Bệnh viện quá tải vì dịch bệnh tay chân miệng

10:09, 15/09/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào thời kỳ cao điểm bùng phát bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ngoài các ca bệnh điều trị ngoại trú, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang trong tình trạng quá tải vì dịch bệnh này.

TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh còn chủ quan với bệnh
 
Phải thức đêm chăm con bị tay chân miệng trong suốt 3 ngày liên tục, chị Nguyễn Thị Linh ngụ ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) cho biết, đây là lần thứ 2 con chị mắc bệnh này. “Lần trước, cháu bị cách đây một năm thì biểu hiện rất dễ nhận biết. Cháu mọc ban nước ở các bộ phận chân, miệng sau khi sốt. Do vậy tôi liền dẫn cháu đi khám bác sĩ và điều trị tại nhà. Nhưng lần này, cháu cứ sốt miên man, ngủ giật mình và nôn ói liên tục. Đến khi dẫn đi khám thì gia đình được yêu cầu phải nhập viện vì cháu mắc tay chân miệng cấp độ nặng”- chị Linh chia sẻ.
 
Cũng có con đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chị Huỳnh Kim My ngụ ở xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi cho hay: Con chỉ bị sổ mũi, ho nên tôi nghĩ bị viêm đường hô hấp. Đến hôm qua, cháu sốt cao liên tục nên dẫn đi khám thì tôi mới biết là cháu bị tay chân miệng cấp độ 2.

 

Do biểu hiện bệnh không rõ ràng nên phụ huynh còn chủ quan chưa đưa trẻ đi khám, điều trị bệnh tay chân miệng kịp thời
Do biểu hiện bệnh không rõ ràng nên phụ huynh còn chủ quan chưa đưa trẻ đi khám, điều trị bệnh tay chân miệng kịp thời
 
Bệnh không có triệu chứng rõ ràng khiến các phụ huynh chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nhi đang điều trị nội trú tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tăng cao trong thời gian gần đây. Bệnh tay chân miệng là bệnh lành tính, nhưng nếu không được theo dõi sát, trẻ rất dễ có những triệu chứng nặng dẫn đến viêm não, viêm phổi và một số bệnh nguy hiểm khác.
 
Hiện mỗi ngày có 12-15 ca bệnh mới nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Hầu hết các ca bệnh này đều ở mức độ nặng, biến chứng xấu. Theo bác sĩ Phạm Thành Quát, các ca bệnh tay chân miệng ở cấp độ 1 với biểu hiện loét miệng, phát ban tay chân thì chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà và điều trị bằng thuốc. Nhưng khi trẻ sốt cao, nôn ói, đứng không vững, hay giật mình… thì phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.
 
“Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhi không có biểu hiện bệnh rõ ràng nhưng lại bị ở cấp độ nặng mới được đưa vào viện điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do phụ huynh còn chủ quan để các cháu điều trị tại nhà mà không cho đi khám, điều trị kịp thời”- Bác sĩ Quát chia sẻ.
 
Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải
 
Hiện Khoa Nhi tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh có số giường thực kê là 50 giường, nhưng số bệnh nhi thực tế luôn vượt xa con số này. Cụ thể, ngày 14.9, Khoa điều trị cho hơn 80 bệnh nhi. Riêng các bệnh nhi mắc tay chân miệng là hơn 50 ca. Bệnh viện cũng đã bố trí khu cách ly để điều trị bệnh này với số giường thực kê 30. 
 
Vì không đủ giường cho các cháu nằm, nên bệnh viện bố trí nằm ghép và bố trí thêm giường xếp. Tuy nhiên, tình trạng quá tải này lại tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh chéo. Bác sĩ Trương Thị Thanh- Phó Trưởng khoa Nhi -Bệnh nhiệt đới cho biết: Bệnh nhi đông, trong khi đó số lượng bác sĩ lại có hạn cũng là điều khó khăn chúng tôi đang gặp phải. Nhiều lúc chỉ có 2 bác sĩ trực điều trị cho 80 bệnh nhi. Các nhân viên y tế đều rất vất vả..
 

 

Do lượng bệnh nhi quá tải so với số giường thực kê, bệnh viện phải xếp nằm ghép 2-3 cháu/giường
Do lượng bệnh nhi quá tải so với số giường thực kê, bệnh viện phải xếp nằm ghép 2-3 cháu/giường
 
Bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm. Thống kê của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 588 ca mắc tay chân miệng, cao hơn 163 ca so với cùng kỳ năm trước. Dự báo từ nay đến cuối năm, bệnh còn diễn biến phức tạp. Do vậy, các phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh tay chân miệng cho con em từ 1-3 tuổi, nhất là trẻ tại các nhóm trẻ, trường mầm mon.
 
Theo đó, các phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, đồ chơi…
 
Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh cho biết: Hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa vì vậy việc chủ động phòng bệnh từ các bậc phụ huynh và trường học là yếu tố quan trọng. Để phòng dịch bệnh tay chân miệng trong mùa tựu trường, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường học. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát các ổ bệnh, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao để kịp thời có các biện pháp đối phó…
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.