Thực phẩm chức năng có phải là thần dược?

04:10, 16/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, “trào lưu” sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng nhiều trong cộng đồng. Tuy được hướng dẫn chỉ là thực phẩm hỗ trợ, nhưng nhiều người đã bỏ số tiền không nhỏ mua và sử dụng TPCN và coi đó như một loại “thần dược”… Trong khi đó, về mặt chất lượng và công dụng không phải người tiêu dùng nào cũng nắm được.

Loạn sản phẩm

Dạo quanh một vòng các hiệu thuốc trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và trung tâm thị tứ các huyện trong tỉnh, có thể nhận thấy hầu như hiệu thuốc nào cũng bày bán các loại TPCN. Những sản phẩm này thường “ưu ái” đặt ở chỗ bắt mắt, dễ thấy nhất và phong phú về chủng loại, dành cho mọi lứa tuổi. Ở trẻ em thì có TPCN hỗ trợ trẻ biếng ăn, cốm tăng chiều cao, thể lực… Với người lớn có các loại hỗ trợ giải độc gan, ngừa tăng huyết áp, đề phòng thoái hóa khớp, tai biến, tăng cường sinh lực... Trong đó, các loại TPCN được quảng cáo để làm đẹp da, giảm cân… được rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng. Theo thống kê của Phòng quản lý dược (Sở Y tế), trên địa bàn TP.Quảng Ngãi có 58 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (nhà thuốc thực hành tốt, có đủ tiêu chuẩn hoạt động) đều có khu vực bán TPCN.

 

TPCN không chỉ được bày bán tại các nhà thuốc mà còn được bán ở các tiệm bán mỹ phẩm.
TPCN không chỉ được bày bán tại các nhà thuốc mà còn được bán ở các tiệm bán mỹ phẩm.


TPCN hiện nay còn được quảng cáo, buôn bán qua nhiều hình thức, như qua mạng internet, qua các kênh truyền hình cáp hay thông qua hình thức bán hàng đa cấp... Người bán luôn “bơm” các công dụng vào sản phẩm khiến không ít người mua coi đấy là thần dược nên cứ mua về dùng như thuốc mà không cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Trên một trang facebook mua bán TPCN, một sản phẩm TPCN được quảng cáo là chiết xuất từ thiên nhiên, từ thảo dược không có thành phần hóa học có chức năng làm mờ vết tàn nhang và làm đẹp da. Sản phẩm này còn được quảng cáo là làm tăng sản xuất tế bào mới và giảm sự xuất hiện sẹo, giải độc một cách tự nhiên, chống lão hóa, làm lành các vết thương…Chỉ riêng một sản phẩm đơn giản hỗ trợ cho gan mà người bán còn “gán” thêm một loạt các công dụng khác không  ăn nhập gì với chức năng chính của sản phẩm.

Với hình  thức thực phẩm chức năng đa cấp, các đại lý lôi kéo người khác bằng nhiều lời quảng cáo “có cánh” cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp quảng bá “chất lượng” TPCN bằng hình thức người bệnh viết thư cảm ơn hoặc truyền hình giới thiệu bệnh nhân đã khoẻ mạnh nhờ dùng loại TPCN này. Tại một cửa hàng bán TPCN trên đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi), một sản phẩm TPCN chiết xuất từ nhung hươu được “quảng cáo” ngay trên bao bì là có thể chữa được bách bệnh, trong khi theo quy định, trên bao bì của TPCN đã ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

 Vì được quảng cáo với nhiều tác dụng nên TPCN cũng có rất nhiều giá từ vài trăm ngàn đển cả chục triệu đồng tuỳ theo loại và xuất xứ trong nước hay nhập khẩu.  

Người tiêu dùng "rối thông tin"

Theo các bác sĩ, TPCN là loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ, bổ sung nhiều loại vitamin có lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, do chưa thống nhất về khái niệm, tiêu chuẩn, quản lý trong sản xuất, quảng cáo…. nên đã gây ra tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về sản phẩm mình đang dùng. Cụ thể là,  việc nhận biết TPCN với các loại thực phẩm đồ uống thông thường vẫn còn chưa rõ ràng nên dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Nhiều loại TPCN được quảng cáo  như một loại “thần dược”.                                                                   Ảnh chụp từ Internet
Nhiều loại TPCN được quảng cáo như một loại “thần dược”. Ảnh chụp từ Internet


