Sáp nhập một số bệnh viện vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Sớm tháo gỡ vướng mắc

01:10, 23/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh theo hướng sáp nhập BVĐK huyện Sơn Tịnh, Dung Quất thành các cơ sở trực thuộc BVĐK tỉnh. Hiện Sở Y tế đã hoàn thiện đề án và đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, cho chủ trương sáp nhập trong thời gian đến.

TIN LIÊN QUAN

Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn được nâng lên đáng kể, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân.

Mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất.
Mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất.


Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KCB cũng còn nhiều tồn tại, bất cập và chưa thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chậm phát triển; tinh thần thái độ phục vụ người bệnh và thủ tục hành chính tuy có cải thiện, nhưng vẫn chưa thật sự mang lại sự hài lòng cho người bệnh; tình trạng quá tải tại BVĐK tỉnh diễn ra thường xuyên, việc triển khai dịch vụ kỹ thuật cao còn hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
 

"Sau khi sáp nhập, BVĐK tỉnh có điều kiện đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại; nhân viên y tế có điều kiện tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, triển khai nghiên cứu khoa học và ứng dụng những kỹ thuật cao vào công tác KCB, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tạo tiền đề và điều kiện để tập trung đầu tư nguồn lực phát triển BVĐK tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I giai đoạn đến năm 2020”.
Giám đốc Sở Y tế NGUYỄN TẤN ĐỨC

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là BVĐK hạng II. Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Ngọc Lân, cho biết: Trong những năm qua, công tác KCB của bệnh viện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các kỹ thuật cao cũng được triển khai như: Phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật nội soi ổ bụng, nội soi khớp gối, phẫu thuật phaco, phẫu thuật thay khớp háng, tán sỏi hệ niệu ngoài cơ thể, tán sỏi niệu quản ngược dòng, tách các thành phần máu, lọc máu liên tục. Hiện công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt hơn 140%. Bệnh viện thực hiện được khoảng 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến bệnh viện hạng II và 15% dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng I.

Trong khi đó, BVĐK huyện Sơn Tịnh nằm gần BVĐK tỉnh; BVĐK Dung Quất nằm ở xã Bình Trị (Bình Sơn), cách TP.Quảng Ngãi hơn 45km. Các bệnh viện này cơ bản đáp ứng được công tác KCB thông thường cho nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển dịch vụ kỹ thuật cao ở các bệnh viện này còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn lực chưa đảm bảo, đặc biệt là nhân lực chuyên môn.

Từ thực tế trên, việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện sẽ giảm được đầu mối các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và có cơ sở thực hiện tinh giản biên chế; tận dụng hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các bệnh viện. Người bệnh sẽ được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở, tạo sự công bằng trong KCB và nhất là khắc phục được tình trạng quá tải tại BVĐK tỉnh.

Nói về kế hoạch sáp nhập vào BVĐK tỉnh, Giám đốc BVĐK huyện Sơn Tịnh Huỳnh Tuấn Lộc, cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cũng như kế hoạch, nếu đề án được triển khai. Trong những năm qua, BVĐK huyện Sơn Tịnh đã được đầu tư, mua sắm thêm nhiều máy móc, trang thiết bị y tế tương đối hiện đại, đủ khả năng thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên môn cao, phục vụ tốt cho nhân dân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Nếu sáp nhập vào BVĐK tỉnh thì bệnh viện sẽ được hỗ trợ tốt về chuyên môn cũng như nhân lực y tế kỹ thuật cao.

Chạy thận nhân tạo tại BVĐK Dung Quất.
Chạy thận nhân tạo tại BVĐK Dung Quất.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Đức, việc sáp nhập cũng gặp một số khó khăn. Theo khoản 2, Điều 81, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thì hệ thống cơ sở KCB gồm 4 tuyến là Trung ương, tỉnh, huyện, xã (tương ứng với tuyến I, II, III, IV). Nếu sáp nhập, thì địa bàn huyện Sơn Tịnh sẽ không có cơ sở KCB tuyến huyện. Điều này không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16.11.2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT.

Hiện chưa có quy định thông tuyến KCB BHYT ở tuyến tỉnh. Người dân ở các địa phương trên trực tiếp đến KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc được chuyển tuyến từ tuyến xã đến tuyến tỉnh sẽ được xem là trái tuyến, gây khó khăn cho người bệnh và cơ sở KCB trong thanh toán BHYT.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH tỉnh có quy định cụ thể về đăng ký KCB ban đầu BHYT và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản gửi Bộ Y tế xem xét tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.