Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm

10:09, 01/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội LHPN tỉnh vừa ra mắt mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới năm 2018” tại xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa). Mục tiêu của mô hình này là giúp hội viên, phụ nữ nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng và gia đình trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

TIN LIÊN QUAN

Là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống của các thành viên trong gia đình thông qua bữa ăn hằng ngày, nên phụ nữ phải nắm vững kiến thức về VSATTP. Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải chị em phụ nữ nào cũng am hiểu vấn đề này. Do đó, việc triển khai mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới năm 2018” ở thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ đã góp phần giúp nhiều chị em trong thôn nâng cao nhận thức về vấn đề VSATTP.

 Bà Trần Thị Lựu (bên trái) chăm sóc vườn khổ qua.
Bà Trần Thị Lựu (bên trái) chăm sóc vườn khổ qua.


Mô hình này thu hút 200 hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó phần lớn chị em làm nghề nông. Các hội viên được tập huấn kiến thức về VSATTP trong gia đình “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, cấp túi xách thân thiện với môi trường. Đối với các hộ trồng rau màu, cây ăn trái được hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy trình...
 

Bà Trần Thị Lựu, thành viên của mô hình chia sẻ: “Tôi chuyên trồng mướp và khổ qua để bán. Với suy nghĩ, cần phải đảm bảo VSATTP cho chính các thành viên trong gia đình và người tiêu dùng, nên tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Mướp và khổ qua được bọc trong bao nilon từ khi còn nhỏ để tránh sâu bệnh. Nhờ vậy mà khách đến mua đều rất yên tâm”.

Phó Chủ nhiệm mô hình, chị Bùi Thị Kim Oanh cho biết: “Hầu hết chị em tham gia mô hình làm nghề nông, nên  vấn đề đảm bảo VSATTP rất cần được các chị quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Vì thế, khi tham  gia mô hình này, các chị sẽ được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến VSATTP; được chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn, chế biến, nhận biết thực phẩm không an toàn”.

Mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” không chỉ góp phần nâng cao ý thức của chị em hội viên, phụ nữ trong thực hiện các nguyên tắc về VSATTP, mà qua đây còn nâng cao tinh thần cảnh giác cho chị em về thực phẩm bẩn.

Khi phát hiện, nghi ngờ về nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn, các chị kịp thời báo cáo về cơ quan chuyên môn để xử lý. Đồng thời, mỗi thành viên trong mô hình sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề đảm bảo VSATTP.


Bài, ảnh: PV




 


.