Hướng đi nào cho phòng khám đa khoa khu vực

09:03, 11/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2017, chi phí điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực (gọi tắt là phòng khám) sẽ không được thanh toán BHYT. Mới đây, Bộ Y tế quy định, kể từ tháng 1.2018, các phòng khám ngưng tiếp nhận điều trị nội trú cho bệnh nhân, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Người dân chịu thiệt thòi

Hơn 28 năm qua, phòng khám Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi (trước đó có tên là phòng khám Mỹ Lai) đã khám, chữa bệnh (KCB) cho hàng nghìn bệnh nhân. Riêng năm 2017, phòng khám đã điều trị cho hơn 2.156 bệnh nhân nội trú và hơn 22.600 lượt ngoại trú. Tuy nhiên, đầu năm 2018, việc dừng điều trị nội trú, khiến nhiều bệnh nhân, nhất là người cao tuổi gặp nhiều thiệt thòi. Vì thế, trong thời gian qua phòng khám có rất ít người đến khám bệnh.

Bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân (Trà Bồng) chăm sóc cho sản phụ mới sinh.
Bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Trà Tân (Trà Bồng) chăm sóc cho sản phụ mới sinh.

Ông Trần Quốc Ca, ở xã Tịnh Khê, cho biết: “Tôi bị huyết áp và một số bệnh tuổi già, trước đây hay nằm điều trị nội trú ở đây, nhưng nay theo quy định phòng khám không được điều trị nội trú, nên chúng tôi bị nhiều thiệt thòi”. Trưởng phòng khám Tịnh Khê, bác sĩ Nguyễn Thị Đoan Trang cho biết: Từ khi ngừng điều trị nội trú, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động. Một số máy móc, trang thiết bị được đầu tư nay không phát huy hiệu quả trong điều trị, gây lãng phí.

Trong khi đó, năm 2013 Phòng khám Trà Tân (Trà Bồng) được đầu tư hiện đại nhất trên địa bàn miền núi của tỉnh, với kinh phí 5,7 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí 30a). Công trình 2 tầng, với diện tích hơn 2.400m2, gồm 13 phòng chức năng và quy mô 10 phòng bệnh, được trang bị các phương tiện hiện đại, như máy siêu âm; điện tim; hút dịch sơ sinh... Phòng khám có 2 bác sĩ, 8 cán bộ, nhân viên đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho hơn 4.000 dân thuộc hai xã Trà Bùi và Trà Tân. Ngoài việc KCB, mỗi cán bộ tại phòng khám còn là những tuyên truyền viên, tư vấn cho người về cách chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, do  không được thanh toán chi phí điều trị nội trú thời gian qua, nên nhiều bệnh nhân rất lo lắng.

Hướng đi nào?

Những khó khăn trên cũng là tình trạng chung của hai phòng khám tại xã Ba Vì (Ba Tơ) và Tịnh Bắc (Sơn Tịnh). Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Báy, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 4 phòng khám ở các huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi. Thời gian qua, các phòng khám hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, từ năm 2017 trở đi, các đơn vị trên không thuộc diện được thanh toán chi phí điều trị nội trú, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các phòng khám.

Mới đây, Bộ Y tế đã có Công văn số 618/BYT-KCB về việc KCB tại phòng khám đa khoa khu vực. Theo đó, các phòng khám chỉ được thực hiện cấp cứu, KCB ngoại trú và phải chấm dứt hoạt động điều trị nội trú từ ngày 25.1.2018. Đối với phòng khám vẫn cần tồn tại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng, thì Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp, thẩm định phê duyệt chuyển đổi để hoạt động. "Hiện tại, Sở Y tế đã thành lập Đoàn công tác để làm việc, rà soát, đánh giá lại hoạt động của các đơn vị để có hướng giải quyết hợp lý. Trên cơ sở đó sắp xếp lại các đơn vị theo hướng sáp nhập các phòng khám vào trạm y tế địa phương; nếu đơn vị cần thiết duy trì hoạt động, thì sẽ nâng cấp thành bệnh viện khu vực để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân”, ông Báy cho biết.


   Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.