Cây sả trong đời sống xưa và nay

10:08, 26/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, cây sả được mọi người biết đến là gia vị trong chế biến món ăn, bởi nó có hương vị đặc biệt mà không một loại rau, quả nào thay thế được.

 Trước đây, cây sả được trồng trong vườn nhà một vài bụi để dùng khi cần chế biến thức ăn. Cây sả (gốc và thân) là món ăn ưa thích của người Việt, người Lào, người Khơ me, người Thái và nhiều nước khác. Họ dùng trong nước chè uống, trong ướp nấu thịt gà, vịt, heo, bò, hải sản... để có mùi thơm và vị ngon.

Một nồi thịt gia cầm, hay hải sản ướp với củ sả khi nấu sôi mùi vị quyến rũ cả một khoảng không gian mấy nhà vườn. Nhiều khi người ta còn làm món muối sả, tức là củ sả thái lát, bằm nhỏ mịn rồi trộn với muối hầm, hoặc muối trắng.

 

 Không chỉ là cây thuốc nam, hiện nay cây sả còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nông thôn.
Không chỉ là cây thuốc nam, hiện nay cây sả còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nông thôn.


Trong y học cổ truyền, cây sả có tên là hương mao (gốc, thân, lá, rễ) tính ấm, tác dụng ra mồ hôi, ấm bụng, chữa đau bụng nôn mửa, cảm mạo phong hàn, giải độc cơ thể, cải thiện hệ thần kinh, giảm huyết áp, chống khuẩn... Có tài liệu còn nói, cây sả có khả năng chống bệnh ung thư. Khi cảm mạo, nhất là cảm lạnh người ta thường nấu lá sả với hương nhu, tía tô để xông cho ra mồ hôi, ăn thêm bát cháo củ nén có khi khỏi bệnh luôn.

Phụ nữ ngày trước thường nấu nước lá sả để gội đầu, tóc mượt và thơm nhờ tinh dầu của nó. Tình yêu lứa đôi nhiều khi cũng từ hương mùi lá sả mà theo đuổi cả đời! Kinh nghiệm dân gian còn cho thấy, trong một số trường hợp, củ sả còn có tác dụng chữa bệnh máu nhiễm mỡ khá công hiệu.

Người ta thái lát mỏng củ sả, sao vàng hạ thổ, mỗi ngày cho vào bình thủy một nắm nhỏ rồi cho nước sôi vào như hãm trà để uống trong ngày. Một vài tuần uống như vậy đi kiểm tra công thức máu sẽ thấy chỉ số mỡ giảm xuống.

Ngày nay, hành trình cây sả không dừng lại ở gia vị thức ăn trong gia đình, dược phẩm cây nhà lá vườn, mà còn trở thành loại cây kinh tế của người dân nông thôn nhờ tính phổ dụng trong ăn uống và chiết suất hương liệu.

Do tinh chất cây dễ trồng, có thể trồng trên nhiều loại địa hình miễn là không bị ngập nước, nhẹ công chăm bón, nên nhiều nơi đã trồng sả với diện tích lớn. Vốn đầu tư làm đất, công trồng, chăm sóc, phân bón... không nhiều, mỗi sào trung bộ sau bốn tháng trồng có thể thu được khoảng 5- 6 triệu đồng.


Bài, ảnh: V. TẠO


 


.