Rau cải bợ: giải nhiệt, thông tiện

09:03, 08/03/2018
.

Rau bợ còn gọi là cỏ bợ, tên khoa học Marsilea quadrifolia L., họ rau bợ nước Marrileaceae. Rau bợ mọc hoang ở những nơi ẩm thấp như ven bờ ao, đầm, ruộng trũng…

Nhân dân ta hay hái về làm rau ăn sống, làm thuốc giải nhiệt, thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ… Có nơi giã nát cây tươi để đắp lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa... Sau đây là 9 bài thuốc trị bệnh từ rau bợ:

1. Chữa chứng trong người quá nóng, sinh mụn nhọt: Ngày khoảng 18-20g rau bợ tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt (thêm chút nước khi vắt cho lợi nước), hòa vào 1 bát nước, chia 3 lần uống trong ngày, bã đắp chỗ mụn (Hoa hạ kỳ phương).

 

Rau bợ làm rau ăn sống, làm thuốc trị bí tiểu, mụn nhọt.
Rau bợ làm rau ăn sống, làm thuốc trị bí tiểu, mụn nhọt.


2. Chữa bí tiểu, tiểu nóng: rau bợ (cả cuống) nửa cân phơi khô tự nhiên, mỗi ngày dùng 16g rau bợ khô, sắc với 3 bát nước, còn 1 bát thì chia làm 3 lần uống, cách nhau 3 giờ, uống liền trong 2 - 3 ngày thì khỏi. Số rau bợ khô còn lại 3 ngày sắc uống 1 lần, liều lượng như trên thì bệnh dứt hẳn (Hoa hạ kỳ phương).

3. Chữa bạch đới: Ngày dùng 20g rau bợ khô (phơi khô tự nhiên trong mát) sắc với 3 bát (ăn cơm) nước còn 1 bát, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần uống cách nhau 3 - 4 giờ, uống nóng. Đồng thời dùng khoảng 32g rau bợ khô, nấu 1 nồi nước, pha thêm chút nước để cho bớt nóng, đổ ra chậu, ngồi ngâm và rửa kỹ cửa mình (âm hộ). Có thể tăng thêm lượng rau nấu cho nước ngâm đặc thêm càng tốt (Hoa hạ kỳ phương).

4. Chữa chứng sưng vú (vú và núm vú bị sưng đau): dùng 1 nắm rau bợ tươi rửa sạch, giã nát, trộn với 1 ít nước vắt lấy nước cốt, hòa vào 1 ly nước đun sôi để nguội, chia làm 2 lần uống trong ngày, bã đắp lên chỗ bị sưng đau. Dùng phương này liền trong 2-3 ngày thì khỏi (Dã Thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp).

 

 Cỏ chua me (dễ nhầm lẫn với rau bợ).
Cỏ chua me (dễ nhầm lẫn với rau bợ).


5. Chữa tắc tia sữa: dùng 20g rau bợ khô, sắc với nửa siêu nước, còn 1 bát chia làm 2 lần uống trong ngày, cách nhau 4 giờ, bã dùng vải bọc khi còn đang nóng chườm, vuốt xuôi từ trên vú xuống (Đắc hiệu phương).

6. Chữa bỏng: hái lá rau bợ tươi, rửa sạch, giã nát đắp lên chỗ bị bỏng. Rất hay (kinh nghiệm dân gian).

7. Trị đái tháo đường, tiêu khát: cỏ bợ khô và thiên hoa phấn lượng bằng nhau, tán nhỏ, hòa với sữa uống.

8. Sưng lở, nổi mẩn do nhiệt: cỏ bợ tươi giã nát để xoa hoặc vắt lấy nước uống.

9. Sỏi thận, sỏi bàng quang: cỏ bợ tươi giã nát, thêm nước, gạn lấy nước uống vào buổi sáng, mỗi lần 1 bát, liên tiếp 5 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngọn non cây dứa dại 20g, cây ngải cứu 10g, cây phèn đen 10g. Thêm nước gạn uống.

Lưu ý: Tránh  nhầm cỏ bợ với cỏ chua me lá hình tim chụm lại.
 

Theo BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG/SKĐS

 


.