Phòng, chống tham nhũng: Đâu là giải pháp hữu hiệu?

10:03, 23/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực. Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng… gây bức xúc trong dư luận. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đề ra nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt nhằm tuyên chiến với vấn nạn tham nhũng, lãng phí.

Còn nhiều “cái khó”

Trong giai đoạn 2013 - 2014, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh đã phát hiện 3 vụ tham nhũng, với 5 người vi phạm. Trong khi đó, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đã xử lý 113 đảng viên và 3 tổ chức đảng có hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng. Riêng công tác thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành đã phát hiện 7 vụ việc có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 4 vụ đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra, 2 vụ sau kết luận thanh tra đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết và xử lý hành chính 1 vụ. Ngoài ra, từ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính, đã phát hiện 4 vụ việc có liên quan đến hành vi tham nhũng. Các cơ quan điều tra trong tỉnh thụ lý 9 vụ, với 21 bị can và 1 đối tượng (chưa khởi tố bị can).

Tỉnh ủy tuyên dương các cá nhân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2014.
Tỉnh ủy tuyên dương các cá nhân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2014.


Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, việc công khai có nơi, có lúc chưa nghiêm, nhất là việc công khai quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vẫn còn là khâu yếu; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức chưa thực sự tuân thủ. Việc huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả chưa cao; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn hạn chế.

Đại tá Võ Đức Nguyện - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Công tác PCTN trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa theo kịp với diễn biến tình hình tham nhũng xảy ra. Các vụ án kinh tế, lợi dụng chức vụ thường rất phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực. Hệ thống pháp luật chuyên ngành còn nhiều sơ hở. Số vụ tham nhũng do cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện chuyển Cơ quan CSĐT trong những năm gần đây rất ít. Nguyên nhân, theo đại tá Võ Đức Nguyện là do công tác đấu tranh PCTN của nhiều tổ chức, các cấp, ngành chưa được quan tâm đúng mức, một số trường hợp có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa xử lý nghiêm. Còn tình trạng người tố cáo tham nhũng sợ bị trù dập, bị liên đới trách nhiệm hoặc chưa tin tưởng vào cơ quan chức năng nên chưa dám mạnh dạn tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt, sự phối hợp giữa cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra với Cơ quan CSĐT các cấp trong công tác PCTN chưa tốt.

Tuyên chiến với tham nhũng

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, công tác PCTN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình tham nhũng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi tỉnh ta phải tập trung đẩy mạnh toàn diện các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN. Trong Hội nghị tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2014 được Tỉnh ủy tổ chức cuối tháng 11.2014, Thường trực Tỉnh ủy đã nêu quyết tâm chính trị tuyên chiến với tham nhũng bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Tại hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh cho rằng: Công tác đấu tranh PCTN cần phải được thực hiện ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngay trong chính bản thân mỗi người. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục trong công tác PCTN, coi đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác PCTN.

 Đối thoại là kênh quan trọng để phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương.
Đối thoại là kênh quan trọng để phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương.


Nhằm tạo đột phá trong công tác PCTN, Tỉnh ủy đã có quy định mua tin phục vụ công tác PCTN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi phát hiện vụ việc tham nhũng hoặc dấu hiệu tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể thông báo và cung cấp tài liệu, chứng cứ có giá trị liên quan đến hành vi tham nhũng trực tiếp cho Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Hình thức cung cấp có thể bằng lời nói, văn bản, giấy tờ, file ghi âm, ghi hình… thông qua đường bưu điện, hộp thư điện tử hoặc số điện thoại đường dây nóng (055.3821237 hoặc 0913428304). Tùy theo tính chất tin, tính chất vụ việc và chất lượng của thông tin, tài liệu, Ban Nội chính Tỉnh ủy có thể quyết định mức chi mua tin tham nhũng từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Việc chi tiền mua thông tin nhằm khuyến khích người dân tố giác tham nhũng. Những tin được người dân báo và Ban Nội chính Tỉnh ủy trả tiền là những tin, tài liệu đảm bảo tính chính xác, tin cậy và có giá trị cao. Nguồn kinh phí để chi mua tin, tài liệu PCTN được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc này thể hiện sự quyết tâm của bộ máy chính trị ở Quảng Ngãi đối với vấn nạn tham nhũng.

Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phạm Đức Duệ, PCTN là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên, liên tục. Để góp phần đẩy mạnh công tác PCTN và mang lại hiệu quả thiết thực, cùng với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của toàn xã hội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục cụ thể hóa các nội dung và thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp. Đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin, làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa công dân, doanh nghiệp và công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp đến phải nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về chính sách, quy hoạch, chính sách an sinh xã hội… Hơn nữa là tăng cường dân chủ ở cơ sở, thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

*Đồng chí Võ Thái Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Trong nhiều giải pháp PCTN, thì vừa qua Tỉnh ủy có ban hành quy định mua tin phản ánh về các dấu hiệu tham nhũng. Đây là chủ trương đúng, thể hiện sự cầu thị, mong muốn có được nhiều nguồn thông tin từ các tầng lớp cán bộ, nhân dân phản ánh tình trạng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, đường dây nóng của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nhận được rất nhiều nguồn tin phản ánh của người dân. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn tin của người dân không phản ánh đúng trọng tâm, nhiều thông tin thiếu độ tin cậy. Thực tế là người dân còn e ngại, chưa tin tưởng vào sự an toàn của mình khi cung cấp thông tin PCTN. Chúng tôi khẳng định rằng, các nguồn tin người dân phản ánh đều được bảo mật và tuyệt đối không tiết lộ danh tính. Mặc dù chỉ trong thời ngắn triển khai quy chế mua tin, nhưng người dân đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của mình đến vấn đề PCTN là tín hiệu tích cực để chúng tôi tham mưu cho Tỉnh ủy và tuyên truyền cho người dân tích cực đấu tranh PCTN hiệu quả hơn.
 
*Ông Đặng Ngọc Thắng- Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Mộ Đức
Thời gian gần đây, hầu hết đơn, thư phản ánh của người dân và ý kiến tại các buổi tiếp xúc đối thoại đều liên quan đến bồi thường đất đai, thái độ phục vụ của cán bộ lãnh đạo ở cơ sở, chưa có phản ánh về tham nhũng. Với các nguồn tin đáng tin cậy, chúng tôi đều tổ chức các đoàn kiểm tra để xác minh và tham mưu xử lý sớm nên nhận được sự đồng tình của người dân. Việc xử lý nhanh các vấn đề nhân dân phản ánh sẽ góp phần tạo niềm tin để nhân dân mạnh dạn tố cáo những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên.

*Ông Tạ Công Hiền- Cán bộ hưu trí, Nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi
Chủ trương của Tỉnh uỷ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN thì cốt lõi là phải có cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị một cách công tâm, khách quan. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự trung thực, nói đi đôi với làm. Trước hết là trung thực với chính bản thân họ, trung thực với cơ quan, đồng chí, cấp dưới. Mặt khác, gần đây, có tình trạng lợi dụng chủ trương PCTN để bôi xấu cán bộ lãnh đạo, làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên. Do vậy, PCTN cũng phải khách quan, không “du di” với những sai phạm, thẳng thắn góp ý xây dựng lẫn nhau, vì lợi ích chính đáng của tập thể.

*Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm – Nguyên Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Ngãi
Các cơ quan báo chí của tỉnh và báo Trung ương đóng trên địa bàn Quảng Ngãi đã thực hiện được vai trò tuyên truyền về PCTN. Đã có một số trường hợp sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PCTN vẫn chưa cao. Nguyên nhân một phần là do sự phối hợp gữa các cơ quan chức năng liên quan đến PCTN và các cơ quan báo chí trên địa bàn chưa được chặt chẽ. Các cơ quan liên quan chưa kịp thời, hoặc e ngại cung cấp đến báo chí các thông tin liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, khiến công tác tuyên truyền về PCTN không được thuận lợi, tác dụng tuyên truyền bị hạn chế. Tôi cũng cho rằng, mọi người nên mạnh dạn cung cấp cho báo chí khi phát hiện có dấu hiệu.


   Bài, ảnh: N.TRIỀU – X.THIÊN

 


.