Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chứng tăng động, giảm chú ý

09:02, 05/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ con thường luôn hiếu động, tinh nghịch Tuy nhiên, nếu trẻ hiếu động quá mức, kèm theo một số dấu hiệu khác, như không tập trung, khó kiểm soát hành vi... thì trẻ có nguy cơ bị hội chứng tăng động giảm chú ý. Tình trạng này nếu không sớm được phát hiện để can thiệp, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai của trẻ.

TIN LIÊN QUAN

Tăng động, giảm chú ý là chứng rối loạn hành vi, thường gặp ở trẻ từ 3 - 11 tuổi. Chứng tăng động rất dễ nhầm lẫn với sự hiếu động ở trẻ, vì cả 2 trường hợp này trẻ đều hoạt động quá mức. Tuy nhiên, ở trẻ hiếu động thường có nhận thức, tư duy, thích khám phá, hoạt động có mục đích; trẻ biết sợ khi bị nhắc nhở, khiển trách và biết điều chỉnh hành vi của mình. Với trẻ tăng động, giảm chú ý thì phần lớn không nhận thức được hành vi của mình và không chịu sự kiểm soát của người lớn.

Trẻ mắc chứng tăng động, giảm chú ý tham gia lớp học trị liệu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Trẻ mắc chứng tăng động, giảm chú ý tham gia lớp học trị liệu tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.


Trưởng khoa Tâm căn-Trẻ em- Phục hồi chức năng (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), bác sĩ Phạm Thị Thu Trà cho biết: Ở trẻ tăng động có những hoạt động quá mức, không kiểm soát, nhận thức về hành vi của mình. Trẻ không biết tuân thủ và lo sợ khi có người nhắc nhở, khiển trách. Thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân.

Trẻ rối loạn tăng động, giảm chú ý thường có một số biểu hiện đặc trưng như: Hiếu động quá mức, không tập trung, chú ý, hay quên, không quan tâm lời của người lớn, không thể ngồi yên một chỗ... Những dấu hiệu này có thể xuất hiện trong các sinh hoạt hằng ngày ở gia đình, hoặc tại lớp học. Phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm dấu hiệu của chứng tăng động, giảm chú ý để giúp trẻ được can thiệp kịp thời.

“Về giảm chú ý thì trẻ thường gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý, duy trì chú ý trong các nhiệm vụ, hoặc hoạt động trò chơi. Thường trẻ không chú ý lắng nghe khi có người khác nói chuyện trực tiếp với mình, không nghe theo sự hướng dẫn của người lớn. Trẻ khó khăn trong tổ chức nhiệm vụ, hoặc hoạt động, thường tránh hoặc không thích tham gia các hoạt động đòi hỏi tập trung và dễ bị phân tán, kích thích bới những việc không liên quan. Trẻ hay làm mất các đồ đạc và quên các hoạt động hằng ngày. Về tăng động, trẻ thường động tay chân liên tục, cục cựa khi ngồi một chỗ. Trẻ sẽ chạy nhảy, leo trèo quá mức mà không sợ nguy hiểm và khó khăn khi tham gia các hoạt động đòi hỏi sự im lặng”, bác sĩ Trà cho biết thêm.

Sự tăng động quá mức khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập, khả năng tập trung kém, nên kết quả học tập bị sa sút, hành vi và tính cách dễ bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như: Khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận... Trẻ khó khăn trong hòa nhập với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình, lâu ngày nhiều trẻ dẫn đến tự ti và có thể mắc chứng tự kỷ kèm theo. Gia đình cần giúp trẻ được điều trị sớm, thiết lập một kế hoạch can thiệp phù hợp với trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.       


  Bài, ảnh: Bình Minh


.