Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn: Vẫn còn thách thức

02:04, 21/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rau, thịt hiện hữu trong mỗi bữa ăn của từng gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là thách thức, nhất là việc kiểm soát dư lượng hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng… Chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” đặt ra trách nhiệm trong việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng cũng như ý thức của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong đảm bảo VSATTP.

TIN LIÊN QUAN


Nghịch lý khi sản xuất rau sạch

 Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao QNASAFE là đơn vị tiên phong trong tỉnh đầu tư sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Mô hình được thực hiện trong nhà lồng, nhà kính với quy mô hơn 7.500m2  tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi); đồng thời trồng 1ha củ, quả tại Măng Đăng, Kon Tum; 1ha rau sạch tại xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Đi vào hoạt động từ tháng 3.2014, Công ty đặc biệt chú trọng khâu sản xuất, từ khâu chuẩn bị giống, phân bón… Trong quá trình chăm sóc, công ty ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc và không sử dụng phân bón hóa học và có đội ngũ kỹ thuật luôn có mặt thường xuyên trên đồng ruộng để giám sát chất lượng. Tất cả sản phẩm của Công ty được sơ chế rất công phu để diệt giun sán và các khuẩn gây bệnh trước khi đưa vào phòng lạnh bảo quản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích (bên trái) tham quan mô hình sản xuất rau sạch của Công ty QNASAFE.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích (bên trái) tham quan mô hình sản xuất rau sạch của Công ty QNASAFE.


 Tuy nhiên, có một nghịch lý là lâu nay người tiêu dùng lo sợ rau, củ  không đảm bảo an toàn, nhưng thực phẩm rau, củ, quả đúng chuẩn an toàn của QNASAFE khi đưa ra thị trường thì khó tiêu thụ. Khác với cảnh chen lấn, tấp nập tại các chợ rau trong tỉnh, những kệ rau sạch của QNASAFE tại các trục đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trương Định (TP.Quảng Ngãi) “thưa” người mua. Anh Huỳnh Văn Tiếp-Giám đốc công ty cho biết: Để sản xuất theo đúng quy trình rau an toàn, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nhân công hàng tỷ đồng…

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra của công ty không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện sản phẩm của công ty chỉ mới cung cấp cho 5 trường mầm non trên địa bàn thành phố. Còn tại các bếp ăn tập thể thuộc các khu công nghiệp, các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh chưa thực sự “mặn mà” với rau sạch QNSAFE. Anh Huỳnh Văn Tiếp cho biết thêm: “Chi phí đầu tư lớn nên giá bán rau sạch của công ty so với rau ở ngoài chợ cao hơn khoảng 10-15%. Sức mua thấp nên hằng tháng doanh nghiệp đều bù lỗ, có tháng lỗ hàng chục triệu đồng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình”.

Ngoài Công ty QNASAFE, tại địa bàn thôn 6, xã Nghĩa Dũng cũng đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, với quy mô hơn 10ha. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại xứ đồng nơi đây đã chứng kiến cảnh người dân dùng thuốc diệt cỏ để phun trên thửa ruộng để đỡ chi phí nhân công làm cỏ trước khi sản xuất. Bà Nguyễn Thị Lên, hộ dân tham gia mô hình rau sạch lý giải: “Làm rau mà không phun thuốc thì khó mà có ăn, không rau nào không phun nhưng sau khi phun thuốc 5-10 ngày sau mới thu hoạch để bán”. Qua đây cho thấy, để có được vùng sản xuất rau sạch, đảm bảo an toàn đang là bài toán khó.

Khó quản lý?

  Việc sản xuất rau-củ-quả của nông dân hiện nay hầu hết không theo quy trình khoa học. Bên cạnh ý thức của người trồng rau còn hạn chế, nhiều người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến vấn đề VSATTP. Nhiều người tiêu dùng thường “tiện đâu mua đấy”, nhất là chọn mua thực phẩm ở những chợ cóc tiện hơn là đi mua hàng ở siêu thị, hay các điểm rau an toàn. Rất nhiều người lựa chọn thực phẩm tại chợ bởi tính tiện lợi cũng như đáp ứng được nhu cầu mua bán đơn giản hằng ngày. Chính vì vậy, thực phẩm “bẩn” dễ dàng “lọt” vào giỏ xách của các bà nội trợ.

