Nói không với nạn nài ép mua sách ở cơ quan

02:10, 14/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, tình trạng một số đối tượng liên tục đến các cơ quan trong tỉnh để rao bán các loại sách lại rộ lên đáng lo ngại.

Văn phòng cơ quan chúng tôi hằng ngày đón nhiều lượt khách lạ, xưng là người của Nhà xuất bản A-B-C… nào đó đến để nài ép mua sách. Mới đây, một nhóm người đến thẳng phòng lãnh đạo trưng ra nhiều công văn của các tỉnh khác giới thiệu đi bán sách, để “đề nghị” lãnh đạo cơ quan tôi cũng ký vào một văn bản soạn sẵn, giới thiệu người của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin đi bán sách ở các địa phương. Tất nhiên, sau khi lãnh đạo cơ quan mời các bộ phận tham mưu lên trao đổi, biết chắc không ổn, các đối tượng này bỏ đi, để lại cuốn sách nói về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, giá gần 400.000 đồng “để các anh xem giới thiệu cho mọi người”, hẹn quay lại sau.

Chúng tôi mở sách ra, trong lời nói đầu, Nhà xuất bản viết: “do chưa có điều kiện liên hệ trực tiếp để xin phép sử dụng với các tác giả có bài viết được in trong tập sách này, chúng tôi rất mong các tác giả lượng thứ và vui lòng chấp thuận”(!). Cuối sách ghi “giấy đăng ký kế hoạch xuất bản của Cục xuất bản, của NXB Văn hóa- Thông tin”, không thấy ghi giấy phép xuất bản của cơ quan thẩm quyền. Chẳng biết có phải sách của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin hay không, nội dung có vấn đề gì không, thế mà các đối tượng này mang cả khối sách đến bán ở các cơ quan nhà nước.

Một chiêu trò còn quái hơn là bán sách “từ xa”. Tuần qua, anh Chánh văn phòng cơ quan tôi khổ sở vì nhận được điện thoại từ số máy lạ gọi nhiều lần để... đòi tiền. Vì hôm nọ, có gói bưu phẩm gửi đến cơ quan, mở ra thấy 2 cuốn sách: “Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam” và “Nghiệp vụ công tác Đảng”, kèm theo giấy đề nghị thanh toán ghi tên Nhà sách Pháp luật Kinh tế Tài chính, ở Hà Nội, không có đóng dấu, không ghi ngày tháng, kèm theo hóa đơn đỏ gần 700.000 đồng. Cơ quan không đặt mua, nên lại phải tốn công gửi bưu điện trả lại…

Năm trước, có đồng chí lãnh đạo xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), điện đến báo có người xưng tên là H. ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đi xuống xã bán sách. Hóa ra lại là đối tượng mạo danh lừa bán sách ở UBND các xã. Rõ ràng, hiện nay, nạn bán sách có tính chất lừa đảo diễn ra khá nhiều, nếu không cảnh giác thì các cơ quan đơn vị sẽ bị mắc lừa mua phải sách “dỏm”.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong tình hình mới, qua đó, đã đề nghị các địa phương, đơn vị, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách. Vì vậy, khi gặp những đối tượng  bán sách kiểu này, các đơn vị nên báo cho các cơ quan chức năng đến làm việc cụ thể và xử lý theo quy định. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, khi có nhu cầu nghiên cứu, tham khảo sách về lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, nên liên hệ với Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp và Trung tâm phát hành sách - NXB Chính trị Quốc gia tại Quảng Ngãi, sẽ được tư vấn, cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết.  

TRỊNH CÔNG NHẬN
 


.