Nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:09, 05/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm tháng chiến tranh đã có biết bao cán bộ y tế của Quảng Ngãi phải băng qua bão đạn mưa bom để hoàn thành sứ mệnh được giao. Trong số ấy có rất nhiều người hy sinh hoặc phải mang trong mình thương tích của chiến tranh... Vì vậy, những cán bộ y tế hôm nay luôn tự hào với lớp cha anh đi trước, ra sức cống hiến, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Là một trong những cán bộ y tế từng tham gia công tác trong những năm tháng chiến tranh, thầy thuốc ưu tú Phan Tư A, nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi vẫn không sao quên được những năm tháng ác liệt đó. Ông Phan Tư A kể: Hồi ấy, những cán bộ y tế như chúng tôi chỉ mới mười tám đôi mươi, nhưng có mặt ở khắp chiến trường miền Tây của Quảng Ngãi, phục vụ công tác cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân; vừa làm vừa lo chạy bom đạn của địch...

Tất cả vì cách mạng

Ông Phan Tư A cho biết, hồi ấy, với phương châm: “Lấy thương binh làm mệnh lệnh, lấy giường bệnh làm chiến trường, lấy kết quả làm chiến công”, những chiến sĩ áo trắng luôn quả cảm, có mặt kịp thời tại các trận đánh để làm nhiệm vụ. Sau những lúc làm việc căng thẳng, những y, bác sĩ còn tham gia phát triển cơ sở y tế cách mạng. Các địa danh như: Bệnh xá Bác Mười, Bệnh xá Ba Nhà, Bệnh xá Nước Riềng (T30), Bệnh xá X50, B.23. B21... đã đi vào lịch sử, với niềm tự hào sâu sắc. Nhiều thầy thuốc đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (người đứng bên phải) trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ về công tác khám chữa bệnh tại đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (người đứng bên phải) trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ về công tác khám chữa bệnh tại đơn vị.


Điển hình như nữ y tá Phan Thị Tư ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) hy sinh dưới hầm khi đang cấp cứu cho bà con ở thôn 2. Hay y tá Lâm, khi lính Mỹ đánh phá Bệnh xá X.40, để bảo vệ tính mạng cho thương binh, đồng chí đã quả cảm cầm súng chiến đấu với địch đến viên đạn cuối cùng và hy sinh khi mới tròn 20 tuổi. Y tá Trần Thị Bình cũng hy sinh lúc 19 tuổi.

Trên chiến trường Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng đã ghi dấu tấm gương chiến đấu, hy sinh quả cảm của nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở chiến trường Đức Phổ. Hay như sự hy sinh của 66 cán bộ quân dân y ở địa đạo Đám Toái năm 1965, trong đó có nhiều phần mộ đến nay vẫn chưa thể đặt tên... Đó là những tấm gương tiêu biểu trong hàng trăm cán bộ thầy thuốc đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là niềm tự hào và là tấm gương giàu y đức cho thế hệ thầy thuốc hôm nay và mai sau noi theo.
 

Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế Quảng Ngãi đã nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. Năm 2000, ngành y tế Quảng Ngãi, Bệnh xá huyện Đức Phổ nay là Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh có trên 40 thầy thuốc ưu tú.

Lo cho sức khỏe nhân dân

Phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, ngành y tế tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Tấn Đức cho biết: Toàn tỉnh hiện có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 15 bệnh viện tuyến huyện, với hơn 2.800 giường bệnh. Mạng lưới y tế xã không ngừng phát triển, các trạm y tế xã đều có bác sĩ hoạt động. Quảng Ngãi đã “xóa xã trắng về tiêm chủng”, thanh toán bệnh bại liệt và đã loại trừ uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh phong...

Trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở vật chất, mua thiết bị y tế cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh và quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay đã có 198 bác sĩ, dược sĩ trẻ là cử nhân tốt nghiệp bằng khá, giỏi  về công tác tại tỉnh theo chính sách thu hút. Hiện tỷ lệ bác sĩ đi học chuyên khoa I, chuyên khoa II... chiếm gần 40%.

Công tác xã hội hóa y tế bước đầu có nhiều khởi sắc. Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi đã khởi công Dự án Khu Dịch vụ chất lượng cao (BVĐK Quảng Ngãi), với quy mô 500 giường bệnh. Dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2018. Ngoài ra, BVĐK tư nhân Phúc Hưng quy mô 45 giường bệnh, với kinh phí đầu tư 83 tỷ đồng cũng đang được triển khai xây dựng. Sở Y tế cũng đã và đang kêu gọi nhiều dự án xã hội hóa y tế, nhằm phát triển y tế ngoài công lập, giảm quá tải cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, giúp người dân có lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.