Đầu tư hạ tầng TP.Quảng Ngãi mở rộng: Loay hoay với vốn

06:07, 26/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi mở rộng hiện nay số xã lớn hơn phường, hạ tầng được đầu tư chưa đồng bộ. Thế nên nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đô thị trung tâm của tỉnh đòi hỏi một nguồn vốn lớn. Đây là bài toán khó, trong khi mục tiêu lên đô thị loại II  đã cận kề.

TThực hiện Nghị quyết phát triển đô thị, trong 3 năm qua, TP.Quảng Ngãi đã được tỉnh ưu tiên, quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình phát triển cơ sở hạ tầng. Thậm chí, năm 2014, hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi là 1 trong 4 công trình được HĐND tỉnh xác định là công trình trọng điểm của tỉnh, với nhiều dự án giao thông, cấp thoát nước được đầu tư. Nhờ đó, đến nay, thành phố này đã đạt được 35/49 tiêu chí của đô thị loại II, tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 123/NQ-CP của Chính phủ, nhu cầu vốn để đầu tư kết nối đồng bộ hạ tầng của TP.Quảng Ngãi đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Nhu cầu vốn lớn

Sau khi mở rộng theo Nghị quyết 123, UBND thành phố đã rà soát danh mục chuẩn bị đầu tư năm 2014. Trên cơ sở thống nhất của Thường trực HĐND, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã phê duyệt danh mục dự án chuẩn bị đầu tư năm 2014, gồm 264 danh mục dự án, công trình, với tổng mức đầu tư trên 1.528 tỷ đồng, trong đó đầu tư các dự án khai thác từ quỹ đất hơn 794 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn, nếu biết rằng trong năm 2014, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước của thành phố chưa tới 340 tỷ đồng (6 tháng đầu năm giải ngân hơn 135 tỷ đồng, mới đạt gần 40% kế hoạch vốn).

Đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư Ba La) có tổng mức đầu tư trên 121 tỷ đồng chưa triển khai thực hiện do chưa được bố trí vốn.
Đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư Ba La) có tổng mức đầu tư trên 121 tỷ đồng chưa triển khai thực hiện do chưa được bố trí vốn.


Để có nguồn vốn phát triển hạ tầng, thành phố đã tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư. Qua đó, đến nay đã phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật 22/264 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ đồng. Các dự án còn lại chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ dự án để trình thẩm định, phê duyệt đảm bảo hoàn thành trước 31.10.2014. Nhưng đó là câu chuyện ở thì tương lai, còn hiện nay một số dự án lớn cũng đang gặp khó khăn về vốn.

Năm 2014, TP.Quảng Ngãi đã xác định 6 dự án trọng điểm, với 3 dự án khởi công mới và 3 dự án chuyển tiếp. Trong đó hai dự án chuyển tiếp là dự án đường Ngô Sỹ Liên (vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng) và dự án Khu dịch vụ và dân cư Bắc Gò Đá phường Lê Hồng Phong (vốn đầu tư gần 106 tỷ đồng) dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014, 3 dự án đang triển khai. Còn dự án có vốn lớn nhất trong số 6 dự án này là dự án đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư Ba La) chưa triển khai thực hiện được. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 121 tỷ đồng, hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, tuy nhiên nguồn vốn chưa được tỉnh bố trí (vốn từ quỹ đất) nên dự án này đang “đứng yên”.

Nỗ lực khơi nguồn

Nhằm đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015 (phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 90%), TP.Quảng Ngãi đã tập trung cho công tác đầu tư, hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số dự án, công trình còn chậm, nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu của kế hoạch vốn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Với các xã biển Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Nghĩa An, Nghĩa Phú mới được sáp nhập đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng dịch vụ nghề cá.
Với các xã biển Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Nghĩa An, Nghĩa Phú mới được sáp nhập đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng dịch vụ nghề cá.


Nguyên nhân của vấn đề này chính là việc bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện đề án phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, nguồn thu từ quỹ đất để đầu tư phát triển bị hạn chế nên chưa đáp ứng với nhu cầu vốn theo kế hoạch thực hiện. Trong khi đó, nguồn vốn huy động, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để phát triển đô thị cũng đạt thấp. Đó là chưa kể đến năng lực của một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư còn yếu, đặc biệt là một số chủ đầu tư là UBND các xã, phường, đơn vị không có chuyên môn nghiệp vụ nên chưa nắm được trình tự, thủ tục xây dựng, khi triển khai dự án còn lúng túng, chưa chủ động, tích cực đôn đốc nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

 Trong bối cảnh nguồn vốn huy động gặp nhiều khó khăn, TP.Quảng Ngãi hiện đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khai thác nguồn vốn từ quỹ đất (chiếm hơn 1/2 nhu cầu vốn), bằng việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố, đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư phát triển được phân bổ trong năm 2014.

Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc về tiến độ, chất lượng các dự án chuyển tiếp, khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư đối với các dự án khởi công mới để có đủ điều kiện khởi công. Hoàn thành công tác khảo sát, lập dự án đối với dự án chuẩn bị đầu tư, trong đó chú trọng đến các dự án trọng điểm. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển năm 2015. Các dự án ghi kế hoạch chuẩn bị đầu tư năm 2013 tập trung hoàn thành các thủ tục và có quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán trước 31.10.2014 đến để đưa vào kế hoạch thực hiện đầu tư năm 2015.

Trước mắt, để thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển năm 2014, UBND thành phố có kế hoạch điều chỉnh, phân bổ kế hoạch vốn. Theo đó, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa về TP.Quảng Ngãi tổng số 55 dự án, với mức đầu tư trên 76 tỷ đồng. Phân khai kế hoạch vốn theo Quyết định phân bổ nguồn vượt thu dự toán HĐND tỉnh giao năm 2013 và nguồn chưa phân bổ năm 2014 trên 73 tỷ đồng thực hiện 21 dự án.

Cùng với đó là phân khai vốn thực hiện 7 công trình cấp bách từ nguồn ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư gần 42 tỷ đồng và triển khai thực hiện dự án chợ Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư dự kiến 158 tỷ đồng (trong đó kế hoạch vốn năm 2014 là 20 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh). Đồng thời điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn năm 2014 hai dự án của Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng.

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
 

Ông Trần Đình Trường - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi: Đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương mới sáp nhập vào địa bàn TP.Quảng Ngãi, hiện UBND thành phố đang ưu tiên đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng trên 19 tuyến đường chính, với tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện Sở Tài chính chỉ mới bố trí vốn cho UBND thành phố 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đặt ra, UBND thành phố sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng 109 tuyến đường giao thông để đảm bảo hạ tầng bước đầu. Những vùng “khát” nước sạch như Tịnh Khê, Tịnh Kỳ… được ưu tiên chú trọng đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Nhiều hạng mục cần phải xây dựng, nhưng hiện tại, ngân sách của UBND thành phố chỉ mới có thể đảm bảo thực hiện được 30-40% kế hoạch đề ra.

Bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi): Do đặc thù của xã ven biển, nên hệ thống đường của xã rất nhỏ hẹp. Vì vậy, khi lên thành phố, Nghĩa An rất cần được đầu tư mở rộng đường sá cũng như lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Hiện, xã đã thực hiện xong chương trình đồng lòng thắp sáng đường quê tại 4 thôn, riêng Tân An, Phổ Thạnh vẫn chưa có điện đường. Điểm Trường Tiểu học Phổ An hiện cũng chưa được bê tông hóa sân nền… Nói chung, hệ thống hạ tầng đang trong tình trạng chờ vốn.

Bà Trịnh Thị Chờ, xã Tịnh Khê: Trở thành công dân của thành phố, điều mà tôi mong mỏi nhất là đường sá được mở rộng, trụ điện được bê tông hẳn hoi, chứ không còn dùng tre, dùng trúc làm trụ điện như trước giờ. Bởi nó vừa mất an toàn, vừa làm xấu hình ảnh của thành phố. Dù vậy, chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị và…chờ đợi.

Ông Đồng Cẩn, thôn 2, xã Nghĩa Dõng: Mang tiếng là một xã của thành phố, mà đường vào nhà tôi vẫn là đường đất. Mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì sình lầy. Lúc xây dựng tuyến đường Bờ Nam sông Trà Khúc, ngày nào các xe tải chở cát sỏi cũng đi ngang qua nhà tôi khiến bụi đất tung mù mịt. 18 hộ dân có nhà nằm trên tuyến đường này cũng chỉ mong đường được bê tông hóa để việc đi lại dễ dàng hơn mà thôi.                        
                                                                                                           Ý Thu

 


                     
 


.