Bệnh động mạch vành

10:01, 31/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Động mạch vành là hệ thống mạch máu cung cấp máu (oxy) cho cơ tim, nuôi dưỡng tim hoạt động. Nguyên nhân của bệnh động mạch vành khoảng 90% là do sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch vành, từ sự lắng đọng các thành phần cholesterol, tổn thương lớp nội mạc thành mạch, phản ứng viêm mạn tính ngưng tập tiểu cầu, lắng đọng Calci; còn khoảng 10% là do các nguyên nhân khác như: viêm động mạch vành do tăng axit uric máu, dị dạng mạch vành, chấn thương mạch vành…

Các nguyên nhân trên gây hẹp lòng mạch vành ít hay nhiều làm trở ngại sự lưu thông máu, gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ tim tạo nên cơn đau thắt ngực của bệnh động mạch vành hoặc gây tắc hoàn toàn lòng mạch như trong nhồi máu cơ tim. Bệnh động mạch vành có thể chẩn đoán bằng sự kết hợp triệu chứng lâm sàng (cơn đau thắt ngực) với đo điện tim cơ bản, điện tim gắng sức, xét nghiệm men tim, chụp mạch vành bằng MSCT hoặc chụp động mạch vành qua da.

Bác sĩ Trịnh Quang Thân, Trưởng khoa Tim mạch Lão khoa và Cán bộ Trung cao, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Bệnh động mạch vành có những biểu hiện khác nhau trên từng cá thể, thậm chí trong một ít trường hợp không có triệu chứng gì mà chỉ phát hiện khi đo điện tim cơ bản, điện tim gắng sức hay khi chụp mạch vành.
 
Gọi là thiếu máu cơ tim thể không đau thể câm, hay thể im lặng. Đa số các trường hợp bệnh động mạch vành là có triệu chứng được biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực kiểu vành. Cơn đau thắt ngực kiểu vành là đau thắt ở ngực như bị đè nén, như bóp nghẹt quả tim, hoặc nhói buốt hay tê rát rất khó chịu.

Cơn đau bên ngực trái, sau xương ức lan lên cổ, lên cằm, hoặc lan ra tay trái có thể đến hai ngón út và áp út trái. Cơn đau vài phút đến chục phút, giảm dần khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng thuốc giãn vành. Trường hợp kéo dài trên 30 phút, hoặc không giảm khi đã dùng thuốc giãn vành là gợi ý cho nhồi máu cơ tim, cần khẩn cấp đưa người bệnh nhập viện. Ngoài ra còn có biểu hiện khác như khó thở, buồn nôn, nặng bụng vùng thượng vị có thể nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày...

Bệnh động mạch vành nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh, nhồi máu cơ tim cấp có tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 20% nếu không can thiệp kịp thời, là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay ở các nước phát triển và đang phát triển, sau bệnh ung thư.
 
Với bệnh mạn tính sẽ dẫn đến loạn nhịp tim, nhồi máu phổi, hội chứng Dressler, suy tim do thiếu máu cục bộ tim... làm giảm tuổi thọ và suy giảm sức lao động, ảnh hưởng năng suất làm việc của cá nhân, còn là gánh nặng cho gia đình vì phải tốn chi phí y tế rất lớn để điều trị bệnh.

Bác sĩ Trịnh Quang Thân, Trưởng khoa Tim mạch Lão khoa và Cán bộ Trung cao, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi nhấn mạnh: điều trị bệnh động mạch vành người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối y lệnh điều trị của bác sĩ nhằm phục hồi cán cân “cung” - “cầu” oxy cho cơ tim.
 
Có hai phương pháp điều trị: điều trị nội khoa là điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết phải dùng sớm trước 6 giờ đối với nhồi máu cơ tim, thuốc chống đông, thuốc giãn vành, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, clopidigrel), thuốc mỡ máu đặc biệt nhóm Statin; các thuốc khác như nhóm ức chế bêta, chẹn Calci, các thuốc chống loạn nhịp, trợ tim, giảm đau, an thần, oxy, chống sốc... Và một điều rất quan trọng là sửa chữa các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt là bỏ thuốc lá, điều trị tốt đái tháo đường và tăng huyết áp…
 
Điều trị can thiệp: gồm can thiệp hoặc phẫu thuật. Can thiệp động mạch vành qua da: Là phương pháp dùng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, làm tái lưu thông trở lại bình thường đoạn động mạch vành bị hẹp mà không phải mổ; phẫu thuật bắc cầu nối: Dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch bắc cầu từ nguồn cấp máu qua vị trí động mạch vành tổn thương nối với đoạn động mạch vành phía sau đoạn hẹp, như vậy máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu thông qua 1 cầu nối mới.

Chi phí điều trị bệnh động mạch vành là rất cao vì vậy phòng, tránh bệnh động mạch vành là quan trọng: tránh lối sống tĩnh tại, hoạt động thể dục, thể thao phù hợp như đi bộ, đạp xe đạp, tập thái cực quyền, tập dưỡng sinh, tập yoga… Giảm căng thẳng, bỏ thuốc lá, hạn chế bia, rượu; Ăn nhiều rau và hoa quả, tránh mỡ động vật; giảm mặn, không ăn thức ăn chế biến sẵn. Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.


MINH HIỀN
 


.