Thận trọng với bệnh chốc lở ở trẻ em

09:04, 04/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh chốc lở có thể gặp ở nhiều độ tuổi, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở trẻ từ 2-6 tuổi. Đây là bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây.

Bệnh chốc lở luôn gây khó chịu cho trẻ em.                                     Ảnh: Internet
Bệnh chốc lở luôn gây khó chịu cho trẻ em. Ảnh: Internet

Bệnh chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Biểu hiện ban đầu của bệnh là những mụn nước, bóng nước nhỏ, rồi nhanh chóng trở nên đục, tạo thành mụn mủ. Mụn mủ vỡ ra thành vết trầy, ở giữa có vẻ lành và lan rộng ra xung quanh, đóng vảy màu vàng.

Giám đốc Trung tâm Phong-Da liễu tỉnh, bác sĩ Phạm Thị Tiết cho biết: Nguyên nhân gây bệnh chốc lở là tụ cầu và liên cầu. Nếu khi bệnh nhân bị một vết thương, vết cắn của côn trùng gây nhiễm tụ cầu khuẩn thì vết thương sẽ hóa mủ rất nhanh. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, kém ăn, khó chịu.

Nguyên nhân thứ hai là, chốc bọng nước phần lớn là do vi khuẩn liên cầu gây nên, có bọng nước, không có mủ. Tình trạng này gặp rất nhiều và lây lan rất nhanh. Bệnh thường lây từ vùng da bệnh đến vùng da lành, hoặc lây từ người này sang người khác, nếu bị dính phải dịch tiết của các vết chốc lở. Khi mắc bệnh thường bị ngứa và khó chịu.

Để phòng bệnh chốc lở ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Khi trẻ bị bệnh chốc lở phải để ở nhà, không đưa trẻ đến trường để tránh lây lan ra cộng đồng. Phải điều trị kịp thời cho trẻ khi thấy trên cơ thể xuất hiện một hoặc hai nốt, nếu không điều trị kịp thời bệnh lan ra rất nhanh trên cơ thể và thậm chí lây cho những người cùng sống trong cùng một nhà.


Ngoài ra, khi trẻ bị chốc lở nên cho trẻ dùng riêng đồ dùng sinh hoạt như chăn màn, khăn tắm, chậu rửa mặt... để tránh lây lan cho người khác. Quần áo, đồ dùng cá nhân cần giặt riêng và phơi khô. Khi chăm sóc, tiếp xúc người bệnh nên đeo găng tay. Trẻ bị bệnh cần được cắt móng tay ngắn để tránh trầy xước da khi trẻ gãi. Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng nước sạch với xà phòng sát khuẩn.

 
AN HẢO
 

.