 Cửa hàng rau sạch của QNASAFE “vắng” người mua.
Cửa hàng rau sạch của QNASAFE “vắng” người mua.


Điều đáng nói là nguồn nguyên liệu chính phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về VSATTP. Phần lớn người dân sử dụng nguồn rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan chức năng  kiểm soát chặt hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích, hóa chất bảo quản độc hại. Việc sử dụng chất tăng trọng, tăng trưởng trong chăn nuôi; giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề VSATTP tại các chợ hiện nay còn bỏ ngỏ, chưa có sự phân công, phối hợp giữa các ban, ngành chức năng trong việc quy định điều kiện VSATTP.

 Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tỉnh đã tăng cường quản lý các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, nhưng vẫn chưa đủ “lực” để kiểm soát chặt chẽ, bởi lực lượng còn “mỏng”. Hiện Chi cục quản lý hơn 900 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản có giấy phép kinh doanh. Còn hàng nghìn cơ sở quy mô nhỏ lẻ chưa đăng ký kinh doanh. Công tác quản lý vẫn còn buông lỏng dẫn đến khó kiểm soát thực phẩm không đảm bảo an toàn.   Ngoài ra, quy định giữa các ngành được phân công quản lý VSATTP còn chồng chéo, dẫn đến bỏ sót trong quản lý. Một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện và hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý VSATTP.

Để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành có liên quan như y tế, công thương, công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.   

*Ông Nguyễn Văn Oai-Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh.
Để từng bước quản lý ATTP trên địa bàn, thực hiện đúng lộ trình Chiến lược đảm bảo ATTP giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030 mà UBND tỉnh đã phê duyệt, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng cần có sự phân công, phối hợp chặt chẽ để quản lý ATTP phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tỉnh cần có cơ chế xây dựng vùng rau, củ, quả và nuôi trồng, giết mổ an toàn và đầu tư nguồn nhân lực, vật lực cho mạng lưới làm công tác quản lý ATTP. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn và tập huấn kiến thức thường xuyên cho người sản xuất; thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm để cảnh báo đến người tiêu dùng...

*Ông Võ Văn Kỷ-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản.
Thời gian qua, đơn vị chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở là chủ yếu, chưa có thanh tra xử phạt nên chưa đủ sức răn đe. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh không hợp tác trong quá trình kiểm tra, gây khó khăn cho đơn vị. Nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận mà không tuân thủ quy định  đảm bảo ATTP.  Trang thiết bị phục vụ kiểm tra, lấy mẫu chưa được đầu tư, kinh phí, con người để thực thi nhiệm vụ còn thiếu, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở để hạn chế những thực phẩm bẩn, kém an toàn tiêu thụ trên thị trường.

*Bà Nguyễn Thị Hoa Tiên-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart tại Quảng Ngãi
Vấn đề VSATTP luôn được Co.opMart quan tâm trong suốt quá trình kinh doanh. Đối với mặt hàng rau, củ, quả, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp tại Đà Lạt sản xuất theo quy trình an toàn VietGap. Các thực phẩm thịt, trứng, chúng tôi lấy từ các chủ cơ sở tại Quảng Ngãi đều được kiểm dịch của cơ quan thú y, chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

*Bà Nguyễn Thị Điệu (76 tuổi, ở phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi
Tôi rất lo lắng mỗi khi mua thực phẩm vì nhiều loại rau, củ, quả không rõ xuất xứ, dùng chất bảo quản cả tháng không hư, dùng hóa chất ép chín được bày bán tràn lan, thiếu kiểm soát. Tôi đã tự làm rau sạch tại nhà để con cháu sử dụng, hạn chế mua phải rau nhiễm thuốc hóa học. Về lâu dài, mong sao cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thực phẩm mất an toàn trên thị trường để người tiêu dùng an tâm hơn.

 


             Bài, ảnh:  KIM NGÂN  

 


.