Đơn cử như sản phẩm nước Isotonic của thương hiệu nước giải khát 7UP là Revive, nhiều người tiêu dùng chỉ nghĩ rằng đó đơn thuần chỉ là một loại thức uống giải khát, nhưng thực tế nhãn hàng này đã được đăng ký là một loại thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng theo cách kết hợp nhu cầu bổ sung nước hằng ngày, vừa bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ cho cơ thể. Trong Isotonic có chứa đầy đủ thành phần nước, muối, khoáng chất và các loại vitamin B (B3, B6, B12) giống như thành phần thường bị mất đi trong cơ thể con người qua mồ hôi khi vui chơi, làm việc, học tập…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, khâu quản lý kinh doanh TPCN còn nhiều lỗ hổng, nên cơ hội để người tiêu dùng được sử dụng TPCN dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế, hoặc chuyên gia dinh dưỡng chiếm tỷ lệ chưa cao. Phần lớn người mua phải tự tìm hiểu liều dùng thông qua hướng dẫn sử dụng, hoặc thông qua lời giải thích của các nhân viên bán TPCN. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm TPCN vô hại nên không cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Với khá nhiều hình thức buôn bán TPCN như đã nêu trên, đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bởi việc tư vấn bán hàng và các mặt hàng TPCN do người bán trực tiếp liên hệ với người mua nên rất khó kiểm soát.

Không thể phủ nhận được những hiệu quả mà TPCN mang lại cho người sử dụng, nhưng chúng chỉ công hiệu khi người tiêu dùng hiểu rõ công dụng, nguồn gốc của sản phẩm và sử dụng đúng đối tượng, đúng liều lượng. Với tình trạng “loạn” sản phẩm TPCN trên thị trường hiện nay cùng với việc người tiêu dùng vẫn cả tin vào các lời quảng cáo của người bán thì việc người tiêu dùng lạm dụng TPCN như một loại “thần dược” là điều khó tránh khỏi.

*Ông Nguyễn Văn Oai – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP:
Hiện Chi cục VSATTP tỉnh chỉ kiểm soát được việc buôn bán tại các cơ sở đăng ký kinh doanh TPCN. Các loại TPCN tại các cơ sở này đều thuộc danh mục TPCN được công bố bởi Cục quản lý chất lượng VSATTP. Trước thực trạng kinh doanh TPCN đang phát triển rất nhanh với nhiều chủng loại sản phẩm được sản xuất trong và ngoài nước, Chi cục ATVSTP tỉnh đã và đang tăng cường quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại TPCN được bán trôi nổi dưới nhiều hình thức bán hàng đa cấp, bán hàng tại các tiệm mỹ phẩm… thì Chi cục không thể quản lý, vì không thuộc thẩm quyền kiểm tra.

*Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn – Chánh Thanh tra Sở Y tế:
Hiện nay, TPCN được bán tràn lan dưới nhiều hình thức. Không ít  người tiêu dùng nhầm tưởng TPCN là thuốc chữa bệnh. Với cương vị là một bác sĩ, tôi khuyến cáo người tiêu dùng khi sử dụng TPCN phải hiểu rõ TPCN có tác dụng như thế nào, thực chất TPCN không phải là thuốc mà chỉ là chất bổ trợ sức khỏe. Khi mua TPCN người tiêu dùng cần chú ý kiểm tra số đăng ký lưu hành do Cục quản lý chất lượng VSATTP cung cấp, công bố chất lượng. Nếu là TPCN nhập khẩu từ nước ngoài thì có visa nhập khẩu lưu hành vào Việt Nam và phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Khi sử dụng TPCN người dùng cũng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng một cách hợp lý, tránh lạm dụng TPCN thay thế cho thực phẩm thông thường hay thuốc.

*Chị Trần Thị Kim Loan – Phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi:
Tôi có sử dụng các loại TPCN để làm đẹp thông qua sự giới thiệu của bạn bè và xem trên bao bì sản phẩm ,chứ chưa bao giờ tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Để không ảnh hưởng đến sức khoẻ, tôi thường tìm mua các sản phẩm TPCN nhập khẩu từ Mỹ, Nhật…Tuy nhiên, mặt hàng này có giá khá đắt.                              


Bài, ảnh: Xuân Hiếu
        
                                       


.