Ứng phó với bão lũ: Còn đó những bất cập

08:09, 06/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) đã được các cấp, ngành xây dựng cụ thể, chi tiết ngay từ đầu mùa mưa nhưng khi triển khai thực hiện, những thiếu sót, tồn tại vẫn cứ xảy ra.

Trang thiết bị, vật dụng hỗ trợ công tác PCLB đã thiếu, mà người điều khiển cũng yếu cả kỹ thuật lẫn kỹ năng sử dụng; thông tin liên lạc bị vô hiệu, tắc nghẽn trong khi điện thì vẫn... sáng dù lũ lớn đã tràn về. Đã thế, việc dự trữ lương thực, thực phẩm trong cộng đồng ở các địa phương cũng bộc lộ nhiều thiếu sót.

Thiết bị, thông tin: Đã thiếu lại yếu

Vốn là tỉnh nằm trong diện “sống chung với bão lũ” nhưng lâu nay, trợ sức cho công tác PCLB ở các địa phương cơ sở chỉ là một lượng rất khiêm tốn ghe máy, áo phao, máy Icom cộng đồng, nhà bạt... Ngay như áo phao, nhiều lãnh đạo xã than rằng “nó thậm chí còn không đủ cho BCH PCLB&TKCN dùng”, còn máy Icom thì thường “dở chứng” mất hoặc nhiễu sóng khi gặp mưa to gió lớn. Đặc biệt là ghe máy, phương tiện được xem là “cứu tinh” của người dân vùng lũ nhưng hiện giờ, cố lắm và ưu tiên lắm mỗi thôn cũng chỉ được... một cái!

 

Ghe máy-phương tiện PCLB còn thiếu nên khi gặp sự cố, các địa phương thường huy động trong dân.
Ghe máy-phương tiện PCLB còn thiếu nên khi gặp sự cố, các địa phương thường huy động trong dân.


Ghe ít đã đành, mà lắm khi các thành viên trong đội xung kích thôn cũng không rành  kỹ thuật điều khiển, sử dụng cũng như thao tác cứu hộ cứu nạn. Thế mới có chuyện ghe máy của thôn chưa kịp làm nhiệm vụ đã bị mắc kẹt trong mạng nhện... dây điện, bụi tre hoặc lật nhào khi đưa người và tài sản lên ghe. Lý giải tình trạng này, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Mai Duy Tuấn cho rằng: “Đó là do đội xung kích ít được tập huấn kỹ năng bơi, kỹ thuật sử dụng ghe máy”.

Bởi theo ông Tuấn, ghe máy dễ sử dụng nhưng trong điều kiện nước lũ chảy xiết, địa hình thôn xóm nhỏ hẹp lại chằng chịt dây điện, cây cối, nhà cửa thì nó lại rất “khó tính”. Vì nếu tay lái kém, kinh nghiệm thực tế ít thì ngay đến cách giữ cho ghe thăng bằng, hay cách đưa người lên ghe sao cho nhanh, an toàn cũng khó, huống gì tham gia ứng cứu. Biết thế nhưng đến thời điểm này, huyện Nghĩa Hành vẫn chưa tổ chức tập huấn cho đội ghe máy tuyến cơ sở. Nguyên nhân theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng là: “Chúng tôi đã đề nghị công an huyện hỗ trợ nhưng họ bảo việc này phải nhờ công an tỉnh... giúp”. Và trong khi chờ đợi sự giúp đỡ ấy, một số địa phương ven sông Vệ  có đội đua thuyền như Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây cho biết, họ sẽ trích kinh phí từ ngân sách tổ chức cho các đội này... tự luyện với nhau!

Trái với sự thiếu thốn về phương tiện, thiết bị PCLB thì ngay từ đầu mùa mưa, hệ thống thông tin liên lạc đã được các nhà mạng trang bị đầy đủ bình ắc quy, máy nổ, máy phát điện... ngay mỗi trạm/cột BTS. Thế nhưng tại các điểm lũ lớn trong trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 11.2013, hệ thống thông tin của mạng Mobiphone, Vinaphone bị tê liệt hoàn toàn, còn Viettel cũng chập chờn lúc được lúc mất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp. Lý giải thực trạng này, Phó Giám đốc VNPT Quảng Ngãi Dương Bình cho rằng: “Nguyên nhân là do nước lũ dâng nhanh, bất ngờ. Các trạm/cột BTS vì thế cũng bị ngập sâu, chia cắt nên lực lượng kỹ thuật cũng không thể dùng máy nổ, máy phát điện để “cứu” mạng (thông tin)!”.

Phương án PCLB: Vẫn còn thiếu sót

Trong phương án PCLB của các địa phương, đơn vị luôn có phương châm “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, hậu cần và phương tiện tại chỗ). Tuy nhiên, để phát huy triệt để tính năng của “4 tại chỗ” thì theo Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thanh Lạc “rất cần phương án ứng phó cụ thể, chi tiết cho từng cấp độ bão, lũ. Đặc biệt là vùng biển dâng do triều cường hay khu vực dễ bị sạt lở như ven sông, suối, núi, biển”.

