Phòng chống tăng huyết áp

10:07, 31/07/2018
.

Tăng huyết áp đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, tần suất tăng huyết áp ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%.

TIN LIÊN QUAN

Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (từ 25 tuổi trở lên) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị tăng huyết áp. Với dân số hiện nay của Việt Nam thì ước tính sẽ có trên 11 triệu người bị tăng huyết áp.

Trong số những người bị tăng huyết áp thì có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) là không biết mình có bị tăng huyết áp; 30% (khoảng 1,6 triệu người) của những người đã biết bị tăng huyết áp nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% những người đó (khoảng 2,4 triệu người) tăng huyết áp đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị tăng huyết áp, hoặc là tăng huyết áp nhưng không được điều trị, có điều trị nhưng chưa đưa được số huyết áp về mức bình thường.

Vậy huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực máu lưu thông tác động lên thành mạch. Huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) là khi tim bóp tống máu (bình thường khoảng 120mmHg), huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) là khi tim giãn (bình thường khoảng 80 mmHg).

Các hướng dẫn điều trị tăng huyết áp trên thế giới đều chọn ngưỡng gọi là tăng huyết áp đối với người từ 18 tuổi trở lên khi người đó có ít nhất một trong hai số huyết áp sau: Huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 140 mm Hg hoặc huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mm Hg. Như vậy, nếu con số huyết áp là 150/80, 130/100 hoặc 150/90 mmHg… sau nhiều lần đo thì đều gọi là tăng huyết áp.

Một số khuyến cáo về chẩn đoán tăng huyết áp gần đây còn lưu ý rằng, tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển được khẳng định khi: Huyết áp đo tại cơ sở y tế lớn hơn hoặc bằng 140/90 mm Hg hoặc khi đo tại nhà và khi theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ lớn hơn hoặc bằng 135/85 mm Hg hoặc chỉ số huyết áp không tăng nhưng có bằng chứng của tăng huyết áp như đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc có biến chứng như bệnh tim do tăng huyết áp, tai biến mạch máu não...

Theo Bác sĩ Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi, tăng huyết áp được chia làm hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát, trong đó tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp không rõ nguyên nhân) chiếm đến 93%- 95%. Còn tăng huyết áp thứ phát là từ một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn do: U tủy thượng thận, u lớp cầu của vỏ thượng thận, hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, ở van động mạch chủ, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, do sử dụng một số loại thuốc làm tăng giữ muối và nước trong cơ thể...

Ở những trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, người ta nghĩ đến nhiều yếu tố nguy cơ có thể phối hợp với nhau gây tăng huyết áp như: tuổi tác cao, nam giới, yếu tố di truyền, cha mẹ mắc bệnh tăng huyết áp sẽ có con cũng bị tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, hút thuốc lá, ít vận động, stress, thói quen ăn mặn... Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân thì có thể điều trị triệt để được, ví dụ tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch bị hẹp, huyết áp có thể trở về mức bình thường, không phải uống thuốc lâu dài.

Chẩn đoán tăng huyết áp sau khi đo huyết áp đúng quy trình. Vậy, việc đo kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách đơn giản nhất, duy nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp. Để đo huyết áp, người được đo cần được nghỉ khoảng 5 phút trước khi đo; không sử dụng các chất kích thích trước đó 2 giờ như rượu, thuốc lá, cà phê…; không dùng thuốc cường giao cảm như 1 số thuốc nhỏ mũi...

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đo huyết áp, đó là: nhức đầu thường là sau gáy; xây xẩm, hồi hộp, dễ mệt, bất lực ở nam giới, mờ mắt, dễ toát mồ hôi, yếu nửa người hay một chi, đau ngực, khó thở, tiểu nhiều, dễ xúc động, tăng cân... Với người lớn, dù trong người thấy bình thường, nhưng cũng cần kiểm tra định kỳ số đo huyết áp.

Theo Bác sĩ Đặng Văn Điểm- Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi, để tích cực phòng chống tăng huyết áp cần thay đổi hành vi, lối sống không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, bia quá độ…; chế độ dinh dưỡng cần giảm muối, bớt mỡ, tăng cường rau, quả, trái cây tươi; vận động thể lực đều đặn... là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh tăng huyết áp.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần thực hiện lối sống lành mạnh phòng chống tăng huyết áp; Hàng ngày tập thể dục, đi bộ 30-45 phút, ăn nhạt, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, hạn chế ăn mỡ động vật và thức ăn chứa nhiều cholesterol, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, thuốc lào, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.

Tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” nên những biểu hiện sức khỏe bình thường càng khiến người tăng huyết áp phải cảnh giác, có biện pháp điều trị dự phòng trước khi quá muộn.

Minh Hiền
 


.