Bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa

09:10, 06/10/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Thời tiết giao mùa, học sinh tựu trường là điều kiện thuận lợi phát sinh nhiều dịch bệnh trong trường học và cộng đồng, nhất là bệnh tay chân miệng. Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đến hết tháng 9/2018 toàn tỉnh có 1.008 ca, tăng 1,86 lần so với cùng kỳ năm 2017, không có trường hợp tử vong.

Bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi chiếm 93,5%. Đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc tay chân miệng tăng cao đột biến 47,6% so với 07 tháng đầu năm (tháng 8:181 ca, tháng 9: 420 ca) và có nguy cơ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo.

TIN LIÊN QUAN

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11, có thể bùng phát thành dịch. Đa số bệnh nhân tay chân miệng thường tự bớt bệnh, nhưng một số ít trường hợp ở trẻ có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng.
Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng.


Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột gồm có CoxsackievirusA16 và enterovirus71 (EV71) gây ra. Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Mầm bệnh có trong dịch mũi, họng, nước bọt, phân, vết loét của trẻ bệnh. Từ khi nhiễm mầm bệnh cho đến khi phát bệnh khoản 3 đến 7 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Biểu hiện  chính của bệnh là tổn thương ở da và niêm mạc, trong miệng trẻ có những vết loét màu đỏ hoặc là những bóng nước ở trong miệng có kích thước từ hai đến ba ly, chính vì loét ở trong miệng nên làm cho trẻ đau miệng, biếng ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Ban da xuất hiện trong vòng một đến hai ngày, dạng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, những ban này không nổi hoặc nổi lên trên da có màu trắng đục, ban rất ít vỡ ra, khi ban mất da sẽ thâm rồi tự lành lại và một số triệu chứng khác như sốt nhẹ, biếng ăn, tiêu chảy.

Bệnh tay chân miệng cho đến nay chưa có vắcxin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc phòng ngừa, tránh lây nhiễm là quan trọng nhất.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Để tích cực phòng chống bệnh tay chân miệng chúng ta phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi ôm trẻ, sau khi đi vệ sinh và thay tả làm vệ sinh cho bé.

Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng hợp vệ sinh; dùng nước khử trùng cloramin B 2% rửa sạch các vật dụng tiếp xúc với trẻ như đồ chơi, dụng học cụ tập, lau sàn nhà, nơi sinh hoạt của trẻ.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải cách ly, điều trị kịp thời, thời gian cách ly từ bảy đến mười ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ bệnh đến lớp và chơi với các bạn khác.


MINH HIỀN


 


.