Dù được các nhà mạng quan tâm sửa chữa ngay từ đầu mùa mưa nhưng hệ thống thông tin liên lạc trong trận lũ 2013 vẫn có những trục trặc đáng tiếc.                                                                                                                  (Ảnh minh họa)
Dù được các nhà mạng quan tâm sửa chữa ngay từ đầu mùa mưa nhưng hệ thống thông tin liên lạc trong trận lũ 2013 vẫn có những trục trặc đáng tiếc. (Ảnh minh họa)


 Thế nhưng, khi kiểm tra công tác triển khai PCLB năm 2014 ở các địa phương, ông Lạc phát hiện hạng mục này đều… thiếu trong phương án PCLB dù sau đợt lũ năm 2013, vấn đề này được xem là tồn tại lớn nhất của việc ứng phó! Đó là chưa kể phương án PCLB và phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương mang tính chung chung, chỉ có quyết định kiện toàn BCH PLCB&TKCN và báo cáo tổng kết đánh giá mà chưa đi sâu vào việc mổ xẻ, phân tích các biện pháp ứng phó với từng trường hợp cụ thể.

Bởi theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Lạc, phương án PCLB càng sát với thực tế điều kiện địa hình từng vùng và cường độ bão lũ thì việc tổ chức ứng phó sẽ càng dễ dàng, nhanh chóng; thiệt hại vì thế cũng sẽ giảm đáng kể. Có điều “chẳng biết vì chủ quan, hay do chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của sự chi tiết này mà hầu như các địa phương đều… quên xây dựng! Đến khi xảy ra sự cố thì lúng túng trong xử lý, rồi đổ lỗi do bão mạnh lũ đến nhanh”, ông Lạc cho hay.  

Thiết nghĩ, thiên tai bão lũ rất khó lường. Do đó, việc xây dựng các phương án, biện pháp ứng phó cũng phải phù hợp với diễn biến, điều kiện tình hình thực tế và phát huy hiệu quả khi xảy ra sự cố nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại; chứ không phải làm theo kiểu rập khuôn, lấy có.

*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: “Thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục những tồn tại để công tác PCLB ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”. Năm 2013, công tác PCLB có 5 tồn tại. Đó là việc xây dựng phương án theo phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi chưa cụ thể nên lúng túng trong xử lý, nhất là việc xác định số lượng, vị trí và địa điểm di dời dân; chuẩn bị hậu cần tại chỗ chưa đầy đủ; lơ là việc cảnh báo sau lũ khiến thiệt hại về người tăng sau khi nước lũ rút; một số địa phương báo cáo thiệt hại không kịp thời, thiếu chính xác khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn; tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ ở nhiều nơi chưa kịp thời, hỗ trợ không đúng đối tượng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó trong năm 2014, các địa phương, đơn vị phải nghiêm túc xây dựng phương án PCLB&TKCN một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện và tình hình của từng địa phương, đơn vị.

*Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại bão lụt chưa sát thực tế”. Tư Nghĩa được xem là “vựa” ươm trồng hoa Tết của cả tỉnh với hàng nghìn hộ dân tham gia. Tuy nhiên, trong trận lũ năm 2013, Tư Nghĩa có đến trên 300 nghìn chậu hoa các loại bị hư hỏng (tương ứng hơn 300 hộ), thiệt hại nhiều tỷ đồng nhưng người trồng hoa lại nằm ngoài danh sách đối tượng được hỗ trợ theo QĐ 191 khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, những hộ nuôi tôm dù đã được địa phương xác nhận (thời gian, địa điểm, mức độ thiệt hại) và đề nghị hỗ trợ theo dạng cá biệt của QĐ 191 nhưng đã gần một năm trôi qua, đối tượng này cũng chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, khiến người dân bức xúc, cho rằng có sự thiên vị giữa các ngành nghề.   

*Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) Đào Thanh Công: “Chúng tôi nhiều lần kiến nghị Nhà nước xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng cho các vùng dễ bị ngập lụt như Hành Tín Đông nhưng đến giờ vẫn bặt vô âm tín”. Qua trận lũ năm 2013, dù địa phương may mắn không có thiệt hại về người nhưng với những quy luật tự nhiên bị phá vỡ (về thời gian, số lượng và cường độ tàn phá của bão lụt), chúng tôi nhận ra Hành Tín Đông còn quá nhiều hiểm nguy cần cấp trên “giải cứu” gấp. Đó là số lượng nhà dân ở vùng trũng, dễ sạt lở như ven sông Vệ, dưới chân núi Đá Chát; nhiều địa bàn rộng, chia cắt sâu nhưng phương tiện cứu hộ cứu nạn thiếu thốn. Do đó, để thuận lợi cho việc cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân, chúng tôi khẩn thiết đề nghị cấp trên sớm nghiên cứu xây dựng các nhà tránh lũ cộng đồng.  

*Ông Nguyễn Minh, thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng (Mộ Đức): “Thông tin dự báo bão lụt cần phải chính xác”. Dù biết thiên tai bão lũ là khôn lường nhưng nhiều khi, tôi thấy mỗi đài, mỗi báo dự báo một kiểu khiến người dân chúng tôi rối tung cả lên; rồi loay hoay, lưỡng lự không biết nên làm thế nào, có nên tránh hay không? Lắm lúc thấy chính quyền bảo chúng tôi gói ghém đồ đạc, lục đục kéo nhau đi trốn bão tránh lụt nhưng đến khi ra khỏi nhà thì… trời lại nắng! Nếu cứ nhiều lần như thế, người dân rất dễ mất lòng tin, rồi sinh ra chủ quan. Đến khi có bão lũ tràn về thật thì lại trở tay không kịp.        

 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.