Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ

09:11, 14/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau mưa lũ, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy), bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ... là những bệnh có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng trong thời điểm hiện nay. Do đó, ngành y tế dự phòng đã và đang triển khai các biện pháp khuyến cáo, cấp phát thuốc cho người dân để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Tại Trạm Y tế xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), những ngày qua, khá nhiều người dân địa phương đến khám các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp và đau mắt đỏ. Mỗi ngày trạm tiếp nhận trên dưới 30 người đến khám. Trưởng Trạm Y tế xã Hành Tín Đông, bác sĩ Nguyễn Văn Hải, cho biết: Hầu hết người dân đến trạm khám bệnh, xin thuốc đa số là những bệnh thường gặp sau lũ. Nhiều nhất là bệnh ngoài da, do người bệnh tiếp xúc với nước lũ nhiều ngày, nên bị nước ăn chân, ghẻ lở...

Sau lũ, trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về  đường hô hấp.
Sau lũ, trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.


Ngoài tích cực xử lý môi trường, tuyên truyền kiến thức về phòng chống bệnh, cấp thuốc điều trị cho người dân, chúng tôi cũng đã triển khai xuống một số thôn để cấp phát thuốc điều trị cho người dân mắc các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa. Cùng với đó, trạm cũng đã tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh xã và phát tờ rơi phòng bệnh sau lũ, nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh sau lũ.
 

“Mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu tắm rửa, nhất là rửa mặt bằng nguồn nước này thì nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ rất cao. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Đối với bệnh đau mắt đỏ thì phòng bệnh là rất quan trọng và cần tuân thủ bằng cách tuyệt đối không lau rửa hoặc tắm giặt bằng nước bẩn, không để trẻ chơi đùa với nước bẩn...”.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bác sĩ HỒ MINH NÊN

Tại các địa phương vùng bị ngập lụt trong tỉnh vừa qua, ngành y tế cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên, cho biết: Để chủ động vệ sinh môi trường; phòng, chống bệnh sau lũ, ngành đã triển khai kịp thời các giải pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết,  bởi sau lũ, mật độ muỗi phát sinh cao, người dân vùng ẩm thấp cần phát quang, vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi đọng nước để ngăn ngừa muỗi sinh sản. Theo thống kê của ngành y tế, hiện toàn tỉnh ghi nhận 1.196 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 24% so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng cũng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, với 665 trường hợp mắc bệnh.

Sau lũ, nhóm bệnh hay gặp nhất là tiêu chảy, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do vi khuẩn tả, vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Hoặc bệnh tiêu chảy gây ra do virut, thường gặp nhất trong mùa mưa lũ là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan mạnh, nhất là dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ lụt.

Thời điểm này cũng phát sinh nhiều trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp, như viêm họng, cảm cúm. Những bệnh này nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt, có thể gây biến chứng sang viêm phế quản, viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị. Bác sĩ Hồ Minh Nên khuyến cáo, người dân cần ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng cách dùng những hóa chất khử trùng nước.

Ngoài chủ động vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân phòng bệnh sau lũ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng vừa tiếp nhận thêm hơn 300 lít hóa chất diệt côn trùng từ Cục Y tế dự phòng và Viện Paster Nha Trang, cùng với hơn 500kg hóa chất Chloramin B để cấp cho các địa phương. Trước đó, Trung tâm cũng đã cấp gần 200 cơ số thuốc điều trị đối với các bệnh ngoài da, tiêu hóa, đau mắt đỏ... để các trạm y tế cấp phát, điều trị cho người dân.


    Bài, ảnh: KN


 


.