Phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường

10:12, 19/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cong vẹo cột sống là một trong những bệnh thường gặp trong độ tuổi học đường. Tuy không nguy hiểm, nhưng nó gây rất nhiều phiền phức và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của trẻ.


Cột sống của con người có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động. Nó là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm xóc cho não bộ. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.

Cong vẹo sột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía, hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường. Cong vẹo cột sống là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là ở lứa tuổi học đường. Nếu các bậc phụ huynh không quan tâm, nhận biết sớm, trẻ có thể bị cong vẹo cột sống nặng thêm.

 

 Ngồi sai tư thế, phòng học không đủ ánh sáng cũng là một lý do khiến trẻ dễ bị cong vẹo cột sống.
Ngồi sai tư thế, phòng học không đủ ánh sáng cũng là một lý do khiến trẻ dễ bị cong vẹo cột sống.


Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Dấu hiệu cong vẹo cột sống là hai mõm vai không đều nhau, bên cao, bên thấp. Hoặc có thể tam giác eo tạo giữa cánh tay và thân bên to bên nhỏ, 2 mào chậu cũng không đều nhau. Đó là những dấu hiệu có thể nhìn bằng mắt thường”.

Có rất nhiều nguyên nhân gây cong vẹo cột sống: Trẻ bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, hoặc giai đoạn biết đi, đứng quá sớm, hoặc một số bệnh về cơ, xương, bệnh thần kinh hoặc suy dinh dưỡng, khi trẻ lớn lên cường độ lao động không phù hợp với lứa tuổi. Cong vẹo cột sống ở tuổi học đường có thể phát sinh do sai lệch tư thế như ngồi học không đúng tư thế, ngồi không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài, ngồi học với bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; ánh sáng không đủ nên học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết...

Bác sĩ Tâm cho biết thêm, để phòng, chống cong vẹo cột sống cần thực hiện tốt các biện pháp sau: “Thứ nhất, bàn ghế học tập phải đúng kích cỡ của từng lứa tuổi, tư thế ngồi học phải đúng. Ví dụ: Lưng phải thẳng, 2 bàn chân để dựa vững chắc lên sàn nhà, góc đùi với cẳng chân khoảng 90 độ, đầu hơi cúi về phía trước khoảng 10 - 15 độ. Thứ hai, nơi học phải đầy đủ ánh sáng, ngay cả góc học tập ở nhà cũng vậy. Thứ ba, học sinh không mang cặp sách quá nặng, trọng lượng cặp sách không quá 10% trọng lượng cơ thể, cũng như cặp sách nên có 2 quai để đeo đều hai bên, không đeo một bên. Chế độ dinh dưỡng phù hợp, chú ý thức ăn chứa nhiều vitamin D và canxi. Nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm cong vẹo cột sống”.

Cong vẹo cột sống gây khó khăn cho các hoạt động thể lực, làm trẻ mặc cảm về hình thức, khó hòa nhập với các hoạt động xã hội. Hệ quả của căn bệnh này sẽ khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở cho việc tập trung trí não. Cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, đến sự phát triển của khung chậu, do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm, phòng bệnh cũng như phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời cho trẻ.

Bài, ảnh: Bình Minh

 


.