Điểm tựa của bệnh nhân HIV/AIDS

10:11, 28/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 10 năm gắn bó với công tác chuyên trách HIV/AIDS, y sĩ Đặng Thị Mỹ, công tác tại Trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) được nhiều người dân yêu mến, bởi chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

TIN LIÊN QUAN


Giúp người bệnh làm lại cuộc đời  

“Em đang ho, không hút thuốc nữa! Nhớ uống thuốc đúng liều và ăn uống điều độ để tăng sức đề kháng!”. Đó là cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa y sĩ Đặng Thị Mỹ với anh P, một bệnh nhân HIV, mà chúng tôi vô tình nghe được.

 

 Y sĩ Đặng Thị Mỹ, công tác tại Trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc.
Y sĩ Đặng Thị Mỹ, công tác tại Trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc.
 
 
Chị Mỹ chia sẻ: “Những ngày đầu phát hiện nhiễm  HIV, em P suy sụp tinh thần rất nặng. Khi tôi tiếp cận, em không muốn gặp và không chịu dùng thuốc điều trị ARV. Thấu hiểu tâm lý người bệnh, tôi đã kiên trì tiếp cận để tuyên truyền, trước tiên là tư vấn cho gia đình, sau đó cùng phối hợp  với người thân em P để động viên em vượt qua cú sốc của bệnh tật”. Nhờ sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình của chị Mỹ và gia đình, sau đó em P đã dần lấy lại nghị lực, tuân thủ điều trị, nên đến nay sức khỏe dần ổn định.

Điều làm chúng tôi xúc động là, mặc dù biết P nhiễm HIV, nhưng chị D vẫn quyết tâm đi đến hôn nhân, vì mong muốn được chia sẻ, giúp P vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Xúc động trước tình cảm chân thành của chị D, chị Mỹ đã phân tích, chia sẻ cho đôi bạn trẻ này những nguy cơ lây truyền bệnh và cách phòng tránh nhiễm HIV. Cuối cùng, đôi bạn trẻ này đã đến với nhau trong niềm vui, hạnh phúc của nhiều người. Từ tình yêu chân thành của người vợ đã giúp P từ một thanh niên "hư hỏng" đã trở thành người đàn ông trụ cột và có trách nhiệm với gia đình, vì đã xây dựng được một cơ ngơi buôn bán nhỏ, có thu nhập ổn định.

Phường Nguyễn Nghiêm có 16 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 7 người còn sống, được trạm y tế phường quản lý. Đa số những trường hợp này bị lây bệnh qua đường tình dục và tiêm chích ma túy.
Không chỉ hoàn cảnh của P, mà đối với người bệnh HIV ở phường Nguyễn Nghiêm, chị Mỹ luôn đến với họ bằng một tình cảm chân thành, không khơi dậy những nỗi đau của quá khứ, mà chỉ hướng dẫn họ cách chăm sóc bản thân và điều trị bệnh. Có những trường hợp chồng bị bệnh lây cho vợ, hoặc ngược lại, bằng sự cảm thông, thấu hiểu, chị Mỹ đã làm “cầu nối” giúp họ bỏ qua lỗi lầm để cùng nhau nương tựa, vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Lắng nghe và chia sẻ

Với vai trò là cán bộ chuyên trách ở cơ sở, chị Mỹ luôn giúp bệnh nhân HIV trong điều trị và biết cách phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng; đồng thời giúp người dân xóa bỏ kỳ thị đối với bệnh nhân HIV. Chị Mỹ xúc động khi kể về hoàn cảnh của chị T:  Khi biết mình có thai cũng là lúc chị T phát hiện mình bị nhiễm HIV. Lúc này, chị T rất sốc, nhưng tôi kịp thời lắng nghe và động viên, chia sẻ nên sau đó tinh thần chị T đã dần ổn định.

Không chỉ động viên, chị Mỹ còn đến nhà kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho chị T biết cách dự phòng để không lây bệnh cho con. Nhờ đó, chị T sinh con ra khỏe mạnh. Sau khi chị T qua đời, con chị bị mọi người xung quanh kỳ thị. Thấy vậy, chị Mỹ đưa cháu bé đi xét nghiệm nhiều nơi, sau đó thông tin cho người dân ở tổ dân phố và trong trường học để mọi người biết là bé hoàn toàn khỏe mạnh. Nhờ đó, cháu bé được đến trường với bạn bè trang lứa.

Đối với người bệnh HIV hay đau ốm, chị Mỹ còn trích tiền túi thăm hỏi, đến nhà kiểm tra, tư vấn, chăm sóc cho bệnh nhân. Những nghĩa cử đó của chị Mỹ đã giúp nhiều bệnh nhân HIV nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng.


  Bài, ảnh: KN

 


.