Tăng cường phòng, chống lao và lao kháng thuốc

06:03, 28/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm Quảng Ngãi có 1.200-1.300 bệnh nhân mắc lao, trong đó vẫn còn hàng chục ca mắc lao kháng thuốc. Để tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2035, cần có sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế và cộng đồng.

Tại Quảng Ngãi, hoạt động phòng, chống lao từng bước đi vào ổn định. Mạng lưới phòng, chống lao được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở, với 1 bệnh viện tuyến tỉnh, 14 trung tâm y tế huyện, thành phố có phòng chuyên môn và 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên. 100% bệnh nhân được quản lý, theo dõi và điều trị theo chiến lược DOTS ở cả 2 giai đoạn tấn công và củng cố, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.


Công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý điều trị lao được tiến hành thường xuyên, liên tục và hiệu quả ở tất cả các huyện, thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, bởi tỷ lệ lao kháng thuốc, đa kháng và siêu kháng thuốc có xu hướng tăng lên. Đây là nguồn lây lan trong cộng đồng, nếu không được điều trị và quản lý theo đúng phác đồ. Hơn nữa, vấn đề đồng nhiễm HIV-Lao có dấu hiệu gia tăng là một thách thức không nhỏ của Chương trình Chống lao Quốc gia tại địa phương.
 

Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, Việt Nam đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới (có 16.000 người chết vì lao mỗi năm). Nước ta đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm, có khoảng 130 nghìn người mắc lao mới, trong đó có hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và 6% trong số đó là lao siêu kháng thuốc.

Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi, bác sĩ Nguyễn Bé, cho biết: Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ là những yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện mới hơn 1.250 bệnh nhân lao trên hơn 21.480 người thử đàm, quản lý điều trị 580 bệnh nhân, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 96%.

Đối với công tác phòng, chống, điều trị bệnh lao, việc phát hiện, xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác này gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều lý do khác nhau như: Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh không đi khám; nhận thức của các cấp, ngành còn xem nhẹ; một số cơ sở nhân viên y tế còn thiếu và yếu... Anh Nguyễn Tấn Nhựt- Tổ trưởng Tổ chống Lao TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Thành phố quản lý gần 300 bệnh nhân lao tại 23 xã, phường. Điều khó khăn trong công tác này là sự kỳ thị của cộng đồng còn nặng. Bệnh nhân khai báo địa chỉ không rõ ràng, sai lệch, nên việc quản lý theo dõi gặp khó khăn”.

Theo bác sĩ Nguyễn Bé, đối với việc điều trị bệnh nhân lao tại cơ sở, việc cảm thông, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người bệnh của cán bộ y tế và những người xung quanh là rất cần thiết. Bệnh nhân đang điều trị lao cần tích cực phối hợp với cán bộ y tế, tuân thủ các nguyên tắc điều trị. Gia đình cần giúp đỡ, động viên và chú ý chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao trong quá trình điều trị... Có như vậy, chương trình phòng, chống lao mới đạt hiệu quả, giảm tình trạng lao kháng thuốc và tái phát sau điều trị.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.