôi cũng mong muốn xã hội dành nhiều hơn nữa sự quan tâm cho các hoạt động của tuổi trẻ để tạo môi trường lành mạnh cho giới trẻ, tham gia, tránh xa những cám dỗ tội lỗi.


TRIỀU – THIÊN





 


.