Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững

08:07, 16/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thông điệp của Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, từng gia đình về ý nghĩa và tầm quan trọng của KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu nhiều giải pháp quan trọng, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, thì việc thực hiện DS-KHHGĐ vẫn giữ vai trò quan trọng.

Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai, đó là quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Như vậy, nếu trước đây chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ, với mục tiêu giảm sinh, thì nay chính sách dân số mới có nhiều nội dung và phạm vi rộng lớn hơn nhiều.

Hiện ở các vùng có sự chênh lệch khá rõ về tỷ lệ sinh. Cụ thể, vùng biển có mức sinh con thứ 3 trở lên cao và ở miền núi mức sinh cũng có sự chênh lệch khá rõ. Vì vậy, Quảng Ngãi đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, chú trọng giảm sinh ở những nơi có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những địa phương đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp...

 Phụ nữ xã Bình Hòa (Bình Sơn) được cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS-KHHGĐ.                         Ảnh: K.Ngân
Phụ nữ xã Bình Hòa (Bình Sơn) được cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Ảnh: K.Ngân


Những năm qua, ngành dân số luôn ưu tiên nguồn kinh phí để tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ đến tận cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Chị Võ Thị Của, ở thôn 4, xã Bình Hòa cho biết: “Đối với phụ nữ nông thôn chúng tôi, việc triển khai chiến dịch tại xã giúp chị em thuận lợi hơn trong chăm sóc SKSS”.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bình Sơn Huỳnh Thị Nghị cho biết: Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở các địa phương, nhất là các xã vùng biển, hằng năm trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Hoạt động này được tổ chức tại 25 xã, thị trấn, với 2-3 đợt trong năm, thu hút hàng nghìn phụ nữ tham gia.

Tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhờ triển khai thành công các chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nên chất lượng dân số có nhiều cải thiện. Các chỉ tiêu về chăm sóc SKSS đều đạt và vượt so với kế hoạch. Cùng với hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trong các chiến dịch tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ, ngành dân số cũng chú trọng đến việc khám sàng lọc và cấp phát thuốc phòng các bệnh phụ khoa cho phụ nữ. Tại các trạm y tế xã, hiện nay đều được đầu tư hệ thống máy siêu âm, nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh liên quan đến phụ nữ, đảm bảo SKSS cho chị em. Hiện nay, 100% các chị em phụ nữ mang thai trong tỉnh được tiêm chủng đầy đủ, trên 80% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, trên 60% phụ nữ thực hiện các biện pháp phòng, tránh thai an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Chính cho biết: Ngành dân số sẽ tăng cường tham mưu cho tỉnh, tiếp tục đầu tư vào công tác DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS cho phụ nữ và thanh niên, vị thành niên; tuyên truyền giảm thấp nhất tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế và đồng đều giữa các địa phương, giữ quy mô dân số ổn định và khoảng cách sinh con hợp lý giữa các lần sinh, để bảo đảm sức khỏe và nuôi dạy con tốt.     


 TRÍ PHONG-TRANG TUYẾT


 


.