Hỗ trợ làm nhà ở cho người có công: Mỏi mòn chờ kinh phí

08:09, 15/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà ở đã xây dựng hoàn thành vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, thậm chí nhiều gia đình đang ở trong căn nhà cũ nát, xập xệ nhưng vẫn chưa được triển khai xây mới.   

TIN LIÊN QUAN

Nhà quá cũ nát, phải vay tiền để xây mới  

So với kế hoạch Đề án được duyệt, đến nay việc triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt được 16,20% kế hoạch (1.000/6.172 nhà) và chỉ đạt 21,51% số kinh phí cần có để thực hiện (40 tỷ đồng/185,9 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí Trung ương hỗ trợ đạt 21,62% (40 tỷ đồng/185,04 tỷ đồng); kinh phí ngân sách tỉnh 0,22% (8 tỷ đồng/37,08 tỷ đồng).
 
Mặc dù có tên trong danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm 2013 nhưng nhiều hộ gia đình người có công với cách mạng đã phải vay mượn tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ông Nguyễn Văn Đoàn (82 tuổi), ở tổ 4, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cho biết, gia đình ông thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở trong năm 2013. Cán bộ ở phường đã tới xác minh, đánh giá hiện trạng nhà ở của gia đình ông. Theo đó, gia đình ông được đưa vào danh sách nhận hỗ trợ 40 triệu đồng. Tuy nhiên, chờ đợi mãi ông Đoàn vẫn không được nhận tiền hỗ trợ trong khi nhà ở có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Ông Đoàn thở dài: “Năm ngoái, nghe được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quyết định 22 tôi rất mừng. Do nhà dột nát quá, đợi mãi không thấy tiền hỗ trợ nên tôi phải vay mượn cộng với con cái góp thêm để xây nhà mới. Mãi đến nay vẫn chưa nhận được số tiền…”.
 
Ông Đoàn là thương binh 4/4, con cái đều đã ra ở riêng, hiện nhà chỉ có hai vợ chồng ông. Sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng ông Đoàn đều dựa vào chút tiền lương và tiền thương binh ít ỏi. Vay tiền làm nhà nên giờ hằng tháng vợ chồng ông Đoàn phải trả nợ lãi. Nhiều lần, gia đình ông lên phường hỏi về khoản tiền được Nhà nước hỗ trợ nhưng nhận được câu trả lời: “Do gia đình xây dựng nhà trước khi có kinh phí phân bổ nên phải xem xét lại”. “Cuộc sống của vợ chồng tôi quá eo hẹp, nên mong mỏi sớm nhận được tiền hỗ trợ để trả nợ ngân hàng”, ông Đoàn kiến nghị.

Trong số 40 gia đình người có công trên địa bàn TP. Quảng Ngãi được hỗ trợ xây nhà ở trong kế hoạch năm 2013 thì có đến 6 hộ rơi vào tình cảnh như ông Đoàn. Vì điều kiện nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, lại nghĩ mình sẽ được nhận tiền hỗ trợ trong nay mai nên họ đã vay mượn để xây dựng trước khi kinh phí phân bổ. Vào ở nhà mới cả năm nay, các khoản nợ vay đến hạn trả lãi nhưng đợi mãi tiền hỗ trợ chẳng thấy đâu.

Không chỉ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, ở các huyện khác cũng có nhiều trường hợp như trên. Tuy vậy, có huyện đã linh động giải quyết. Điển hình như trường hợp ông Huỳnh Thuế (87 tuổi), ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông (Bình Sơn). Ông Thuế là cha liệt sĩ, hiện đang sống một mình. Năm 2013 ông cũng được đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở. Nhưng chưa kịp nhận tiền, căn nhà của ông đã đổ sập trong cơn bão số 9. Thấy ông sống neo đơn, giờ lại không có nhà nên chính quyền xã Bình Đông đã quyết định “mượn tạm” kinh phí của xã để xây cho ông một căn nhà mới. Đến đầu năm 2014, huyện Bình Sơn được phân bổ kinh phí từ Quyết định 22, xét thấy trường hợp của ông Thuế vẫn phù hợp với điều kiện hỗ trợ, nên huyện Bình Sơn đã hoàn tất thủ tục và thanh toán tiền hỗ trợ cho ông Thuế từ nguồn này.

Bao giờ được xây dựng nhà mới?  

Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều gia đình người có công với cách mạng ở trong những ngôi nhà xuống cấp, dột nát. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chỉ biết trông chờ vào nguồn tiền hỗ trợ từ Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng nhà mới.  

 

Vợ chồng ông Nguyễn An mong sớm nhận tiền hỗ trợ để xây dựng nhà mới.
Vợ chồng ông Nguyễn An mong sớm nhận tiền hỗ trợ để xây dựng nhà mới.

