Xử trí hạ đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường

09:12, 28/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trong những năm gần đây, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đã gia tăng nhanh chóng. Việc điều trị căn bệnh này là sự phối hợp giữa ba giải pháp: Tiết thực, vận động và dùng thuốc. Thực tế trở ngại lớn nhất trong điều trị bệnh ĐTĐ là tình trạng hạ đường huyết. Đây có thể xem như sự thất bại trong điều trị vì tình trạng hạ đường huyết có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Ông N.H.P, 63 tuổi, bị bệnh đái tháo đường (thường trú tổ 7, phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) kể lại: Hôm đó ông mệt nên không ăn tối, đến hơn 20 giờ ông đói cồn cào, xót ruột, run rẩy, đổ mồ hôi, nhức đầu… ông đã ngã xuống nền, nằm yên, người nhà gọi hỏi ông không biết, gia đình chuyển ông  đi cấp cứu, được chẩn đoán hạ đường huyết. Đây là tình trạng thường xảy ra ở bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị ĐTĐ.

Yếu tố nguy cơ hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường thường xảy ra khi tiêm quá liều insulin hoặc uống thuốc tiểu đường quá liều, tự uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ; thời gian ăn quá xa sau khi tiêm insulin, ăn ít, bỏ bữa; vận động cơ thể quá mức…

Theo Bác sĩ Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi: Hạ đường huyết xảy ra khi đường huyết tương nhỏ hơn 70 mg/dl. Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện khi đường huyết tương nhỏ hơn 45 – 50 mg/dl.

Tùy thuộc vào tuổi, cơ địa và nguyên nhân gây hạ đường huyết. Diễn biến bình thường của hạ đường huyết trải qua hai giai đoạn. Rối loạn thần kinh tự chủ thường biểu hiện sớm với các triệu chứng: Lo lắng, bứt rứt; Vã mồ hôi; tim đập nhanh, hồi hộp, run rẩy; đói bụng; yếu cơ, buồn nôn, nôn… Nếu không được điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh trung ương như: Nhức đầu, mờ mắt, nhìn đôi, lú lẫn, thay đổi hành vi, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Xử trí hạ đường huyết tùy thuộc vào tình trạng tri giác của bệnh nhân, nồng độ glucose huyết và dự đoán vào diễn tiến lâm sàng.

Để dự phòng, phát hiện và xử trí hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý các vấn đề sau đây:

1. Trước khi khởi trị có dùng thuốc hạ đường huyết, cần tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân hoặc người nhà trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cách phòng, phát hiện và xử trí hạ đường huyết. Nhấn mạnh biến chứng nguy hiểm nhất có thể tử vong khi điều trị bệnh nhân đái tháo đường là hạ đường huyết.

2. Hướng dẫn bệnh nhân hoặc người nhà trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thực hành thuần thục cách phát hiện dấu hiệu sớm của hạ đường huyết, như: lo lắng, bứt rứt, vã mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, hồi hộp, run rẩy, đói bụng… và cách xử trí đơn giản: Cho bệnh nhân uống 1 ly nước đường ấm (3 muỗng cà phê đường thường pha trong ½ - 1 ly nước ấm) hoặc một ly sữa ấm. Sau đó, cho bệnh nhân ăn 1 miếng bánh mì hoặc bánh ngọt nếu bữa ăn sau còn xa; theo dõi đường huyết mỗi lần 30 – 60 phút để kiểm tra hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân đáp ứng không tốt với điều trị như trên cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Thầy thuốc cần: điều chỉnh lại cách dùng thuốc (Insulin, sulfonylurea…); điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt cho bệnh nhân.
    
4. Trong quá trình quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân đái tháo đường, cần lưu ý: Tất cả các dấu hiệu bất thường ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ được xem là biểu hiện của hạ đường huyết cho đến khi có bằng chứng ngược lại và cần điều trị ngay lập tức để giảm các biến chứng hoặc di chứng do hạ đường huyết gây ra.

Bệnh nhân ĐTĐ cần lưu ý một số vấn đề sau: Không nên nhịn đói hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nhịn ăn mà lại hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Có chế độ tập luyện thể lực điều độ, nên mang sẵn kẹo bên người để khi cảm thấy có dấu hiệu hạ đường huyết cần sử dụng ngay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở người đái tháo đường là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

MINH HIỀN






 


.