 Hai vợ chồng ông bà Nguyễn An và Huỳnh Thị Thử đều đã 83 tuổi, ở thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) hiện sống trong căn nhà được xây dựng từ năm 1964. Bà Thử bộc bạch: “Nhà tôi sửa chữa 4 lần rồi nhưng vì không có tiền, làm theo kiểu chắp vá nên chẳng đâu vào đâu. Giờ đã  mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Mùa mưa này nếu không xây nhà mới là phải đi ở nhờ…”. Trước đây, ông Nguyễn An hoạt động cách mạng tại địa phương, bị địch bắt tù đày. Ông bà có một người con là liệt sĩ. Hằng ngày ông An phải chịu đựng những cơn đau do ngày trước bị địch tra tấn dã man. Bà Thử lại bị bệnh thấp khớp nặng, đi lại khó khăn. Ông bà đều không còn khả năng lao động. Mơ ước lớn nhất của ông An, bà Thử là được ở trong căn nhà mới đàng hoàng hơn.

Bình Sơn là huyện có số lượng gia đình người có công cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa lớn nhất tỉnh. Trong danh sách 1.093 nhà thì kế hoạch năm 2013 chỉ có 132 nhà được hỗ trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có vỏn vẹn 65 nhà được nhận kinh phí hỗ trợ xây mới, chưa đạt 50% kế hoạch của năm 2013. Tiếp đến, kế hoạch năm 2014 huyện Bình Sơn còn gần 1.000 nhà phải hỗ trợ, song các hộ gia đình người có công vẫn trong tình cảnh “dài cổ” đợi kinh phí.
 
Ông Đinh Xuân Sâm – Phó Giám đốc Sở LĐ -TB&XH:
Theo báo cáo khảo sát và báo cáo với Quốc hội năm 2012 tỉnh ta chỉ có 2.604 nhà của người có công cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa. Tuy nhiên, khi Quyết định 22 ra đời, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, tỉnh đã tổ chức rà soát lại thì số lượng nhà tăng thêm 3.568 nhà. Trước đây, nguồn kinh phí để xây dựng nhà ở cho người có công là từ nguồn xã hội hóa (Quỹ Đền ơn đáp nghĩa), nhưng hiện nay theo Quyết định 22, nguồn kinh phí này là của Nhà nước hoàn toàn. Nhưng đến nay, kinh phí Trung ương hỗ trợ cho những hộ thuộc danh sách năm 2013 vẫn chưa hoàn tất. Rất nhiều hộ mong chờ nguồn hỗ trợ này. Trách nhiệm của tỉnh, của ngành là tiếp tục kiến nghị với Trung ương sớm hỗ trợ nguồn kinh phí này cho địa phương để tiếp tục thực hiện những ngôi nhà còn lại trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Đức Hiệp – Phó Giám đốc Sở Xây Dựng:
Đối với các hộ gia đình có tên trong Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng nhà ở mới, trong khi chờ kinh phí hỗ trợ do nhà bị hư hỏng quá nặng không đảm bảo an toàn khi sử dụng nên đã phá dỡ xây dựng nhà ở mới (khi phá dỡ có báo cáo và được sự đồng ý của UBND cấp xã) thì UBND xã phải có biên bản nghiệm thu theo quy định để được hỗ trợ sau khi kinh phí được cấp. Do nguồn kinh phí trung ương phân bổ mới chỉ đạt 50% kế hoạch xây dựng nhà của năm 2013 nên hiện nay toàn tỉnh chỉ có 1.000 hộ được ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà ở mới. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các huyện thực hiện hoàn thành 1.000 nhà và tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí cho tỉnh.

Ông Hồ Ngọc Phùng – Trưởng Phòng LĐ – TB&XH huyện Bình Sơn:
Trước mắt, để giải quyết một số trường hợp người có công có nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng nặng, không thể sử dụng, huyện đã có chỉ đạo đến các xã cho các gia đình ứng nguồn kinh phí của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã hoặc của huyện để hỗ trợ xây dựng trước. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình làm đơn xin phép được xây dựng nhà trước, khi nào có kinh phí phân bổ theo Quyết định 22 thì thanh quyết toán lại sau. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ tạm thời vì nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa có hạn.

Ông Phan Văn Đạo – chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH TP. Quảng Ngãi:
Có rất nhiều trường hợp người có công gửi đơn hoặc trực tiếp đến hỏi về việc hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, nhiều gia đình có nhà ở đã xuống cấp mà không có tiền để xây dựng hay sửa chữa. Hy vọng trong thời gian tới, Trung ương nhanh chóng phân bổ kinh phí để những người có công sớm nhận được tiền hỗ trợ để xây dựng nhà ở.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 

.